Bài 13: Kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ: “Tòa án Hà Nội vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”

(Dân trí) - Bỏ qua bằng chứng luật sư cung cấp về việc bà Nguyễn Thị Nhung là người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ Triệu Thị Mão đang nằm điều trị ở bệnh viện tỉnh Quảng Trị, ngày 26/8/2013 TAND TP. Hà Nội vẫn đưa “kỳ án” có nhiều oan khuất ra xét xử.

Bài 13: Luật sư Lê Quốc Đạt: “Tòa án Hà Nội vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”
Luật sư Lê Quốc Đạt nhận định việc HĐXX đưa vụ án ra xét xử lúc bà Nhung đang nằm viện có nhiều dấu hiệu bất thường
 
Sau phiên xét xử phúc thẩm “kỳ án” kéo dài trên 12 năm của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Quốc Đạt - Giám đốc Công ty luật Trí tuệ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão về diễn biến phiên tòa ngày 26/8/2013, cùng những dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng của Hội đồng xét xử.

Luật sư nhận xét thế nào về diễn biến phiên tòa xét xử phúc thẩm “kỳ án” tranh chấp đất có nhiều oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão?

Tôi tham gia vụ án này từ tháng 6/2013 với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Nguyễn Thị Nhung - con gái và là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão. Trong quá trình tham gia tố tụng, tôi thấy cán bộ TAND TP. Hà Nội chưa tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, ví dụ như khi tôi giao nộp các tài liệu, chứng cứ cho cán bộ thư ký tòa án, có lần giao nộp ngay trước mặt Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Minh Tân nhưng không lần nào được họ lập biên bản giao nhận, vi phạm quy định tại khoản 2 điều 84 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
 
 
Những tài liệu khi tôi giao cho cán bộ Tòa án đều được họ vui vẻ nhận nhưng khi tôi giao Đơn xin hoãn phiên tòa ngày 26/8/2013, cùng bản chụp sổ y bạ, trang bìa bệnh án và bảng kê thuốc chữa bệnh của bà Nhung thì bà Thẩm phán không xem xét thẩm định tại chỗ mà khi ra phiên tòa mới nói rằng đó chỉ là tài liệu photocopy, khiến tôi phải xuất trình bản chính Sổ Y bạ tại tòa để chứng minh, như vậy đã vi phạm điểm đ, khoản 2 điều 85 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định về việc Thẩm phán phải xem xét, thẩm định tại chỗ các chứng cứ.

Tại phiên tòa hôm nay (ngày 26/8/2013), mặc dù nguyên đơn là bà Nhung vắng mặt lần thứ hai nhưng tòa không đình chỉ vụ án là vi phạm quy định tại điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Khi tôi kiến nghị hoãn phiên tòa vì bà Nhung không thể tham dự vì lý do bất khả kháng được hướng dẫn thực hiện tại khoản 3 điều 28 Nghị quyết số 05/2012/ NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành ngày 3/12/2012 và điều 16 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP của TANDTC nhưng không được chấp nhận. Hơn nữa, hôm nay bị đơn Nguyễn Văn Tạo có đơn xin hoãn lần thứ nhất nhưng tòa án vẫn xét xử là vi phạm quy định tại khoản 1 điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự...

Theo quan điểm của Luật sư, những vi phạm trên sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý như thế nào ?

Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm nghiêm trọng các thủ tục tố tụng thì các đương sự có quyền đề nghị Tòa án hoặc Viện Kiểm sát cấp trên xem xét hủy bản án đã vi phạm. Vụ án này đã bị vi phạm tố tụng nên gia đình có quyền sẽ đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm để đảm bảo việc xét xử tuân thủ đúng theo Pháp luật.
 

Luật sư có đánh giá như thế nào về nội dung bản án do Hội đồng xét xử đưa ra?

Tại phiên tòa ngày hôm qua, bà Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nói rất bé, lúc tuyên án đọc bản án tôi nghe không rõ nội dung, tôi có hỏi một số phóng viên ngồi dưới nhưng họ cũng không nghe được gì, vì vậy tôi sẽ đưa ra đánh giá của mình khi có được bản án chính thức của TAND TP. Hà Nội.

Xin cảm ơn luật sư!

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương (thực hiện)