Nước mắt bà cụ 25 năm vào TPHCM vẫn chưa dư nổi 100 triệu đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Bị phá sản ở quê khi còn trẻ, bà Hồng ôm món nợ 100 triệu đồng để vào TPHCM tìm đường mưu sinh mới. Giờ đây, khi tóc đã bạc gần hết, món nợ cũ vẫn làm bà Hồng rơi nước mắt.

Mắc "bệnh"… lạc quan

16h, ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng (quận 1, TPHCM), người đi đường mỗi lần dừng đèn đỏ, đều thấy chiếc xe đạp cũ treo bán đủ thứ món từ trứng cút, dâu tằm, sơ ri,… của cụ bà tóc đã bạc trắng.

Nước mắt bà cụ 25 năm vào TPHCM vẫn chưa dư nổi 100 triệu đồng - 1

Bà Hồng ngồi tạm bợ trên chiếc rổ nhựa, mưu sinh ở góc đường quận 1 (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Ngồi từ 9h đến chiều vẫn còn nhiều lắm. Chắc hôm nay hơn 18h mới về được", cụ bà bộc bạch.

Bà Võ Thị Bích Hồng (65 tuổi, quê tại tỉnh Bình Định) đã gắn bó với những con đường ở TPHCM hơn 25 năm. Hằng ngày, bà từ phòng trọ đạp xe chở hàng ra điểm bán. Bà cố ngồi từ sáng đến khi nào bán hết thì mới dám về nhà, bởi bà sợ hôm đó không đủ tiền đi chợ, mua thức ăn cho bản thân và gia đình.

Có khi đến tối muộn, trời mưa xối xả nhưng hàng còn nhiều, bà Hồng chỉ đành trùm chiếc áo mưa mỏng, ngồi co ro trên đường phố. Trong những lần chịu cái lạnh buốt như thế, bà Hồng đều cắn chặt môi, nước mắt hòa với nước mưa.

Nước mắt bà cụ 25 năm vào TPHCM vẫn chưa dư nổi 100 triệu đồng - 2

Dù mưa hay nắng, người ta vẫn thấy bà Hồng ngồi đó từ 9h đến 18h (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Tôi ráng bán hết thì mới về, phần vì muốn kiếm tiền, một phần cũng không muốn chừa lại hôm sau bán lại đồ đã cũ. Nhiều người thấy thương thì ghé ủng hộ, mình bán đồ cũ chẳng khác nào lại phụ lòng họ. Bán cái này chủ yếu lấy công làm lời, nhưng còn lao động được là tôi thấy vui rồi", bà Hồng cười, nói.

Những hôm trời trở lạnh, cơ thể bà Hồng lại được "dịp" đau nhức do các bệnh về xương khớp hành hạ. Mỗi ngày, cụ bà giấu những cơn đau ấy bằng nụ cười rạng rỡ khi bán hết hàng sớm, rồi lủi thủi đạp xe trở về căn trọ nhỏ. Bà Hồng nói rằng mình mắc "bệnh" lạc quan, vì chỉ cần không nghĩ nhiều đến hoàn cảnh oái oăm, bà sẽ không thấy buồn nữa.

Nước mắt bà cụ 25 năm vào TPHCM vẫn chưa dư nổi 100 triệu đồng - 3

Cụ bà xếp lại mớ trái cây trông cho đẹp mắt, mong bán hết sớm để về nhà nghỉ ngơi (Ảnh: Nguyễn Vy).

Số phận trêu đùa

Nhắc đến quá khứ, người phụ nữ lớn tuổi cười xòa, rồi rơi vào trầm tư. Mãi một hồi lâu, bà Hồng mới gạt nước mắt mà tâm sự bằng quãng giọng "đặc" miền Trung.

Trước đây, bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Là chị lớn trong nhà, ngay từ khi lên 10 tuổi, bà Hồng đã chủ động nghỉ học, bươn chải kiếm tiền phụ mẹ nuôi em.

"Lúc nghỉ học, tôi buồn và khóc nhiều lắm. Nhưng bố mất sớm vì hi sinh trong chiến tranh, tôi không kiềm lòng được khi thấy mẹ khổ", bà Hồng nhớ lại.

Nước mắt bà cụ 25 năm vào TPHCM vẫn chưa dư nổi 100 triệu đồng - 4

Đôi tay chai sạn, nứt nẻ của người mẹ U70 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Sau khi bà Hồng kết hôn năm 19 tuổi, mẹ bà tiến thêm bước nữa nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Từ công việc buôn bán đường phố ở quê nhà, bà Hồng xin mẹ và chồng cho vào Gia Lai để bán chiếu.

Mỗi chuyến đi xa rồi lại về, ngẫm thấy không có dư dả, bà mới tích cóp một khoản tiền rồi cùng chồng nuôi vịt ở quê.

Những tưởng cuộc sống trôi qua êm đềm, nhưng việc kinh doanh không may gặp cảnh khó khăn. Cơn ác mộng thật sự đến với bà Hồng là khi món nợ 100 triệu đồng ập đến với gia đình bà.

"Gia đình đã khổ nay còn khổ hơn. Bốn đứa con tôi phải nghỉ học, ra đời bươn chải để phụ bố mẹ trả nợ. Nghĩ lại tôi lại khóc vì thương các con", bà Hồng xúc động, nói.

Cho đến khi hai người con gái út đi lấy chồng, bà Hồng cùng chồng và hai người con trai lớn vào TPHCM để lập nghiệp. Ngày qua ngày, món nợ 100 triệu đồng vẫn chưa thể trả hết, mà tóc bà Hồng đã chớm bạc.

Nước mắt bà cụ 25 năm vào TPHCM vẫn chưa dư nổi 100 triệu đồng - 5

Số phận gặp nhiều sóng gió, bà Hồng vẫn lạc quan, mưu sinh mỗi ngày để vươn lên (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Nhiều lúc tôi thầm trách sao số phận mình lại nghiệt ngã đến thế. Nhìn những người ở tuổi của tôi giờ đã được nghỉ ngơi, an hưởng bên con cháu. Còn tôi vẫn còn bám trụ, kiếm ba cọc ba đồng trên đường phố", cụ bà trầm tư.

Gạt nước mắt, gương mặt bà Hồng lại rạng rỡ trở lại. Bà trải lòng: "Có lẽ số phận mình đã như vậy, thôi thì cũng chấp nhận. Dù khó khăn nhưng tôi nghĩ gia đình mình còn may mắn vì vẫn luôn yêu thương, chăm sóc nhau. Nếu hôm nay vẫn chưa thoát khổ, tôi sẽ cố gắng để ngày mai, ngày kia cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn".

Đến nay, số nợ 100 triệu đồng, gia đỉnh bà đã gắng gượng trả được hơn một nửa. Phần còn lại, bà Hồng nguyện dành cả thời gian tuổi già để làm việc, trả hết nợ.

Trong căn trọ nhỏ ở hẻm 555 Trần Hưng Đạo (quận 1), bà Hồng và gia đình cùng quây quần bên nhau. Đối với bà, dù cuộc sống có khó khăn, bà vẫn hạnh phúc khi còn gia đình bên cạnh, đồng hành.