DNews

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma

Đặng Dương

(Dân trí) - Khoảnh khắc đặt chân đến vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, chị Trần Thị Thủy cất tiếng hát gọi cha, liệt sỹ Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma

"Cảm thấy cha đang ở bên!"

Tham gia Đoàn công tác số 8 của Quân chủng Hải quân Việt Nam tới thăm, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) trong năm nay, Đại úy Trần Thị Thủy (Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) là một trong những thành viên đặc biệt nhất.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 1

Tàu 571 di chuyển vào vùng biển Gạc Ma- Cô Lin chuẩn bị làm lễ tưởng niệm anh hùng liệt sỹ hy sinh bảo vệ Trường Sa (Ảnh: Đặng Dương).

Chuyến công tác không chỉ là cơ hội để Đại úy Trần Thị Thủy gặp gỡ đồng đội của mình mà còn là dịp để chị thăm lại nơi cha chị - liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương (Phó trưởng đảo Gạc Ma) đã nằm xuống 35 năm trước.

Cuộc đoàn tụ của nữ Đại úy hải quân với người cha chưa từng gặp mặt (Video: Đặng Dương).

Trên boong tàu 571, các đại biểu trong đoàn công tác và thủy thủ dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Trường Sa.

Trong khúc quân hành "Hồn tử sĩ", vòng hoa thắm màu cờ đỏ sao vàng được thả dần xuống mặt nước biển. Đại úy Trần Thị Thủy đôi mắt đỏ hoe, hướng về vùng biển nơi có hàng trăm cánh hạc giấy đang dập dìu theo con sóng.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 2
Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 3
Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 4
Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 5

Chị Trần Thị Thủy kể, cha hy sinh khi chị còn nằm trong bụng mẹ. Nữ Đại úy chỉ biết về người cha anh hùng qua lời kể của bà, của mẹ cùng di ảnh và những bức thư ngày ấy cha gửi về nhà từ nơi cha đang làm nhiệm vụ. Nỗi đau, mất mát nữ Đại úy hải quân là người hiểu và cảm nhận rõ nhất.

Năm 2010, chị Thủy lần đầu tiên được đến với Trường Sa. Ba năm gần đây, năm nào chị cũng được đơn vị tạo điều kiện ra thăm nơi cha đã anh dũng hy sinh.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 6

Đại úy Trần Thị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó trưởng đảo Gạc Ma (Ảnh: Đặng Dương)

Lần nào đến với Trường Sa, trong trái tim người con gái chưa một lần được gặp mặt cha cũng dâng trào những cảm xúc đặc biệt. Bởi đến với Trường Sa, đến với vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, chị luôn cảm nhận được cha đang ở rất gần bên mình.

Nhớ lại những cảm xúc khi được đến vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, chị Thủy xúc động: "Mỗi lần được đến nơi cha và đồng đội của ông ngã xuống, tôi vừa xúc động, vừa tự hào về đấng sinh thành. Đứng trước biển trời mênh mông, nhìn về phía đảo Gạc Ma, tôi như cảm thấy cha mình đứng đó và hướng về phía tôi. Lần nào cũng vậy, tôi khóc rất nhiều, khóc như đứa trẻ lâu ngày được gặp lại mẹ cha, gia đình".

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 7

Lần nào đến Trường Sa, chị Thủy đều khóc rất nhiều, khóc như những đứa trẻ lâu ngày được gặp lại cha mẹ mình (Ảnh: Đặng Dương).

Tiếng gọi cha tha thiết giữa đại dương

Trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, dù bị trúng đạn, Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hiên ngang giữ ngọn cờ chủ quyền tại đảo Gạc Ma và hô vang: "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng hải quân".

Theo chị Thủy, sau này, mặc dù hài cốt của liệt sỹ Trần Văn Phương đã được đưa về đất liền an táng nhưng đặt chân tới vùng đảo Gạc Ma - Cô Lin, nơi cha chị và đồng đội đã nằm xuống, chị Thủy vẫn cảm nhận được cha đang ở bên mình.

Trong thời khắc ấy, Đại úy Trần Thị Thủy rưng rưng cất tiếng hát, một bài hát được sáng tác dành riêng cho chị.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 8

Đại úy Trần Thị Thủy rưng rưng cất tiếng hát, một bài hát được sáng tác dành riêng cho chị (Ảnh: Đặng Dương).

"Cha đã hẹn sao cha không về với mẹ/ Để hôn con khi con mới ra đời/Tháng ba về con lại đến thăm cha/ Chiều Gạc Ma bốn bề sóng dữ/ Ở nơi đó cha có nghe con gọi/ Lời con thơ, lời con thơ/ Cha có nghe chăng/ Về đi cha/ Về thôi cha/ Về cha ơi/ Sao cha mãi không về…"

Những ca từ chất chứa nỗi lòng của một người con thiệt thòi, mất mát. Đó là lời của cô con gái chưa được hưởng hơi ấm từ vòng tay cha, là tâm sự đứa trẻ mồ côi khi chưa kịp chào đời.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 9
Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 10

"Cha ơi, cha về đi…", đôi mắt của chị Thủy hướng về phía đảo Gạc Ma. Có lẽ, tiếng gọi ấy không chỉ của riêng chị Thủy mà là tiếng gọi của những người con của những liệt sỹ đã hy sinh.

Tiếp bước cha, con gái trở thành người lính hải quân

Hơn 30 năm đã trôi qua, sau sự kiện Gạc Ma, nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Thế nhưng khi nhớ về những người đã anh dũng nằm xuống giữa biển khơi, niềm tự hào, kiêu hãnh luôn thường trực trong mỗi người thân của các anh.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 11

Cách đảo Gạc Ma không xa, đảo chìm Cô Lin đang được cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ (Ảnh: Đặng Dương).

Nối nghiệp cha, chị Trần Thị Thủy trở thành người lính hải quân. Ước mong duy nhất của chị là có thể góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 12

Nối nghiệp cha, chị Trần Thị Thủy trở thành một người lính hải quân (Ảnh: Đặng Dương).

Chị Thủy kể, năm 2010, trở về từ chuyến thăm quần đảo Trường Sa, chị Thủy đã viết đơn tình nguyện vào quân ngũ.

Được Quân chủng Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ, ước mơ của chị trở thành hiện thực. Niềm hạnh phúc nhân lên khi chị được biên chế vào chính đơn vị nơi cha mình từng công tác -  Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 13

Đại úy Trần Thị Thủy: "Đứng trước biển trời mênh mông, nhìn về phía đảo Gạc Ma, tôi như cảm thấy cha mình đứng đó và hướng về gia đình" (Ảnh: Đặng Dương).

Chị Thủy tâm sự: "Hình ảnh của cha đã khắc sâu trong tâm trí của tôi. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, tôi đã ao ước một ngày nào đó được khoác lên mình bộ quân phục của người lính, được tiếp tục công việc của bố và được nối dài những truyền thống tốt đẹp, quý báu của gia đình. Và giờ tôi có thể tự hào, tôi là lính, con của một người lính hải quân anh hùng".

Thời gian qua, chị Thủy luôn cố gắng hết sức, luôn luôn phấn đấu hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm 2013, chị Thủy đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu góp phần vào sự nghiệp biên giới biển đảo.

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 14

Trong sự kiện bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc (Ảnh: Đặng Dương).

Sau nhiều năm công tác, chị lập gia đình với một cán bộ Chi đội kiểm ngư 4. Vợ chồng chị Thủy có 2 con gái, trong đó bé đầu chị đặt tên là Navy, với nghĩa là hải quân.

Sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt.

Sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ nhắc nhở thế hệ muôn đời ghi nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại úy Trần Thị Thủy xúc động: "Bầu trời Trường Sa xanh vời vợi, Trường Sa êm ả, bình yên và phát triển đi lên. Tôi rất tự hào khi cha tôi đã đóng góp vào sự bình yên, phát triển ấy".

Tiếng hát của con gái liệt sỹ ngày trở lại Gạc Ma - 15

"Vòng tròn bất tử" tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Đặng Dương).

Năm 1989, Chủ tịch nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đối với tập thể cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505 cùng Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.