4 nguyên nhân khiến sinh viên ngày càng dốt đi

Xin chào Diễn đàn Dân trí, tôi thường xuyên theo dõi những bài viết trên chuyên mục này, vừa rồi đọc bài "Làm sao để sinh viên không ngày càng dốt đi", tôi rất đồng tình với quan điểm của bài đó và muốn bày tỏ một số suy nghĩ về vấn đề này.

Trong khi xã hội tiến lên, chúng ta phải buồn lòng mà thừa nhận thực trạng sinh viên ngày càng "dốt đi" về tri thức cũng như kỹ năng thực hành, giao tiếp xã hội và cả những năng lực tối thiểu nhất để trở thành một người chủ xã hội. Nhưng sự yếu kém đó là do đâu? Nếu nói là do sinh viên lười học thì chưa đủ mà theo suy nghĩ của tôi, có một số nguyên nhân chính sau đây:

1. Số lượng trường đại học tăng khá nhiều do vậy số lượng sinh viên tăng nhanh, trong khi đó bộ máy quản lý ở một số trường chưa theo kịp xu thế xã hội, số lượng giảng viên trẻ cũng tăng theo nhu cầu của các trường, cho nên chất lượng giảng dạy còn nhiều hạn chế.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

2. Chương trình học vẫn mang nặng tính lý thuyết và có rất nhiều môn học không còn thích hợp nữa, bởi thế sinh viên phải học những thứ họ cảm thấy vô bổ, không giúp ích họ khi ra làm thực tế.

3. Phương pháp dạy học vẫn lấy người thầy làm trung tâm mà nhẽ ra phải là người trò làm trung tâm, không kích thích được tính sáng tạo của sinh viên.

4. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, không tạo ra môi trường học tập năng động cho sinh viên, những hoạt động ngoại khóa còn mang tính phong trào, không thực sự thu hút sự quan tâm của sinh viên.

Minh Chuan
He_muon03yahoo.com

LTS Dân trí - Bài viết trên đây ngắn gọn, song đã nói lên được những nguyên nhân cơ bản làm cho sinh viên không hào hứng học tập, chủ yếu vì chương trình đào tạo cũng như phương tiện và phương pháp giảng dạy vẫn theo nếp cũ, không theo kịp sự phát triển của xã hội, do đó ít đem lại lợi ích thiết thực cho người học. Đấy là chưa nói trình độ chuyên môn cũng như kiến thức thực tế của cán bộ giảng dạy có nhiều hạn chế. Với môi trường và cách thức đào tạo như vậy, dù sinh viên có chỉn chu học tập thì trình độ chuyên môn cũng như kiến thức thực tế đều bị thua kém nhiều nước trong khu vực (chưa dám so sánh với thế giới) cũng là điều không lạ.

Cái lạ ở đây là tình trạng yếu kém đó đã kéo dài nhiều năm nay, mà hầu như các cấp quản lý đều biết, nhưng vẫn chưa đề ra được những biện pháp khắc phục có tính khả thi. Nếu nguồn lực (bao gồm cả nguồn tài chính và con người) chưa cho phép để khắc phục toàn diện sự yếu kém thì có thể khắc phục dứt điểm từng mặt yếu kém, trước hết tập trung cho chương trình đào tạo và cách thức tổ chức đào tạo. Đáng tiếc là chúng ta không khẩn trương thực hiện điều đó mà đã vội mở thêm nhiều trường đại học, cao đẳng làm cho chất lượng đào tạo đã thấp càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.

Có đúng như vậy không? Xin mời các độc giả, nhất là những “người trong cuộc” - các Thầy giáo và sinh viên trao đổi ý kiến về vấn đề hệ trọng và rất thiết thân này.