Bãi Gạo điểm sáng văn hóa vùng biên

Bãi Gạo nằm về phía Tây Bắc của huyện Con Cuông, cách trung tâm huyện gần 20 km. Bãi Gạo ( thuộc xã biên giới Châu Khê) có 83 hộ với 359 khẩu, 100% đồng bào dân tộc Thái...

Bãi Gạo điểm sáng văn hóa vùng biên  - 1
Tiết mục múa sạp mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của chi hội phụ nữ Bãi Gạo

Là một bản thuộc vùng cao, nhưng Bãi Gạo là bản đầu tiên của huyện Con Cuông (Nghệ An) sớm từ bỏ việc phát rừng làm nương rẫy. Toàn bản có diện tích tự nhiên 134 ha, nhưng chỉ có 37,4 ha đất canh tác, trong đó có 8,3 ha ruộng lúa hai vụ, có 29,1 ha đất đồi vệ, còn lại là diện tích đất lâm nghiệp và đất thổ cư.

Nếu đem tổng diện tích tự nhiên chia cho số hộ, thì Bãi Gạo là bản có bình quân diện tích đất trên đầu người ít nhất trong huyện. Để khắc phục khó khăn, bà con Bãi Gạo đã biết tận dụng đất đai, xoay mùa, tăng vụ khai thác triệt để quỹ đất, bắt đất cho nhiều lúa, ngô khai sắn, để cung cấp đủ lương thực cho bà con.

Trong diện tích 5,3 ha ruộng lúa nước, bà con đưa giống mới vào gieo cấy, tích cực đầu tư chăm bón nên năng suất cao, bình quân lúa đạt 60 - 65 tạ/ha/vụ. Diện tích đất đồi vệ, bà con đưa cây ngô lai vào trồng, nhờ đầu tư và chăm bón tốt, năng suất ngô lai đạt bình quân 70 - 80 tạ/ha/vụ. Ngoài ra, bà con ký hợp đồng với Nhà máy đường sông Lam trồng 20 ha mía, được Nhà máy hướng dẫn kỹ thuật và nhờ đầu tư tốt, năng suất mía đạt trên 100 tấn/ha. Cây mía cho bà con nguồn thu nhập khá.

Trên diện tích đất đồi rừng, bà con đưa cây mét vào trồng, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến đũa tre xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Do điều kiện đất đai chật hẹp, bà con không chăn nuôi nhiều như các thôn, bản khác, mà chú trọng chất lượng, trâu, bò và đàn gia súc, gia cầm của Bãi Gạo ít về số lượng, nhưng tính ra giá trị chăn nuôi lại đứng đầu huyện.

Bởi bà con biết đầu tư chăn dắt tốt, đầu tư làm chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, ngoài tận dụng đồng cỏ tự nhiên, bà con biết trồng cỏ, và tận dụng các sản phẩm phụ nông nghiệp khi thu hoạch lúa, ngô, lạc đậu, bà con phơi khô cất kỹ làm thức ăn cho trâu bò, nhờ vậy mà trâu, bò không những không bị đói khi mùa đông về. Ngoài sản xuất, chăn nuôi, bà con biết tranh thủ lúc nông nhàn tìm việc làm thêm, tăng thu nhập.

Từ kinh tế phát triển, cuộc sống ấm no, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, việc học tập của con em được quan tâm. Bà Lộc Thị Hoàng - Bí thư chi bộ cho chúng tôi biết: Toàn thôn bản có 100% trẻ được huy động đến trường, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Bản có quy định nếu hộ gia đình nào để con em bỏ học sẽ không được đưa vào xét công nhận gia đình văn hóa, Đảng viên nếu để con em bỏ học sẽ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Bãi Gạo điểm sáng văn hóa vùng biên  - 2

Một góc Bãi Gạo hôm nay

Năm học 2010 - 2011, Bãi Gạo có 7 em đang học Đại học, 2 em đang học cao đẳng, 13 em đang theo học trung học phổ thông, 20 em đang học trung học cơ sở, 18 em đang học tiểu học, 15 cháu dang học lớp mầm non. Trong năm học qua có 15 em đạt học sinh tiên tiến, có 3 em đạt học sinh giỏi huyện, 2 em đạt học sinh giỏi tỉnh. Hàng năm vào ngày Tết trung thu, thôn bản tổ chức cho các cháu vui chơi, có phần thưởng cho các cháu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi.

Khi các cháu về nghỉ hè, Chi bộ giao cho đoàn thanh niên tổ chức cho các em sinh hoạt hè rất có nề nếp. Tuy còn khó khăn, nhưng nhờ biết huy động sức dân, toàn bộ đường giao thông trong bản đã được bê tông hóa...

Bãi Gạo có 100% số hộ có nhà sàn lợp ngói và nhà xây kiên cố, bản có 14 hộ giàu, 52 hộ có thu nhập khá, chỉ còn 17 hộ còn khó khăn do già cả neo đơn hoặc mới ra ở riêng chưa có điều kiện kinh tế. Là bản vùng cao nhưng thu nhập bình quân đạt 750.000 đồng/người/tháng, hàng năm có trên 90% hộ đạt gia đình văn hoá.

Trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, Bãi Gạo không có tệ nạn xã hội xẩy ra, toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bãi Gạo là bản suốt 13 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2000, Bãi Gạo được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu Làng Văn hóa. 10 năm trôi qua Bãi Gạo luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa xuất sắc, chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức đoàn thể hoạt động có nề nếp, liên tục là lá cờ đầu của xã Châu Khê và của huyện.

Bãi Gạo đã được UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... Bãi Gạo luôn xứng đáng là điểm sáng văn hóa của vùng cao - biên giới.

Phùng Văn Mùi