Sinh năm 1964 thì khi nào được nhận lương hưu và bao nhiêu tiền?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Ông Nguyễn Thành Võ sinh tháng 8/1964, đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hơn 20 năm và đã ngừng tham gia BHXH từ tháng 2/2019.

Ông Võ thắc mắc là với điều kiện của mình thì đến thời điểm nào sẽ được nhận lương hưu và lương hưu là bao nhiêu?

Sinh năm 1964 thì khi nào được nhận lương hưu và bao nhiêu tiền? - 1

Người dân nhận lương hưu tại TPHCM (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Trả lời ông Võ, BHXH Việt Nam cho biết, thời điểm hưởng lương hưu được tính căn cứ vào tuổi nghỉ hưu được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Căn cứ vào quy định trên, trường hợp ông Nguyễn Thành Võ sinh tháng 8/1964 và có 20 năm 6 tháng đóng BHXH thì thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu là ngày 1/12/2025, khi ông đủ 61 tuổi 3 tháng.

Về mức lương hưu, BHXH Việt Nam cho biết, do ông Võ là người tham gia BHXH tự nguyện, trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc nên mức lương hưu hằng tháng được tính theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ.

Cụ thể, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần áp dụng cho trường hợp vừa tham gia BHXH bắt buộc, vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện được tính theo công thức sau.

Sinh năm 1964 thì khi nào được nhận lương hưu và bao nhiêu tiền? - 2

Về tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng, Điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định: Nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi, 20 năm đầu đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%.

Đối chiếu với trường hợp của ông Nguyễn Thành Võ, ông có 20 năm 6 tháng đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 46%.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP còn quy định, trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu.

Tức là, đối với người tham gia BHXH thuộc trường hợp trên, nếu mức lương hưu hằng tháng sau khi tính theo công thức trên thấp hơn mức lương cơ sở thì sẽ được tính bằng mức lương cơ sở.

Quy định này không áp dụng cho 2 nhóm quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH (người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) và Điểm c Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP (lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc, đủ điều kiện hưởng lương hưu mà bảo lưu thời gian đã đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện).