Người phụ nữ đưa điệu múa, nhịp chiêng Mạ ra khỏi bon làng

Đặng Dương

(Dân trí) - Lớn lên cùng lời kể sử thi của bà, của bố, chị Đăng Lát Sanh có niềm đam mê với văn hóa dân gian. Chính niềm đam mê đó đã thôi thúc chị đưa điệu múa, nhịp chiêng Mạ vượt qua khỏi phạm vi bon làng.

Đầu tháng 12, nhận lời mời của một đơn vị tổ chức sự kiện, chị Đăng Lát Sanh, Trưởng Ban công tác mặt trận bon (đơn vị hành chính tương đương cấp thôn) Phi Mur (xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cùng 15 thành viên khác của Câu lạc bộ văn nghệ bon Phi Mur đã tới TP Gia Nghĩa để biểu diễn.

Người phụ nữ đưa điệu múa, nhịp chiêng Mạ ra khỏi bon làng - 1

Câu lạc bộ văn nghệ bon Phi Mur biểu diễn tại một sự kiện văn hóa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 Đón xem các tiết mục mang đậm màu sắc văn hóa dân gian, đoàn du khách đến từ TP Hà Nội rất phấn khích và ấn tượng. Chính điều này đã cổ vũ, khích lệ tinh thần để các nghệ sĩ trong đoàn thêm nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới.

Năm 2020, bon Phi Mur có chủ trương khôi phục và bảo tồn những văn hóa truyền thống đồng bào Mạ tại địa phương.

Với vai trò là Trưởng Ban công tác mặt trận bon, chị Sanh đã xung phong đi đầu, tập hợp các nghệ nhân và các bạn trẻ đam mê với văn hóa dân tộc để thành lập Đội văn nghệ bon Phi Mur.

Người phụ nữ đưa điệu múa, nhịp chiêng Mạ ra khỏi bon làng - 2

Trưởng Ban công tác mặt trận bon Phi Mur Đăng Lát Sanh (đầu tiên, từ trái qua) cùng con gái, cháu gái tham gia câu lạc bộ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm 2022, Câu lạc bộ văn nghệ bon Phi Mur được UBND xã Quảng Khê thành lập, tiền thân là Đội văn nghệ bon Phi Mur. Câu lạc bộ có 35 thành viên, trong đó có 22 thành viên nòng cốt, tham gia đội chiêng và đội múa xoang.

Chia sẻ về lý do thành lập câu lạc bộ, chị Đăng Lát Sanh cho biết, trong những năm qua, cán bộ, bà con nhân dân bon Phi Mur đều trăn trở về sự mai một của những giá trị truyền thống. Được sự động viên, khích lệ từ gia đình, chị Sanh thành lập câu lạc bộ, với mong muốn bảo tồn những nét đẹp của dân tộc.

"Là người con dân tộc Mạ, lại sinh ra trong một gia đình có niềm đam mê với văn hóa dân tộc, tôi luôn ý thức về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Nhờ những nỗ lực của mỗi thành viên, hàng tháng, Câu lạc bộ văn nghệ bon Phi Mur có 2 lần đi biểu diễn", chị Đăng Lát Sanh cho biết thêm.

Đến nay, sau hơn một năm được công nhận, thương hiệu của Câu lạc bộ văn nghệ bon Phi Mur đã vượt ra khỏi phạm vi của bon làng, trở thành một câu lạc bộ tiêu biểu, thường xuyên đại diện cho huyện Đắk Glong đi biểu diễn nhiều nơi.

 Theo chị Sanh, công việc sắp tới sẽ còn rất nhiều gian nan khi số nghệ nhân lớn tuổi ngày một ít đi. Bên cạnh việc biểu diễn, công tác sưu tầm, bảo tồn những điệu múa, lời hát phải được thực hiện song hành.

Người phụ nữ đưa điệu múa, nhịp chiêng Mạ ra khỏi bon làng - 3

Chị Đăng Lát Sanh tích cực sưu tầm các bài hát sử thi của đồng bào Mạ (Ảnh: Đặng Dương).

"Trước đây, có nhiều người không tin tôi sẽ thành lập và duy trì được đội văn nghệ này. Tuy nhiên, chúng tôi đã có những thành công nhất định. Công việc này không chỉ lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa Mạ mà còn giúp các thành viên trong câu lạc bộ có thêm thu nhập nhờ đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh Đắk Nông", chị Sanh nói thêm.

Người phụ nữ đưa điệu múa, nhịp chiêng Mạ ra khỏi bon làng - 4

Theo chị Sanh, việc duy trì câu lạc bộ không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa Mạ mà còn giúp nhiều người có thêm thu nhập (Ảnh: Đặng Dương).

 Ông K'Siêng - Bí thư Chi bộ bon Phi Mur - cho biết, thời gian qua, chị Sanh luôn phát huy tinh thần xung kích, tiên phong trong công tác của bon. Nhờ những nỗ lực của bản thân, hình ảnh của Câu lạc bộ văn nghệ bon Phi Mur đã được nhiều người biết đến, qua đó giúp chi bộ hoàn thành nghị quyết đề ra.