Bình Định:

"Thủ phủ" cây ăn quả Hoài Ân khẳng định thương hiệu

Doãn Công

(Dân trí) - Xưa vùng đất trung du Hoài Ân hoang sơ, có những nơi đất cằn cỗi người dân bỏ hoang. Nay Hoài Ân đã và đang định hình vùng chuyên canh về nông nghiệp, trở thành "thủ phủ" cây ăn quả ở Bình Định.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã có trao đổi với phóng viên Dân trí về định hướng, thách thức của địa phương khi thực hiện vấn đề này.

Thủ phủ cây ăn quả Hoài Ân khẳng định thương hiệu - 1

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc (Ảnh: Doãn Công).

Xây dựng chuỗi liên kết, tăng giá trị nông sản

Không chỉ là vựa heo lớn ở miền Trung, Hoài Ân giờ còn "thủ phủ" cây ăn quả ở Bình Định, vậy theo ông đâu là lợi thế để địa phương bứt phá và đạt kết quả ngoài mong đợi?

- Hoài Ân là huyện trung du, có khí hậu, thổ nhưỡng tương đối thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm như heo (lợn), bò, gà và thâm canh các loại cây trồng có thế mạnh như lúa nước, bưởi da xanh, dừa xiêm…

Trên cơ sở đó, Hoài Ân xác định phát triển sản xuất nông lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Những năm qua, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển sản xuất; đặc biệt là xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ gắn với xúc tiến thương mại.

Thủ phủ cây ăn quả Hoài Ân khẳng định thương hiệu - 2

Bưởi da xanh là cây "thoát nghèo" ở huyện trung du Hoài Ân những năm gần đây (Ảnh: Doãn Công).

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 8 sản phẩm chủ lực của huyện được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có 7 sản phẩm như Trà Gò Loi, Bưởi Hoài Ân, Dừa xiêm, Heo, Gà ta thả vườn, Mít thái, Tiêu hột được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định công nhận. Riêng sản phẩm Gạo Hữu cơ Hoài Ân đã hoàn tất hồ sơ chờ Cục Sở hữu trí tuệ xem xét quyết định.

Ngoài ra, có 37 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (trong đó, có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao, 35 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao). Huyện đã thực hiện cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm 50ha cây bưởi da xanh; duy trì và giám sát chứng nhận VietGAP, hữu cơ 44,8ha cây bưởi da xanh.

Thủ phủ cây ăn quả Hoài Ân khẳng định thương hiệu - 3

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc thăm vườn bưởi trái vụ của nông dân xã Ân Hảo Tây (Ảnh: Doãn Công).

Bên cạnh việc tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực, ngành chăn nuôi của huyện cũng phát triển khá; nhất là chăn nuôi heo với tổng đàn 260.500 con và gia cầm với tổng đàn 861.500 con.

Để tạo đầu ra cho sản phẩm, huyện Hoài Ân đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến thương mại và xây dựng chuỗi liên kết. Năm 2022, huyện Hoài Ân đã tổ chức thành công Ngày hội Nông sản lần thứ nhất.

Mới đây, huyện tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu huyện Hoài Ân. Đồng thời, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các siêu thị, chợ đầu mối, mở rộng thị trường ra các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng và TPHCM; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử…

Trong năm, Hoài Ân xuất bán ra thị trường trên 290.000 con heo các loại, trên 1.700 tấn bưởi, 245 tấn bơ, 225 tấn cam, 175 tấn mít, 18.084 tấn dừa và một số loại sản phẩm nông sản khác. Nhiều sản phẩm nông nghiệp huyện Hoài Ân đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhất là sản phẩm thịt heo và bưởi da xanh.

Để có những thành công như hôm nay, khi triển khai các mô hình, dự án… địa phương đã gặp phải khó khăn nào, thưa ông?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng liên kết tiêu thụ nông sản gắn với hỗ trợ xúc tiến thương mại trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nhất là các tuyến đường và hệ thống đường điện vào các khu sản xuất chưa đồng bộ.

Thủ phủ cây ăn quả Hoài Ân khẳng định thương hiệu - 4

Với gần 10ha trồng tiêu, bưởi... ông Đặng Văn Cấp ở huyện Hoài Ân mỗi năm thu gần cả tỷ đồng (Ảnh: Doãn Công).

Quy mô sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thực sự hình thành vùng nguyên liệu lớn. Các chương trình dự án liên kết sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn còn rất hạn chế; hàm lượng công nghệ trong sản phẩm chưa cao.

Chưa thu hút được công ty, doanh nghiệp đầu tư sản xuất với quy mô lớn, nhất là chế biến các loại nông sản.

Sản phẩm OCOP phát triển tương đối khá, tuy nhiên đa phần chủ thể OCOP là hộ kinh doanh sản xuất quy mô nhỏ chưa đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Liên kết tiêu thụ nông sản gắn với hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng giá trị sản phẩm

Để phát huy thế mạnh về cây ăn quả, thời gian tới Hoài Ân tập trung vào các giải pháp nào, thưa ông?

- Để tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương về sản xuất nông lâm nghiệp; đặc biệt là nâng cao "Hiệu quả mô hình liên kết tiêu thụ nông sản gắn với hỗ trợ xúc tiến thương mại", trong thời gian đến, Hoài Ân xác định thực hiện một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với tiếp tục xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận hữu cơ, OCOP, cấp mã số vùng trồng… để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Rà soát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả với quy mô lớn.

Xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất đầu tư đồng bộ về khoa học công nghệ, công nghệ số, các thiết bị điện tử thông minh để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.

Thứ hai, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông để mở rộng thị trường tiêu thụ; chú trọng một số thị trường có tiềm năng như TP Đà Nẵng, Huế và các tỉnh Bắc Trung bộ. Đưa các sản phẩm chủ lực của huyện lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ ba, tranh thủ các nguồn lực thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất với các mô hình ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Thứ tư, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm để tiếp cận thị trường và người tiêu dùng. Trước mắt, năm 2024 huyện Hoài Ân sẽ tổ chức Ngày hội nông sản lần thứ 2.

Dành không gian "đẹp nhất nhì" huyện để trưng bày nông sản của nông dân

Mới đây, huyện Hoài Ân đưa vào hoạt động Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện tại số 128 Nguyễn Tất Thành, thị trấn Tăng Bạt Hổ. Khu trưng bày rộng 120m2, được xây dựng trên khu đất trung tâm "đẹp nhất nhì" của huyện này.

Thủ phủ cây ăn quả Hoài Ân khẳng định thương hiệu - 5

Trung tâm trưng bày, giới thiệu nông sản chủ lực của huyện Hoài Ân (Ảnh: Doãn Công).

Đây là công trình tiên phong tại Bình Định, trong việc giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của người dân trên địa bàn, đến với người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, trung tâm được phân chia thành từng khu vực gồm: khu trưng bày sản phẩm bún, bánh, dầu thực vật, mật ong; khu giới thiệu hàng trái cây, rau củ quả sạch; sản phẩm gạo hữu cơ và các loại đậu; các loại sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đông lạnh; khu thu mua, sơ chế đóng gói sản phẩm.

Trung tâm là điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đảm bảo đạt chứng nhận OCOP, chứng nhận VietGAP, hữu cơ; sản phẩm được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... do nông dân trên địa bàn huyện trực tiếp nuôi trồng, sản xuất.

Đây là những sản phẩm được sản xuất, chế biến từ các cơ sở hộ gia đình, HTX nông nghiệp, doanh nghiệp tại huyện Hoài Ân, đã khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, đây còn là tiền đề để tổ chức sản xuất hướng đến sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa và xuất khẩu.