Vụ khiếu kiện của 13 hộ dân tại Hải Dương:

Bài 1: Quan làm sai, dân chịu thiệt

(Dân trí) - Từ những việc làm tắc trách, trái pháp luật của một số cán bộ huyện Nam Sách, Hải Dương đã khiến cho 13 hộ dân khu Ba Hàng, xã Nam Đồng phải đi gõ cửa các cơ quan công quyền hàng chục năm nay để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Bài 1: Quan làm sai, dân chịu thiệt - 1
Nhiều người dân, và cán bộ tỉnh Hải Dương nghe thông báo kết quả
 của Thanh tra Chính phủ về làm rõ các nội dung khiếu nại
của 13 hộ dân khu Ba Hàng (ảnh: Vũ Văn Tiến)

“Xếp” Quyết định của tỉnh vào góc tủ

Năm 1989, 13 hộ dân được xã Nam Đồng, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho phép ra ngã Ba Hàng làm dịch vụ và nhà ở. UBND xã Nam Đồng đứng ra thu tiền của các hộ này và hứa làm thủ tục đất ở theo quy định của pháp luật.

Trước tình trạng đó, năm 1994, UBND tỉnh Hải Hưng có Quyết định số 417/QĐ-UB thu hồi đất lấn chiếm trái phép của các hộ dân này và yêu cầu UBND xã Nam Đồng hoàn trả lại số tiền thu trái luật.

Tỉnh yêu cầu huyện, xã và các ngành liên quan trong tỉnh thực hiện Quyết định trên trước ngày 31/5/1994.

Tuy nhiên “trên bảo dưới không nghe”, khi chính quyền huyện Nam Sách và xã Nam Đồng “xếp” Quyết định số 417 vào góc tủ coi như không tồn tại. Trong khi đó, các hộ dân vẫn tiếp tục sinh sống và ở ổn định cho đến hôm nay.

Trong thời gian đó, cán bộ xã Nam Đồng vẫn không ngớt lời kêu gọi các hộ dân ở đây nộp tiền cho xã để “hoàn thiện” giấy tờ đất.

Tháng 8/2004, UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 3272/QĐ-UB cho Công ty Hòa An thuê đất làm chợ đầu mối chuyên doanh rau quả vùng đồng bằng sông Hồng trên chính diện tích đất của 13 hộ dân lấn chiếm từ năm 1989.

Đến thời điểm trên, 13 hộ dân khu Ba Hàng mới té ngửa khi biết diện tích đất mà gia đình mình đang ở ổn định nằm trong dự án làm chợ đầu mối trên, do vậy họ phản đối thì được ông Vương Văn Thanh, Phó Chủ tịch huyện Nam Sách đem Quyết định số 417 (đã hết hiệu lực từ ngày 31/5/1994) ra đọc trước dân.

Sau Quyết định số 417 của UBND tỉnh Hải Hưng, còn một văn bản nữa liên quan đến vấn đề này. Đó là “Bảng tổng hợp kinh phí đền bù đất thổ cư” của Ban GPMB Quốc lộ 5 ngày 6/10/1994, trong đó có xác nhận của ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ.

Như trên đã nói, Quyết định số 417 cho rằng khu đất của 13 hộ dân Ba Hàng đang ở là đất chiếm dụng trái phép. Vậy tại sao 5 tháng sau, chính UBND tỉnh Hải Hưng lại có phương án đền bù đất thổ cư?. “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy? Người dân biết thế nào cho đúng?!

Hợp thức hóa đất lấn chiếm trái phép

Như đã nói ở trên, cả 13 hộ dân khu Ba Hàng cùng có nguồn gốc đất như nhau. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào, năm 2002, ông Phạm Công Hãn (một trong 13 hộ dân lấn chiếm đất trái phép) lại được hợp thức hóa diện tích đất ở trên bằng Quyết định số 56/QĐ-UB của UBND huyện Nam Sách, do ông Mạc Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện ký.

Vì lẽ đó, các hộ dân còn lại đòi “quyền lợi” như trường hợp ông Hãn thì UBND huyện Nam Sách lại “vội vàng” chữa cháy bằng Quyết định số 25/QĐ-UB thu hồi Quyết định số 56.

Theo phương án bồi thường và giải phóng mặt bằng (GPMB) của huyện Nam Sách, hộ ông Hãn được nhận tổng cộng 660 triệu đồng tiền đền bù, trong khi các hộ gia đình còn lại đều được nhận hơn 100 triệu đồng. Cùng một mảnh đất ấy nhưng giá đền bù lại khác nhau một trời một vực, thật hết sức vô lý.

Trả lời thắc mắc về vấn đề này, Ban GPMB huyện lý giải rằng huyện chỉ hỗ trợ ông Hãn 112 triệu đồng như các hộ khác, còn số tiền trên 500 triệu đồng “được thêm” do có sự “thỏa thuận” giữa Công ty Hòa An và ông Hãn. Cách trả lời như vậy hoàn toàn thiếu thuyết phục, bởi cả 13 hộ dân đều có nguồn gốc đất sử dụng như nhau.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc

Trước những việc làm tréo ngoe, trái pháp luật như trên, ngày 3/7/2007, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3666/VPCP-VII gửi Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo giải quyết vụ việc này.

Công văn ghi rõ: “Xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 1272/KL-TTCP ngày 29/6/2006 về khiếu nại của 13 hộ dân khu Ba Hàng, xã Nam Đồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có ý kiến chỉ đạo như sau: Yêu cầu tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát lại việc giải tỏa, đền bù và hỗ trợ đối với các hộ dân bị thu hồi đất để có biện pháp giải quyết cụ thể, đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ”.

Tại Kết luận Thanh tra số 1272/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về xác minh nội dung khiếu nại của các hộ dân khu Ba Hàng, Thanh tra Chính phủ đã vạch rõ nhiều sai phạm về thủ tục trong quá trình giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương đã mắc phải trong vụ việc trên.

Cụ thể: “Về thủ tục giải quyết khiếu nại chưa tuân thủ theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Khiếu nại tố cáo năm 2004, và Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Khiếu nại tố cáo (không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại riêng cho từng hộ);

UBND huyện Nam Sách đã chỉ đạo, có quyết định thành lập Ban GPMB (kế hoạch của Ban GPMB có ghi nhiệm vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB); nhưng trong quá trình triển khai để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư UBND huyện Nam Sách không ban hành quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của Luật Đất đai 2003 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; không có thành phần của chủ đầu tư và đại diện các hộ dân trong diện giải tỏa…”

(Còn nữa)
Vũ Văn Tiến