Nguồn nước bị ô nhiễm, hộ nuôi tôm gồng lỗ 1 tỷ đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Cư dân sống quanh ở khu vực xã Đa Phước chịu nhiều ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm, không khí hôi thối. Trong đó, nhiều nông dân nuôi tôm phải gồng lỗ do nguồn nước bị ảnh hưởng.

Từ gồng lỗ đến dở dang

"Chỉ trong 2 năm, số tiền tôi lỗ chắc cũng phải hơn 1 tỷ đồng cho 4 vuông tôm rộng hàng chục héc-ta. Khủng khiếp nhất là đợt dịch Covid-19, tôm chết đỏ cả mặt ao", ông Tư Đẹp (60 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi nhớ về khoản gồng lỗ cho công việc nuôi tôm của gia đình.

Nguồn nước bị ô nhiễm, hộ nuôi tôm gồng lỗ 1 tỷ đồng - 1

Ông Tư Đẹp vẫn chưa thôi ngán ngẩm khi nghĩ đến số tiền lỗ khoảng 1 tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Đẹp cho hay, ông đã nuôi tôm khoảng 5 năm nhưng chưa từng chứng kiến cảnh tượng khó khăn nói trên. Nguồn nước ô nhiễm (huyện Bình Chánh, TPHCM) khiến tôm không thể phát triển.

Đặc biệt, trong đợt giãn cách do dịch Covid-19, ông Đẹp và các nông dân xung quanh không thể xuất tôm ra thị trường. Vì vậy, ngoài số tôm chết, ông Đẹp còn đau đầu vì không bán được số tôm đã quá lớn.

Trước đây, nhờ vào 4 vuông tôm mà gia đình ông có cuộc sống ấm no. Cứ mỗi 3-4 tháng, ông lại cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn tôm. Song, khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng tôm xuất ra thị trường ngày càng giảm, từ vài trăm kg cho đến không còn tôm để bán. Ông Đẹp phải dùng tiền bán thức ăn thủy sản để bù lỗ.

"Ở đây 4 vuông tôm, mỗi ao tôi lỗ tầm 100 triệu đồng. Cứ như vậy 2, 3 lần nên con số lên hàng tỷ khi nào chẳng hay", ông Đẹp rầu rĩ.

Nguồn nước bị ô nhiễm, hộ nuôi tôm gồng lỗ 1 tỷ đồng - 2

Những hộ dân nuôi tôm ở khu vực ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đều rơi vào tình cảnh tương tự, khi nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của họ (Ảnh: Nam Anh).

Gần đây, vì không gồng lỗ nổi nên ông Đẹp quyết định ngưng nuôi tôm mà chuyển sang nuôi cá tự nhiên. Thế nhưng, tình hình không mấy khả quan do nguồn nước đã bị ô nhiễm.

"Giờ cố vớt vát được nhiêu hay bấy nhiêu chứ nếu nước vẫn còn ô nhiễm, cá không lớn, không bán được thì tôi nghỉ luôn, về nhà cho con nuôi chứ biết làm sao", ông Đẹp chia sẻ.

Được biết, vợ ông Đẹp ở tại khu vực ấp 3 này đã lâu. Riêng ông sau khi kết hôn đã dọn về đây ở khoảng hơn 10 năm. Thời gian đầu khi không khí ở đây xuất hiện mùi hôi thối bốc lên khiến gia đình ông phải đóng cửa ở yên trong nhà.

Những năm gần đây, mùi hôi đã không còn nhiều như trước nhưng thỉnh thoảng khi mưa lớn, gia đình ông vẫn nghe mùi thoang thoảng. Không dừng lại ở đó, hầu như các nông dân đều có cùng cảnh ngộ, người cố gồng lỗ, người gánh không nổi cũng đã bỏ nghề.

Tại đây, các hộ nuôi tôm chủ yếu dùng nước giếng khoan vì đường nước không dẫn tới được. Gia đình chị Thủy (30 tuổi, ngụ ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) chia làm 6 hộ sống sát nhau. Cả gia đình chị dùng chung một giếng khoan rồi tự dẫn đường truyền cho mỗi hộ.

Bà Hai (68 tuổi, mẹ chị Thủy) chia sẻ, trước đây cả nhà bà dùng nước sông để sinh hoạt. Tuy vậy, gần đây nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nên cả nhà phải chuyển sang dùng nước giếng khoan.

Trước đây, do ảnh hưởng của bãi rác nên ruồi vây kín nhà bà Hai. Nhà đông trẻ con nên hầu như không thể để chúng ra ngoài nhiều. Những năm gần đây, mùi hôi đã không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, thỉnh thoảng khi trời mưa hay gió thổi theo hướng về phía nhà bà Hai, bà vẫn còn nghe mùi hôi thối. Tháng 5 vừa qua, nhà bà cũng xuất hiện nhiều ruồi trở lại.

Dọn nhà đi vì mùi hôi thối

Nguồn nước bị ô nhiễm, hộ nuôi tôm gồng lỗ 1 tỷ đồng - 3

Gia đình chị Thủy gồm 6 hộ, dùng chung nguồn nước từ giếng khoan lên (Ảnh: Nguyễn Vy).

Không chỉ các hộ dân ở xã Đa Phước, nhiều cư dân sống tại các khu vực như khu dân cư Phú Mỹ Hưng (quận 7), huyện Nhà Bè cũng phải chịu nỗi ám ảnh tương tự nhiều năm qua.

Ông T.V.T. (63 tuổi), một cư dân từng phải chuyển nhà vì không chịu nổi mùi hôi thối này. Ông T. cho hay, ông từng là cư dân của khu Hoàng Anh An Tiến (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) từ năm 2012.

Tuy nhiên, đến năm 2013, gia đình ông bắt đầu nghe mùi hôi thối càng nặng và xuất hiện với tần suất ngày càng tăng.

"Mùi thối này có người không sao, nhưng có người nhức đầu, nôn ói. Đối với tôi, nó thực sự khủng khiếp. Mùi hôi xuất hiện vào mùa mưa hàng năm, cứ bị vài ngày, đỡ vài ngày, tùy thuộc vào hướng và tốc độ gió, có khi lúc chiều tối, có khi từ nửa đêm đến sáng", ông T. bức xúc.

Đến năm 2019, do không chịu được sự ô nhiễm, gia đình ông đã chuyển nhà sang căn hộ Krista ở khu vực quận 2 (giáp quận 9 lúc bấy giờ) nhưng vẫn bị "hành hạ" trong những tháng mùa mưa. Riêng khu vực nơi ông T. sinh sống, mùi hôi thường kéo dài từ 20-22h.

"Có thể nói bị ảnh hưởng ở mọi mặt trong cuộc sống, chưa kể các tác hại lâu dài vì khí độc tích tụ trong cơ thể sẽ phát sinh nhiều thứ bệnh mà mình không biết được.

Ngoài ra, những chi phí về điện cho máy lạnh tăng cao, chưa kể những tác hại về kinh tế khác. Chấp nhận đi làm xa, tốn thêm chi phí đi lại, thời gian", ông T. nói.