Kiên Giang: Canh tác gần 30 năm, 60ha đất bỗng “lọt” vào quỹ đất xã

Bài 15: Công dân Tiếp tục ngóng kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

(Dân trí) - Liên quan vụ chị em bà Trần Thị Bình khai phá hơn 60ha đất từ 1989 bỗng “lọt” vào quỹ đất công ích 5% xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương, Kiên Giang), ông Trần Minh Sang - Trưởng phòng TN-MT huyện Kiên Lương cho biết, phòng và thanh tra Sở TN-MT đã có báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh.

Làm việc với PV Dân trí, ông Sang cho biết, vừa qua, cơ quan có tiếp nhận hồ sơ xin đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị em bà Trần Thị Bình (ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Khi tiếp nhận hồ sơ này, Phòng đã cho cán bộ vào đo đạc, xác định diện tích từng hộ, tứ cạnh… nhưng do toàn bộ diện tích đất của chị em bà Bình nằm trong đất quỹ 5% của xã Kiên Bình nên chưa thể làm các bước tiếp theo.

Theo ông Sang, vừa qua, khi báo chí phản ánh, Phòng TN-MT huyện phối hợp với Thanh tra Sở TN-MT có xác định, kiểm tra lại thực tế nguồn gốc đất này như thế nào và Sở TN-MT đã báo cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Do vậy, liên quan vụ việc gần 60ha đất của bà Bình, thời gian tới đây Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có văn bản trả lời chính thức.


Bài 15: Công dân Tiếp tục ngóng kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Ảnh 1.

PV Dân trí làm việc với ông Trần Minh Sang - Trưởng Phòng TN-MT huyện Kiên Lương

 PV Dân trí đặt vấn đề, thẩm quyền giải quyết vẫn còn ở cấp huyện, vì sao phải để Chủ tịch UBND tỉnh trả lời? Ông Trần Minh Sang - Trưởng phòng TN-MT huyện Kiên Lương, cho biết, mình không thể phát ngôn vấn đề này. Sau đó, ông Sang tiếp nhận những câu hỏi của PV Dân trí xung quanh 60ha đất của bà Trần Bị Bình lọt vào quỹ đất 5% của xã và hứa sẽ trình lãnh đạo trả lời trong thời gian sớm nhất.

Bà Trần Thị Bình cho biết thêm, vừa qua, bà tiếp nhận công văn 229, ngày 28/02/2018 do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng Ký gửi Thanh tra Chính phủ và bà Bình. Trong văn bản này, bà Bình xét thấy văn bản này xâm phạm đến quyền lợi của gia đình nên bà Bình làm đơn khởi kiện văn bản 229 đến TAND tỉnh Kiên Giang. Hiện TAND tỉnh Kiên Giang đã thụ lý vụ việc này.

Bài 15: Công dân Tiếp tục ngóng kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Ảnh 2.

Nhận thấy văn bản 229 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên chị em bà Trần Thị Bình đã khởi kiện văn bản này

 Theo luật sư bảo vệ cho bà Bình, cho biết, về mặt hình thức, văn bản 229 là một công văn, không phải một Quyết định giải quyết khiếu nại. Do đó, việc UBND tỉnh Kiên Giang thụ lý, giải quyết khiếu nại của gia đình bà Bình về quy trình là sai theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Còn về mặt nội dung của công văn 229, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định toàn bộ diện tích 60ha đất là đất quỹ của xã nhưng căn cứ vào những văn bản qui định pháp luật có sau thời điểm anh chị em bà canh tác thửa đất (chị em bà Bình canh tác từ năm 1989), như: Luật đất đai 1993, Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ban hành 5/7/1994, Nghị quyết HĐND tỉnh Kiên Giang khóa V, ký họp thứ 3, từ ngày 25-28/12/1995…

Theo Bà Bình cho biết, tại buổi hòa giải mới đây, thẩm phán thụ lý vụ việc cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý cho rút lại văn bản 229. Khi nào Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định thu hồi văn bản 229, tòa án sẽ chuyển cho bà Bình để làm các thủ tục tiếp theo.

Như Dân trí đã thông tin, khoảng năm 1989, chị em bà Trần Thị Bình đến vùng đất hoang hóa thuộc khu vực ấp Cống Tre, thị trấn Kiên Lương, huyện Hà Tiên (nay là ấp Cống Tre, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương) khai phá được 60ha đất để trồng lúa. Sau đó chị em bà lập bờ bao xung quanh khu đất và canh tác ổn định, không ai tranh chấp cho đến nay.

Đến 2008, trong lúc gia đình bà Bình cày xới gieo sạ lúa, UBND xã Kiên Bình cho cán bộ đến lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với chị em bà Bình về hành vi “cản trở và sử dụng đất người khác” 3 triệu đồng. Gia đình bà Bình không chấp nhận quyết định này.

 

Bài 15: Công dân Tiếp tục ngóng kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Bình cho biết, toàn bộ 60ha đất chị em bà bỏ công khai hoang từ những năm 1989 nhưng UBND tỉnh Kiên Giang căn cứ vào những văn bản pháp luật có sau thời điểm chị em bà canh tác là không đúng

 

Sau đó, đến năm 2012, UBND xã Kiên Bình căn cứ vào Quyết định số 470/QĐ – UB ngày 6/02/2002 của UBND tỉnh Kiên Giang “Về việc giao đất cho UBND thị trấn Kiên Lương để làm quỹ đất công ích 5% nên ngăn cản chị em bà Bình canh tác. Nhưng chẳng hiểu sao, 10 năm sau, UBND xã Kiên Bình mới đưa Quyết định 470 cho gia đình bà Bình?

Đến 5/9/2013, UBND xã Kiên Bình lập biên bản xử phạt hành chính đối với chị em bà Bình về hành vi bao chiếm 60ha đất công của xã. Từ biên bản này, ngày 8/10/2014 UBND tỉnh ra 03 Quyết định xử phạt hành chính chị em bà Hường, bà Bình, vợ chồng bà Thao, phạt mỗi hộ 65 triệu đồng về hành vi bao chiếm đất công.

Nhưng đến 7/8/2015 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi đã ký các quyết định thu hồi lại 03 quyết định xử phạt hành chính chị em bà Bình về hành vi bao chiếm 60ha đất công của xã Kiên Bình. Sau khi các quyết định xử phạt bị thu hồi, chị em bà Bình tiếp tục về canh tác.


Bài 15: Công dân Tiếp tục ngóng kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Ảnh 4.

Các quyết định mà nguyên Chủ tịch Lê Văn Thi ký rút lại các quyết định xử phạt chị em bà Trần Thị Bình tội bao chiếm đất công

 Đến 15/01/2016, UBND xã Kiên Bình tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính với chị em bà Bình về hành vi bao chiếm hơn 50ha đất công của xã. Từ biên bản này, ngày 04/02/2016, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương lần lượt ra 02 Quyết định số 732,733 xử phạt bà Trần Thị Bình, Trần Thị Thao, Trần Thị Hường, mỗi hộ 4 triệu đồng về hành vi bao chiếm hơn 50ha đất công của xã Kiên Bình.

Tuy nhiên, đến 22/5/2017 Chủ tịch huyện Kiên Lương đã ban hành các quyết định thu hồi các quyết định xử phạt hành chính đối với chị em bà Bình về hành vi bao chiếm đất công.

Sau đó, chị em bà Trần Thị Bình làm hồ sơ gửi xin cấp giấy CNQSD đất gửi đến cơ quan chức năng huyện Kiên Lương nhưng đến nay UBND huyện Kiên Lương vẫn chưa trả lời cho chị em bà Bình, lí do vì sao gia đình bà chưa được cấp giấy đỏ.

Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Nguyễn Hành