Áp lực đối với học sinh từ nhiều phía

Tôi rất hoan nghênh báo Dân trí mở diễn đàn về những vấn đề nổi cộm trong giáo dục đang là lĩnh vực được dư luận xã hội rất quan tâm. Tôi tin rằng diễn đàn này sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu và tâm huyết.

Bài viết dưới đây, tôi muốn tham gia một số ý kiến về những vấn đề mà diễn đàn đang đề cập.

Thứ nhất nói về chương trình phổ thông có nặng hay không? - Riêng việc này, tôi nghĩ không thể chỉ nhìn nhận trên cơ sở sức ép dư luận, mà Bộ GD-ĐT nên xem xét vấn đề trên cơ sở tập hợp các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu và của nhân dân, sau đó hệ thống thành những điểm chính mà nhiều tập thể và cá nhân nêu ra.

Hai là, nghiên cứu chương trình phổ thông của các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Pháp v.v... xem chương trình của họ thế nào. Điều gì là chung nhất giữa họ và điểm gì là sự khác biệt và tại sao lại có sự khác biệt đó. Rồi đối chiếu với chương trình phổ thông tương ứng của chúng ta, qua đó mới có thể đánh giá chương trình của ta như thế nào, có đúng là nặng hay không (?). Không nên vì sức ép dư luận mà mất khách quan và vội chỉnh lý giảm tải chương trình, dễ rơi vào hệ lụy của câu chuyện “Đẽo cày giữa đường”.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ở đây, tôi  muốn chia sẻ với cộng đồng một cách nhìn khác về sự học vất vả và nặng nề đối với con em chúng ta ở chỗ nào?

Đó là nạn dạy thêm và học thêm tràn lan. Tất cả sự khổ ải của con trẻ cũng là ở chỗ này, tuổi thơ con trẻ có bị đánh cắp hay không cũng là ở chỗ này, quan hệ thầy trò lâu nay bớt thiêng liêng và có nhiều chuyện không vui cũng bắt nguồn từ chỗ này, nhiều gia đình khó khăn bố mẹ cãi nhau vì nhiều khoản tiền học cho con cũng từ chỗ này, tất cả những điều đó tạo nên vấn nạn xã hội dai dẳng cũng là từ chỗ này.

Các vị có thể  xem xét nguyên nhân của sự học thêm có rất nhiều dạng:

- Học thêm do nhà trường tổ chức chính thống - Học thêm do các thầy dạy bộ môn mở lớp ở nhà kéo trò về học - Học thêm do chính phụ huynh chủ động chạy tìm thầy giỏi cho con mình theo học để mong có đủ kiến thức đậu tốt nghiệp, rồi thi chuyển cấp. Con trẻ thơ ngây cứ phải cõng ba lô trên lưng rong ruổi khắp mọi nẻo đường để đi học thêm hết môn này đến môn khác chủ yếu để làm hài lòng tất cả người lớn chúng ta mà thôi. Chính điều đó khiến dư luận cảm thấy chương trình, khối lượng học quá nặng nề đối với con trẻ (Thực ra chương trình gốc chưa chắc đã thực sự nặng ).

Tôi cho rằng con trẻ của chúng ta hiện nay chịu một áp lực khủng khiếp từ bố mẹ ép phải học nhiều để giỏi giang bằng người; rồi sức ép từ nhà trường muốn trò giỏi để làm rạng danh nhà trường; sức ép từ các thầy cô muốn chúng đến nhà mình học để thu tiền. Và cả sức ép của dòng họ, của nạn quá coi trọng bằng cấp. Đó là lý do mà sự học của con trẻ giờ đây như một sự đày ải, chúng như bị hành xác để đáp ứng các tham vọng của người lớn chúng ta.

Rõ ràng tuổi thơ của chúng bị đánh cắp một cách không thương tiếc Tôi nghĩ đó là lý do tại sao đời sống bây giờ đã khá lên nhiều so với trước kia mà sao trẻ em lại còi cọc, đầu to mắt cận, mặt xanh nanh vàng. Đó là lý do tại sao mà sau mỗi kỳ thi đại học hàng năm lại có các em bị bệnh tâm thần hoặc phải gieo mình xuống sông tự vẫn.

Đến đây các vị đã cảm nhận được sức ép khủng khiếp mà con trẻ chúng ta đang phải chịu đựng như thế nào. Vì vậy bên cạnh việc tranh luận chương trình "nặng hay nhẹ" còn chưa ngã ngũ thì việc đặc biệt quan trọng và cấp thiết là chúng ta cùng chung tay góp sức làm sao để giảm áp lực lên con em chúng ta, làm sao để chúng không còn khiếp sợ khi nghĩ đến sự học, không quá lo âu mỗi khi chẳng may bị điểm kém hay một dòng phê bình của cô giáo trong sổ liên lạc.

Chúng ta phải giải phóng cho chúng thoát khỏi cái “trọng trách” là đối tượng phải đáp ứng tất cả các tham vọng của người lớn - Chính  chúng ta phải trả lại tuổi thơ cho con em chúng ta!

Vấn đề thứ hai tôi muốn trao đổi là khối lượng các môn học, theo thống kê của một tác giả thì số môn ở lớp 12 là 17 môn. Chưa biết lượng kiến thức các HS phải tiếp thu có nhiều và có khó ở mức nào, nhưng 17 môn học thì quả là quá nhiều, sức các em có hạn, sự khát khao kiến thức của các em cũng có hạn và khác nhau; phải học quá nhiều môn thì các em sẽ chán và sẽ tìm cách đối phó, cốt làm sao kiếm đủ điểm thi tốt nghiệp, vì vậy học quá nhiều môn không có lợi ích gì cho tương lai mà trước mắt là phí phạm thời gian, sinh lực vật lực của thầy trò và toàn xã hội không đáp ứng nổi, chất lượng giáo dục cũng không được nâng cao thực sự.

Nguy hiểm hơn là chúng ta tạo cho các em ngay từ ghế nhà trường để hình thành tư chất đối phó quay cóp và dối trá. Tôi đề nghị giảm các môn học không thực sự cần thiết mà thay vào đó là tăng cường các môn học nâng cao thể chất  (Điều này GS Trần Quang Anh ĐH Thanh Hoa Bắc Kinh đã thẳng thắn nhìn nhận - giáo dục thể chất ở TQ rất tốt, còn giáo dục thể chất ở ta rất hạn chế và nghèo nàn), cần tăng cường giờ học ngoại khoá về văn học, địa lý và lịch sử để các em thoải mái tâm lý và làm cho kiến thức phong phú hơn.

Ở cấp tiểu học, các cháu phải đi học chính khoá ngày hai buổi ròng rã cả năm là rất vất vả không khoa học. Các anh chị lớn hơn chủ yếu cũng chỉ học một buổi sao chúng học ở cấp thấp nhất, sức nhỏ trí nhỏ hơn lại phải đi học cả ngày? Tôi thấy trẻ con không được ngủ trưa, cứ thấp thỏm lo đi học buổi chiều thấy rất thương. Có lẽ chúng còi cọc đi vì cấp học này đây (Ba lô chúng cõng trên lưng gần 10kg đấy).

Vấn đề thứ ba là chuyện học phân ban - Tại sao đã gọi là phổ  thông mà lại còn phân ban có phải đây chính là tái sinh hình thù khác của “ Chuyên” hay không (?) - Ban A thiên về toán lý hoá, Ban B thiên về toán, hoá, sinh - ban C, D thiên về Văn sử địa và ngoại ngữ nhiều hơn. Vậy thì phổ thông mà không phổ thông, ở tuổi thanh thiếu niên với cấp học phổ thông các em nên được hưởng một lượng kiến thức cơ bản một cách bình đẳng - nhất là đối với các môn ảnh hưởng tới tình cảm và tư chất con người như Văn học và Lịch sử. Đừng tước đi của các em cái quyền này; nói là ai cấm, ai tước đâu nhưng cách học phân ban vô hình chung chúng ta tước của các em.

Tôi rất  nhớ lời tựa đề cuốn sách “Thiên nhiên Việt Nam” của giáo sư Địa lý Lê Bá Thảo “Không học địa lý làm sao có tình yêu quê hương đất nước, không học lịch sử làm sao có lòng tự hào dân tộc”; với ý nghĩa tương tự như vậy “Không học Văn thì làm sao có lòng yêu thương con người”.

Tôi đề nghị hãy trả về cấp học phổ thông với tất cả ý nghĩa đích thực và tốt đẹp của nó.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là các thầy và các trò hãy giải quyết tốt chương trình cơ bản của SGK trong giờ học chính khoá. Việc dạy thêm, học thêm nhà trường đứng ra tổ chức cử các thầy có năng lực phù hợp giảng dạy, HS đóng tiền cho nhà trường, nhà trường sẽ trả lương cho các thầy theo cống hiến, đừng đề cảnh HS đến nhà thầy học rồi cầm tiền đến đóng cho thầy làm ảnh hưởng đến quan hệ thầy trò - một trong những quan hệ thiêng liêng nhất trong lịch sử loài người.

Hãy chấm dứt nạn dạy và học thêm tràn lan ngoài khuôn khổ nhà trường. Đó cũng là một cách để chúng ta giải phóng sự khổ ải cho con em chúng ta và trả lại tuổi thơ cho chúng, cũng như làm lành mạnh môi trường giáo dục.

Nguyễn Kim Chung - TP Thanh Hoá

LTS Dân trí - Đúng là học sinh ngày nay chịu nhiều áp lực, trong đó có hai áp lực nặng nề nhất là áp lực từ gia đình và nhà trường. Cả hai áp lực này làm cho con trẻ phải học quá nhiều và không còn tìm thấy sự hứng thú trong học tập và đấy là nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả học tập cũng như không đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện, không giúp cho trẻ phát triển hài hòa cả đức, trí, thể, mỹ.

Việc khắc phục tình trạng nói trên không thể chỉ trông mong vào nhà trường, mà gia đình và xã hội cũng đóng góp vai trò quan trọng. Các bậc cha mẹ học sinh không nên ép buộc con em học bằng được để lấy điểm cao, mà phải tùy theo sức học, tuỳ theo nhận thức và sức khoẻ mỗi em mà đặt mục tiêu phấn đấu phù hợp: càng không nên bắt ép con em đi học thêm đến nỗi không còn thời gian tự học, vừa tốn tiền vừa không đạt hiệu quả mong muốn.
Đừng bao giờ bắt con trẻ phải thực hiện “tham vọng” của người lớn!