Bạn đọc viết:

Báo chí ngày càng mang lại hiệu quả lớn lao cho cộng đồng

(Dân trí) - Điều gì sẽ xảy ra, hay đơn giản là chúng ta (mọi giới chức và người dân) sẽ sống ra sao nếu không có các nhà báo loan tin, bình phẩm và đề xuất xoay quanh các vấn đề nóng hổi của đời sống kinh tế - xã hội…

Báo chí ngày càng mang lại hiệu quả lớn lao cho cộng đồng - 1
Hơn bao giờ hết, mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi nâng cao bản lĩnh chính trị,
trình độ chuyên môn và tích cực trau dồi đạo đức báo chí.
 
Tất cả chúng ta đã như người trong cuộc, đã mục kích, đã chứng kiến các loại tác động của khủng hoảng đến mọi lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần của hết thảy các tầng lớp và giới chức. Nhưng chúng ta nếu chỉ từng người một hay thậm chí từng là người có mặt trong các “cuộc họp” về khủng hoảng thì cũng chỉ riêng cá thể đó biết được thông tin thêm ngoài những gì tự cảm nhận được về cuộc khủng hoảng mà thôi.

Nếu chỉ đơn lẻ như vậy thì sao có được quyết sách hay kinh nghiệm để kịp thời ứng phó với dư chấn của khủng hoảng lan vào và nổi lên trong nước. Chính báo, chí là người bạn vô tư mang đến cho đông đảo nhất các tầng lớp xã hội những thông tin, những lời bình phầm và cả những đề xuất ban đầu cho các giới chức tìm ra giải pháp chống đỡ khủng hoảng.

Điều này trước hết nhờ đặc tính chung, đặc tính riêng và trên hết là nhờ thiên chức riêng có của các binh chủng báo, chí bằng những thế mạnh khác nhau đã giúp cộng đồng, tùy từng mối quan tâm khác nhau để tìm và tiếp cận với các thông tin “vô tư” từ báo, chí. Đến lượt nó, các thông tin, các lời bình phẩm và những đề xuất gợi mở đã trở thành sức mạnh được ví như “quyền lực thứ 4” sau các hệ thống luật pháp để điều chỉnh hành vi của đối tượng được bị ám chỉ, được nêu đích danh hay phổ biến là các đối tượng được tự soi thấy mình để tự ứng xử.

Cho đến nay không ai có thể tính được “tốc độ” và qui mô lan tỏa của báo, chí. Cũng không thể lường định chính xác được hiệu quả của những thông tin, những bình phẩm và những đề xuất từ các bài báo, tờ báo và binh chúng báo, chí của chúng ta là lớn đến nhường nào.

Dù không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng là một chuyên gia kinh tế, tôi vẫn phải viết và trong sâu thẳm còn yêu việc viết, việc chuyển tải những tri thức nhận dạng hay tinh thần của sự vật, hiện tượng kinh tế tới độc giả. Tuy nhiên, để “dấn thân” vào bài viết, vào quá trình viết là vấn đề không hề đơn giản.

Ai đó để được gọi là “Nhà” viết, trước hết phải có nhãn quan về hiện tượng, sự vật của những đối tượng bạn đọc cụ thể. Cho dù nguyên liệu của bài viết là vô tận, thì nội dung và “hồn” của bài viết phải phản ánh được tính chân thực, ngắn gọn qua bút pháp của người viết!

Trong quá trình viết báo, viết chí từ lúc nào không rõ, tôi cũng chính là bạn đọc của rất nhiều thể loại ấn phẩm báo, chí. Và chỉ khi tôi đã là người trong cuộc thì mới nhận ra chân giá trị của các ấn phẩm báo, chí - Nhất là những bài “đinh” trên các số ra định kỳ của các binh chủng báo chí đã được kết tinh nhiều giá trị lao động nghề nghiệp của các tác giả đến mức nào. Thù lao mà họ nhận được có vẻ nhỏ hơn rất nhiều so với cái mà họ đã cống hiến cho xã hội. Đó cũng chính là sự “hy sinh” cho nghề vậy.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, tôi lại viết về nghề này. Dù không có ý ca ngợi, nhưng sự việc vốn thế, tôi đành phải dùng cụm từ xin được “ngưỡng mộ và chia sẻ” với những nỗi gian nan, đôi khi “tai nạn nghề nghiệp” nhưng rất vẻ vang bởi hiệu quả mà báo chí đã, đang và liên tục mang đến cho các giới chức, các tầng lớp trong xã hội thật là to lớn!

Nhớ lại một lần khi nghe giảng trong một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nâng cao hồi 2003, tôi đã rất thích cách giải nghĩa rất dễ hiểu về Nhà báo của thầy: "Nhà báo là gì? Đối với ta, đó là người chiến sỹ xung kích ở mặt trận tuyên truyền - cổ động & tổ chức tập thể một cách cần mẫn, đều đặn cho hàng triệu người (nhấn mạnh tính tuyên truyền, cổ động và tính đều đặn, thống nhất); Đối với "Tây", đó là người thư ký của cộng đồng (nhấn mạnh tính trung lập, trung thực, tự nó); Đối với Mỹ, đó là con "quái vật": chân luôn chạy, tay luôn viết, miệng luôn nói, mũi luôn "dí" vào việc của người khác, tai luôn dỏng lên nghe, mỗi sợi tóc là một cần ăng ten, người nào hói thì cả cái đầu là một ăng ten chảo bắt tin tốt nhất! (nhấn mạnh tính tự do, phóng khoáng)".

Hàm nghĩa này cũng đã có lần tôi dẫn ở bài viết đâu đó, song không bao giờ là thừa khi nhắc lại vào những ngày kỷ niệm này để cùng được chia sẻ với giới các nhà báo nhiều hơn bằng thái độ trân trọng và gợi mở những tư duy sáng tạo mới.

Báo chí nước ta đã và đang “hội nhập” theo hướng chọn lọc những tinh hoa trong cả 3 “định nghĩa” về Nhà báo ở 3 nơi nói trên. Chính vì thế, các nội dung “loan tin, bình phẩm và đề xuất” trong các binh chủng báo chí nước ta đang ngày càng phong phú hơn, trung thực hơn và nhất là rộng đường ngôn luận hơn, do đó ngày càng mang lại hiệu quả lớn lao hơn cho cộng đồng.

TS Nguyễn Đại Lai