“Bản án đẩy ngân hàng vào thế mất không tiền tỷ có nhiều dấu hiệu bất thường”

(Dân trí) - “Vụ việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt là Ngân hàng) thiệt hại gần chục tỷ đồng bởi phán quyết của Tòa án khiến dư luận ngỡ ngàng, bởi đây không phải đơn thuần là thiệt hại của Ngân hàng mà là thiệt hại nghiêm trọng về mặt tài sản của nhà nước. Đây là một bản án có nhiều dấu hiệu bất thường”, luật sư Mai Thị Thảo - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú nhận định.

Để tìm hiểu làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Mai Thị Thảo - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú.

Luật sư Thảo nhận định: “Trong vụ án này, Ngân hàng Agribank với tư cách là bên nhận bảo lãnh thanh toán đã hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh của mình đối với Công ty Đông Nam Á và yêu cầu của nguyên đơn đề nghị Ngân hàng Agribank phối hợp với Công ty Đông Nam Á trả nốt số tiền 4.220.955.458 VNĐ và lãi phát sinh là không có căn cứ”.

Theo luật sư Thảo, sau khi ký HĐ bảo lãnh, ngày 23/08/2011 Agribank Bách Khoa và Công ty Đông Nam Á đã cùng nhau ký kết phụ lục Hợp đồng Bảo lãnh với nội dung giảm trừ số tiền bảo lãnh trong Hợp đồng bảo lãnh trước đó xuống còn 13.743.000.000 đồng và có thông báo bằng văn bản cho Công ty Đại Lộc. Số tiền gốc 4.220.955.458 VNĐ và số lãi phát sinh mà Công ty Đông Nam Á còn nợ công ty Đại Lộc là phần vượt quá giới hạn phạm vi bảo lãnh nên Agribank Bách Khoa không có nghĩa vụ phải trả thay.

“Bản án đẩy ngân hàng vào thế mất không tiền tỷ có nhiều dấu hiệu bất thường” - 1
“Bản án đẩy ngân hàng vào thế mất không tiền tỷ có nhiều dấu hiệu bất thường” - 2

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội bị Ngân hàng Agribank phản ứng.

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội bị Ngân hàng Agribank phản ứng.

Luật sư Thảo cũng cho hay: “Theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Quy chế Bảo lãnh ngân hàng (ban hành kèm theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì: “Bảo lãnh ngân hàng có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nếu các bên liên quan có thỏa thuận”.

“Trong khi đó, Khi phát sinh căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Agribank Bách Khoa đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán theo hợp đồng bảo lãnh số 1401 VSB110700267 ngày 26/07/2011. Cụ thể, khi đến hạn thanh toán tiền hàng mà công ty Đông Nam Á mất khả năng chi trả, Ngân hàng Agribank Bách Khoa đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình, thanh toán đầy đủ số tiền 13.743.000.000 VNĐ cho Công ty Đại Lộc. Như vậy, phía ngân hàng đã hoàn thành xong nghĩa vụ bảo lãnh của mình đối với Hợp đồng cấp bảo lãnh số 1401 VBS110700267 và việc bảo lãnh đã chấm dứt. Đại diện Công ty Đại Lộc vui mừng khi nhận được tiền, nhưng lại bất ngờ khởi kiện sau nhiều năm là một điều hết sức phi lý”, luật sư Thảo nói.

Bên cạnh đó, Luật sư cho rằng: “Bản án phúc thẩm số 11/2016/KDTM-PT của TAND thành phố Hà Nội xác định “không có căn cứ để xác định Agribank Bách Khoa đã gửi Thư giảm trừ số tiền bảo lãnh thanh toán ngày 23/8/2011 cho Công ty Đại Lộc và chưa được sự thống nhất của Công ty Đại Lộc nên văn bản này không có giá trị pháp lý đối với các bên”.

"Nhận định này của Tòa phúc thẩm là vô cùng phiến diện, thiếu khách quan và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng Agribank. Bởi trước khi Ngân hàng gửi thư giảm trừ bảo lãnh giữa Công ty Đại Lộc và Công ty Đông Nam Á cùng nhau ký Phụ lục hợp đồng của HĐ mua bán số 001 ĐNA/ĐL. Tại mục 1.2 của phụ lục hợp đồng này có nêu rõ: “Ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho bên A (Đông Nam Á) chịu trách nhiệm thanh toán cho bên B (Đại Lộc) số tiền tối đa không quá với số tiền 13.743.000.000 VNĐ nếu như bên A vi phạm điều khoản thanh toán trong HĐ 001 ĐNA/ĐL và phụ lục HĐ này”.

“Bản án đẩy ngân hàng vào thế mất không tiền tỷ có nhiều dấu hiệu bất thường” - 4


Việc giảm giá trị bảo lãnh từ hơn 18 tỷ đồng xuống gần 14 tỷ đồng có trong nhiều văn bản.

Việc giảm giá trị bảo lãnh từ hơn 18 tỷ đồng xuống gần 14 tỷ đồng có trong nhiều văn bản.

Như vậy, Công ty Đại Lộc đã biết rõ và chắc chắn rằng giá trị bảo lãnh sẽ bị giảm nhưng Tòa phúc thẩm lại không xem xét điều này. Ngoài ra, Tòa phúc thẩm xác định việc Công ty Đại Lộc không nhận được Thư giảm trừ số tiền bảo lãnh thông qua lời khai và sự phủ nhận từ bên phía Công ty Đại Lộc mà không điều tra cụ thể và chi tiết là phiến diện, không khách quan.

Có thể thấy, TAND thành phố Hà Nội đã ra một phán quyết bất ngờ, trái ngược hoàn toàn với phán quyết của Tòa sơ thẩm và không hề căn cứ vào thực tế khách quan cũng như hồ sơ vụ việc. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, bên cạnh đó còn gây thiệt hại về kinh tế hàng chục tỷ đồng cho nhà nước. Chính bởi thiệt hại kinh tế trong vụ án là vô cùng lớn, nên việc các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án phúc thẩm nói trên của TAND thành phố Hà Nội là việc làm vô cùng cần thiết, hịện chúng tôi đang kiến nghị đến TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các cơ quan tư pháp trung ương để xem xét lại vụ án này” - Luật sư Thảo phân tích.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế