13 năm đi làm chế độ của người cựu chiến binh: Kết thúc có hậu và sự vô cảm!

(Dân trí) - Căn cứ vào hồ sơ gốc hiện có của ông Lưu Tiền Tiến và các văn bản xác nhận của các cơ quan liên quan, Phó Cục trưởng Cục Người có công đã kết luận: Hồ sơ đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học của ông Lưu Tiền Tiến đủ điều kiện để hưởng các chế độ theo quy định của Pháp lệnh Người có công.

Như Dân trí đã phản ánh về trường hợp của người Cựu chiến binh Lưu Tiền Tiến 13 năm mòn mỏi đi làm chế độ công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tại buổi tiếp dân của Bộ Lao động Thương binh và xã hội ngày 20/7/2017, ông Lã Minh Hoạt và ông Nguyễn Duy Chiều được sự ủy quyền của ông Lưu Tiền Tiến đã chuyển tới bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nội dung sự việc cùng bộ Hồ sơ của ông Lưu Tiền Tiến.

Với tinh thần cầu thị, trọng dân, tôn trọng sự thật, sau khi xem xét hồ sơ hiện có của ông Lưu Tiền Tiến, Thứ trưởng đã giao ngay cho ông Nguyễn Duy Kiên, Cục phó Cục Người có công giải quyết sau 3 ngày.

Ngày 28/7/2017, tại Sở LĐTBXH TP Hà Nội, PV Dân trí đã tham dự cuộc họp giữa đại diện Cục Người có công là ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng; Đại diện Sở LĐTBXH bao gồm cán bộ Phòng Người Có công và Thanh tra Sở với ông Lưu Tiền Tiến cùng Đại tá Lã Minh Hoạt và Đại tá Nguyễn Duy Chiều - là 2 người đại diện được ông Lưu Tiền Tiến ủy quyền.

Tại buổi làm việc, Căn cứ vào hồ sơ gốc hiện có của ông Lưu Tiền Tiến và các văn bản xác nhận của Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu - Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc - Bộ Tư lệnh thủ đô HN (căn cứ Thông tư 05/2013 và Thông tư 16/2014 - Thông tư Bộ LĐTBXH), ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công kết luận: Hồ sơ đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học của ông Lưu Tiền Tiến đủ điều kiện để hưởng các chế độ theo quy định của Pháp lệnh Người có công. Ông Kiên đã giao Sở LĐTBXH Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Phòng LĐTBXH huyện Mỹ Đức hướng dẫn ông Lưu Tiền Tiến hoàn thiện hồ sơ từ cơ sở gửi lên Sở LĐTBXH Hà Nội để Giám đốc ra quyết định trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.


Ông Lưu Tiền Tiến (ảnh bìa trái) cùng 2 người đồng đội

Ông Lưu Tiền Tiến (ảnh bìa trái) cùng 2 người đồng đội

Có hay không sự “vô cảm”, thiếu trách nhiệm của cơ quan xét duyệt hồ sơ với người có công với cách mạng?

Thể hiện qua việc: trong quá trình làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ của ông Tiến (nói riêng), ông Tiến chưa lần nào nhận được công văn của Phòng Người có công (NCC) trả lời về nguyên nhân của việc hồ sơ không hợp lệ mà chỉ trả lời chung chung rằng Hồ sơ không hợp lệ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hành trình 13 năm ông Tiến phải vất vả đi hoàn thiện bộ hồ sơ, mà có thể nói ông Tiến sẽ không bao giờ có thể làm được điều này nếu không có sự trợ giúp của những người Cựu Chiến binh - nguyên là lãnh đạo chỉ huy, những người đồng đội sống chết có nhau cùng nhập ngũ, cùng đi B ở Tiểu đoàn 2 Thông tin, là những người chỉ huy trực tiếp từ Tiểu đội đến Trung đội, chính trị viên đại đội, Tiểu đoàn trưởng giúp đỡ. Bởi nếu phòng NCC trả lời bằng công văn, ông Tiến cùng đồng đội có thể hoàn thiện bộ hồ sơ từ rất nhiều năm trước.

13 năm đi làm chế độ của người cựu chiến binh: Kết thúc có hậu và sự vô cảm! - 2


Lý lịch quân nhân và Giấy chứng nhận đeo huân chương của ông Lưu Tiền Tiến mà Phòng Người có công đề nghị ông Tiến sang Bộ Công an giám định lại.

Lý lịch quân nhân và Giấy chứng nhận đeo huân chương của ông Lưu Tiền Tiến mà Phòng Người có công đề nghị ông Tiến sang Bộ Công an giám định lại.

Chỉ đến ngày 14/3/2017 ông Tiến cùng đồng đội là ông Nguyễn Duy Chiều trực tiếp đến Phòng NCC, Sở LĐTBXH gặp bà Lê Minh Hương, Trưởng phòng NCC, tại đây bà Hương trả lời: trường hợp của ông Lưu Tiền Tiền không thể giải quyết được do đã xem xét nhiều lần rồi, và thắc mắc C5D2E29-QĐ3 là đơn vị nào? Tại sao và căn cứ vào đâu mà Bộ Tư lệnh Thủ đô lại giải mã đơn vị C5D2E29-QĐ3? Sau đó bà Hương yêu cầu ông Tiến về đơn vị cũ ở Tây Nguyên photo danh sách quân nhân đơn vị có tên ông Tiến và sang Bộ Công an giám định lý lịch quân nhân của ông Tiến.

Không đồng thuận với câu trả lời và cách làm việc của bà Hương, Đại tá Nguyễn Duy Chiều đã có ý kiến với bà Hương về vấn đề này. Chính vì vậy đến ngày 16/3/2017 Phòng NCC mới có công văn số 630/LĐTBXH gửi Cục NCC xin ý kiến một số vướng mắc đối với người HĐKC bị nhiễm chất độc hoá học (trường hợp của ông Tiến) với nội dung:

“Lý lịch quân nhân (bản chính) của ông Lưu Tiền Tiến, từ trang 1 đến trang 8 viết một loại chữ mực; tại trang 13, quá trình tại ngũ viết loại chữ mực khác so với các trang trước như sau:

Từ tháng 12/1971 đơn vị C2-D2 Từ tháng 12/1971 đến 12/1972 đơn vị C2 Ttin binh trạm Bắc Từ tháng 5/1973 đến 5/1975 đơn vị C9 Ttin binh trạm Bắc Từ tháng 6/1975 đơn vị C5-D2-E29

Phiếu đăng ký để lập sổ trợ cấp phục viên năm 1976 (tô lại chữ) ghi ông Lưu Tiền Tiến; Cấp bậc: Hạ sĩ; đơn vị D2-E29-QĐ3; nhập ngũ tháng 5/1971; Phục viên: 20/9/1976.


Công văn trả lời của Cục Người có công từng cho rằng trường hợp của ông Lưu Tiền Tiến chưa đủ căn cứ về mặt thời gian để xác lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Công văn trả lời của Cục Người có công từng cho rằng trường hợp của ông Lưu Tiền Tiến chưa đủ căn cứ về mặt thời gian để xác lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ngày 08/3/2017 Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị số 07/CCT-CS đối với trường hợp ông Lưu Tiền Tiến đơn vị c5/d2/e29/QĐ3 (sao bản phô tô gửi kèm).

Và đến ngày 02/6/2017, Cục NCC đã có công văn trả lời: trường hợp của ông Lưu Tiền Tiến chưa đủ căn cứ về mặt thời gian để xác lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hoá học như Dân trí đã nêu ở kỳ trước. Với kết luận trên chắc chắn không có một cơ quan nào đứng ra giải quyết chế độ cho ông Tiến, đồng thời toàn bộ công lao đóng góp của ông Tiến bị phủ nhận sạch trơn.

Rõ ràng, với những hồ sơ của ông Tiến còn lưu giữ và trình bày trực tiếp để các cán bộ Phòng NCC xem xét thì chỉ cần phòng NCC làm tham mưu cho Giám đốc Sở làm công văn mời Bộ Tư lệnh QĐ3, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh thủ đô đến hoặc các cơ quan quân đội giải mã Lý lịch quân nhân của ông Tiến xem có đúng là ở chiến trường Tây Nguyên hay không hoặc yêu cầu Bộ Công an giám định lý lịch quân nhân của ông Tiến nếu xét thấy nghi ngờ. Thế nhưng, các cán bộ Phòng NCC lại yêu cầu người trong cuộc phải đi tìm, giải trình theo ý chí chủ quan của mình.

Thứ hai, Trong khi bản khai lí lịch quân nhân của ông Tiến thể hiện rất rõ: Ngày nhập ngũ: 02/5/1971.

Ngày vào chiến trường Tây Nguyên: 16/12/1971

Từ 16/12/1971 đến 08/1974 thuộc đơn vị C2 D2 Thông tin, Bộ tham mưu mặt trận B3.

Từ tháng 9/1074 đến 30/4/1975 thuộc đơn vị C5D2E29 – Quân đoàn 3.

Ngày phục viên: Tháng 9 năm 1976.

Phòng NCC đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ mà chỉ căn cứ vào phần đuôi của bản khai lý lịch là “Từ tháng 6/1975 công tác tại đơn vị C5-D2-E29, thời gian trước 30/4/1975 không thể hiện công tác tại đơn vị C5-D2-E29” để xem xét thời gian tham gia chiến đấu tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học của ông Tiến.

Khả Vân