Những bóng ma trong gia đình

Vòng xoáy của thành công và tiền bạc khiến nhiều vợ chồng trở thành bóng ma trong gia đình, khi họ coi trọng công việc hơn hôn nhân và vai trò làm cha mẹ.

Chị Thu Anh, 48 tuổi, sống cùng chồng và ba con trong ngôi nhà rộng 300m2 tại thành phố San Jose, bang California, Mỹ - nơi chỉ cách thung lũng Silicon nửa giờ lái xe. Với họ hàng ở Việt Nam, chị là mẫu hình cho sự thành công và hạnh phúc, khi hai vợ chồng đều khỏe mạnh, có nghề nghiệp ổn định, giàu có, con cái ngoan ngoãn. Ít ai biết rằng, phía sau bức màn hoàn hảo kia, chị Thu Anh đang âm thầm tìm cách ly hôn mà vẫn có thể nuôi được các con và bảo toàn tài sản. 

"Tôi không thể chịu được một người chồng làm việc 14 tiếng một ngày, liên tục trong 7 ngày, không động tay động chân bất cứ việc gì, con cái hoàn toàn giao phó cho vợ. Anh ta giống như một bóng ma trong nhà", chị bức xúc nói.

Những bóng ma trong gia đình - 1
Theo Jim Rubens, tác giả cuốn sách "Over Success", từ năm 1980 đến 1997, số lượng cuộc chuyện trò gia đình tại Mỹ đã giảm xuống 100%.

Chồng chị là kỹ sư một công ty công nghệ kiêm nhà đầu tư chứng khoán, vì thế, cứ buổi tối anh lại lên mạng internet, tham gia vào các diễn đàn hoặc đọc tài liệu, nghiên cứu thông tin để phục vụ công việc đầu tư. Theo chị Thu Anh, bạn đời của chị là một trong những điển hình của mẫu người nghiện công việc. Theo đó, anh đi sớm, về muộn, liên tục kiểm tra điện thoại và máy tính ngay cả trong ngày nghỉ, không có đam mê và sở thích cá nhân, thậm chí không tìm thấy niềm vui trong gắn kết gia đình.

"Việc này khiến tôi bị tổn thương nghiêm trọng, cảm giác như bị phản bội, nhưng không phải vì người thứ ba, mà vì chồng mình đã coi trọng công việc hơn gia đình", chị nói và thêm rằng bản thân bị giày vò bởi cảm giác cô đơn, thất vọng, tức giận vì phải gánh vác gia đình như một bà mẹ đơn thân. Điều đáng nói, mối quan hệ căng thẳng của vợ chồng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các con chị, nhất là khi ba đứa trẻ đang bước vào tuổi dậy thì. "Con trai cả của tôi thậm chí đã phải gánh vác việc nhà thay mẹ, từ chăm sóc các em đến dọn vườn, sửa đồ đạc - những việc thuộc về trách nhiệm người bố. Nó phải chịu trách nhiệm cho những việc đáng ra không thuộc về mình", chị cho hay.

Tương tự, anh Vinh, 42 tuổi sống tại Hà Nội, cũng chịu cảnh "bố đơn thân" do vợ quá ham mê sự nghiệp kiếm tiền. Là một cán bộ nhà nước, thu nhập của anh chỉ vẻn vẹn 9 triệu một tháng, không đủ chi tiêu cho gia đình 4 người khi con cái ngày càng lớn kéo theo các áp lực tài chính. Vợ anh vốn là nhân viên marketing cho một công ty bất động sản, luôn bận rộn từ sáng đến chiều, nay lại nhận thêm một công việc kinh doanh hệ thống, thường xuyên phải đi hội thảo - sự kiện vào cuối tuần, còn buổi tối online đào tạo và bán hàng.

"Hầu như cả tháng vợ chồng tôi không gặp nhau, mọi công việc gia đình do tôi đảm nhiệm, do vợ nói cô ấy có cơ hội kiếm tiền tốt hơn chồng nên phải tận dụng cơ hội", anh nói và thêm rằng ngày càng thấy bí bách trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Không có thời gian để kết nối, nuôi dưỡng tình cảm vợ chồng, thay vào đó là sự lạnh nhạt, xa cách, cãi vã, anh Vinh càng chán nản khi thấy các con ngày càng ít nói và buồn bã hơn. "Kiếm được đồng tiền, đổi lại là gia đình tan nát, thực sự tôi không can tâm", anh nói.

Theo một nghiên cứu năm 2013 ở Anh, được Daily Mail trích dẫn, trung bình các gia đình chỉ dành 8 giờ chất lượng một tuần cho nhau, vì những nhu cầu kiếm sống và nhu cầu cá nhân. Mỗi ngày, các gia đình chỉ có 36 phút bên nhau chất lượng do bận rộn công việc, việc nhà, thói quen của con ở trường và các lớp phụ đạo buổi tối. 7/10 cha mẹ nói họ dành thời gian rảnh hiếm hoi để xem tivi, đọc sách, chơi game, hoặc đơn giản là quá mệt để nói chuyện.

Trong khi đó, theo Jim Rubens, tác giả cuốn sách "Over Success", từ năm 1980 đến 1997, số lượng cuộc chuyện trò gia đình tại Mỹ đã giảm xuống 100%. Có nghĩa là, năm 1997, một gia đình người Mỹ bình thường dành 0 giờ/tuần để trò chuyện với nhau. Trong một khảo sát toàn quốc của tổ chức YMCA năm 2000 về thanh thiếu niên ở Mỹ, 21% đánh giá "không có đủ thời gian với cha mẹ là nỗi lo lớn nhất".

Phân tích về thực trạng vợ chồng ưu tiên công việc thay vì gia đình, các chuyên gia cho rằng văn hóa đề cao thành công, thu nhập, tiền bạc, danh vọng, "nhiều hơn, nhiều hơn nữa" là khởi nguồn cho mọi vấn đề. Một doanh nhân Mỹ chia sẻ trên tờ WSJ: "Ai cũng muốn trèo lên đỉnh, không ai muốn dừng lại ở vị thế trung lưu". Con người xoáy vào cuộc đua "Rat Race" để kiếm nhiều tiền, nhiều tài sản, nhiều trải nghiệm hơn, nhưng chưa chắc đã hạnh phúc hơn.

Một trong những minh chứng là nghiên cứu của các chuyên gia y khoa Hà Lan cho thấy, những người thành công thường bận kiếm tiền, từ đó ít thời gian hơn cho bản thân, tình yêu, sự lo lắng, cảm thông hay những điều có ý nghĩa khác. Rất nhiều cuốn sách ở phương Tây đã viết về hiện tượng các triệu phú đô la qua đến bên kia dốc cuộc đời, sống lạnh lẽo trong căn biệt thự sang trọng, gặm nhấm nỗi đau vì con cái rời xa, hôn nhân đổ vỡ, không bạn bè thân thiết.

Bên cạnh đó, những người nghiện việc có thể rơi vào tình trạng kiệt quệ về thể chất, tình cảm hoặc tinh thần, thường kết hợp với lo âu cấp tính. Làm việc quá sức khiến họ mất ngủ, mệt mỏi, chán chường, từ đó hiệu suất và năng lượng cũng cạn kiệt.

Thậm chí, ở Nhật Bản còn có văn hóa lao động đến chết, gọi là karõshi. Số người chết do karõshi ở Nhật tương đương với tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông. Khi được khảo sát, 90% nhân viên Nhật Bản thậm chí không hề biết đến khái niệm cân bằng công việc - cuộc sống. Để giải quyết, vài văn phòng công ty bật một đoạn thông báo vào cuối ngày làm việc với nội dung: "Hãy về nhà".

Vậy tại sao mỗi người nên dành thời gian chất lượng cho gia đình? Theo các chuyên gia tâm lý, tần suất chia sẻ thời gian càng cao thì sự ổn định và hạnh phúc của hôn nhân càng tốt. Hơn nữa, con bạn sẽ học cách tôn trọng sự hy sinh của cha mẹ, thể hiện tình cảm với nhau và lớn lên thành những cá nhân khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

"Quan hệ bạn đời giống như gốc rễ của cây gia đình. Nó cần hỗ trợ và nuôi dưỡng cây để luôn vững chắc, phát triển và đơm hoa kết trái. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi giữa họ có một mối quan hệ bền chặt và đầy yêu thương", một nhà tâm lý nói và thêm rằng bản chất của gia đình là ở đó vì nhau. Ví dụ, nếu bạn đang phải đối mặt với một thời gian khó khăn trong công việc, chia sẻ nó với bạn đời có thể giúp bạn nhẹ nhõm hơn. Điều này sẽ tạo ra một cảm giác an toàn và thân thuộc.

Khi có sự hòa hợp giữa hai vợ chồng sẽ tạo được hạnh phúc trong gia đình, và trẻ con cũng nảy sinh những cảm xúc tích cực như vậy. Được lợi lớn nhất là sự phát triển an yên và lành mạnh của những đứa con. Từ đó, chúng cũng sẽ tránh xa được những thói xấu như nghiện game, điện thoại, ma túy, sa ngã vào các mối quan hệ thiếu lành mạnh, phát triển lệch lạc hoặc có những nỗi đau trong tâm hồn ảnh hưởng tương lai về sau.

Vậy các cặp đôi nên dành bao nhiêu thời gian cho gia đình? Các nhà tâm lý cho rằng, bạn có thể dành 45 phút đến 1 giờ mỗi ngày và 4 đến 5 giờ vào những ngày cuối tuần. Khi bạn nói thời gian dành cho gia đình, đó hoàn toàn phải là thời gian chất lượng thực sự, không email, không điện thoại, không tivi, không công việc. Một trong những thời điểm thuận lợi và dễ sắp xếp nhất là thời gian ăn tối cùng nhau, khi bố mẹ con cái có thể cùng chia sẻ những trải nghiệm và tiếng cười.

Mặt khác, hãy nhớ kỷ niệm những dịp đặc biệt cùng nhau như ngày sinh nhật, kết hôn, hoặc dành thời gian cuối tuần để cùng chơi các trò đồng đội như chơi cờ, cầu lông, vẽ… Ngoài ra, bố mẹ có thể dạy con cùng làm việc nhà, giúp con làm bài tập, bố trí cho con đi thăm ông bà, họ hàng.

Đối với những người vợ lấy phải các ông chồng nghiện việc, điều đầu tiên cần làm là hãy hỏi bạn đời điều gì đã khiến họ làm việc chăm chỉ như vậy. Câu trả lời của họ có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về điều gì/ hay nói cách khác là động lực khiến họ nghiện việc. Khi người vợ hiểu được tâm tư của chồng, có thể họ sẽ đồng cảm, bao dung hơn chứ không oán giận, chán chường như trước. Từ đó cũng khiến người vợ thay đổi hành vi, họ sẽ tiếp cận với chồng bằng lòng nhân ái và cảm xúc tích cực.

Như chị Thu Anh đã chọn cách hành xử như vậy sau khi tham vấn chuyên sâu với chuyên gia tâm lý. "Tôi không chọn cách nói chuyện căng thẳng, tức giận, đổ lỗi, thay vào đó tôi nói những điều tích cực như việc chồng tôi đã bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời như thế nào khi không thu xếp được đi xem ngày hội thể thao của con, khi không ăn tối cùng gia đình, không cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện", chị nói và thêm rằng, các hành xử nhẫn nhịn và bao dung của chị hiện dần cải tiến quan hệ vợ chồng, giúp bạn đời của chị thay đổi theo hướng tích cực hơn. 

Theo Minh Đức - Công an nhân dân