Người lao động đề xuất tự đóng BHXH: Khó thu tiền từ 16 triệu người?

Hoa Lê

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, với 16 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hiện nay, cơ quan BHXH thu trực tiếp tiền bảo hiểm từ người lao động khó khả thi.

Đề xuất tiến tới người lao động tự đóng BHXH

Tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và BHXH TPHCM về việc góp ý sửa đổi dự thảo luật BHXH năm 2014, Giám đốc BHXH TPHCM Lò Quân Hiệp cho biết, cần tiến tới hình thức để người lao động tự đóng 8% tiền BHXH của mình về cho cơ quan bảo hiểm, giống như hình thức thanh toán tiền điện, nước, điện thoại trực tuyến hiện nay.

Theo ông Hiệp, phương thức này sẽ giảm tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH, trong khi người lao động vẫn trích nộp đầy đủ hằng tháng.

Phó trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho hay, đây không phải đề xuất mới. Theo ghi nhận của công đoàn, người lao động đã có kiến nghị từ nhiều năm nay.  

Người lao động đề xuất tự đóng BHXH: Khó thu tiền từ 16 triệu người? - 1

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp BHXH tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Khánh Hồng).

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham khảo, nhưng rất khó thiết kế. Tuy nhiên, đây là đề xuất chính đáng của người lao động nên cũng cần tiếp thu, lưu ý.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, Bộ đã nghiên cứu việc để người lao động tự đóng phần BHXH của mình.

Thực tế, với hơn 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay, nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý trên 300.000 doanh nghiệp.

Về cơ bản, người sử dụng lao động đều đóng kịp thời, đầy đủ, chỉ có một số ít trường hợp chậm, nợ BHXH.

Ông Cường giả sử, nếu quy định cho người lao động tự đóng thì cơ quan quản lý phải quản 16 triệu lượt người đóng BHXH hàng tháng. Như vậy, có khi không hiệu quả như hiện nay bởi việc truy thu từng trường hợp đóng thiếu BHXH.

Mạnh tay chặn trốn đóng BHXH

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên.

Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng. 

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như: quy định cụ thể 2 hành vi, chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế).

Người lao động đề xuất tự đóng BHXH: Khó thu tiền từ 16 triệu người? - 2

Công nhân may tại TPHCM (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH 6 tháng trở lên, đã xử phạt vi phạm hành chính mà không đóng sẽ bị quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng.

Đặc biệt, sẽ quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.

Cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.