DNews

Nam thợ hồ hét lớn "Mẹ ơi, Tết này con về" rồi òa khóc

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Xa nhà 25 năm, những lần về ăn Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lần gần nhất tôi về là 5 năm trước, giờ chắc tóc mẹ đã bạc trắng cả rồi...", anh Giang nghẹn ngào, nói.

Nam thợ hồ hét lớn "Mẹ ơi, Tết này con về" rồi òa khóc

Tết không về, mẹ sẽ khóc

"Chuyến xe xuất phát từ TPHCM đi Quảng Nam sắp khởi hành. Những ai có vé trên tay xin mời lên xe để trở về nhà!".

Nghe tiếng loa phát thông báo đã đến giờ khởi hành, anh Nguyễn Thanh Giang (45 tuổi) lật đật xách mớ hành lí lỉnh kỉnh, nắm tay vợ con tiến ra xe.

Kể từ hôm đăng ký thành công 3 tấm vé xe về quê miễn phí, anh Giang háo hức mãi, cứ ngỡ đây là mơ.

Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 1
Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 2

"Mừng lắm. Hai vợ chồng cùng quê ở Quảng Nam mà 5 năm rồi chưa được về. Ngày nhận được vé, lòng tôi cứ lâng lâng. Hai vợ chồng cứ soạn đồ từ hôm ấy đến tận ngày đi, sợ sẽ bỏ sót thứ gì", anh Giang cười, nói.

Mặc dù 7h chuyến xe mới khởi hành, nhưng 5h anh Giang đã cùng vợ con có mặt tại điểm đón. Tối qua, vì không giấu được sự háo hức, anh cứ trằn trọc mãi không ngủ được.

"Mọi năm chúng tôi chỉ ăn Tết trong này thôi. Tôi là thợ hồ, vợ là công nhân, đồng lương ba cọc ba đồng nên hiếm khi sắm sửa lắm. Những năm ăn Tết xa nhà, nhìn người khác về quê mà tôi thấy tủi thân", anh bộc bạch.

Hơn 25 năm rời Quảng Nam, số lần anh Giang về quê thăm bố mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nam thợ hồ cho biết, lần cuối anh về nhà ăn Tết là 5 năm trước.

Theo anh Giang, mỗi chuyến về nhà, riêng chi phí đi lại đã lên đến vài triệu đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng đã chiếm hết khoản tích cóp cả năm của đôi vợ chồng.

Anh chị em trong nhà cũng là lao động tự do, tiền làm ra chỉ đủ lo cho cuộc sống nên cũng hiếm khi về nhà ăn Tết.

Nghĩ đến cảnh bố mẹ già phải đón giao thừa một mình bên mâm cơm lạnh lẽo, anh Giang lại ứa nước mắt.

Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 3
Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 4

"Mọi khi, dù biết trước các con không về nhưng mẹ vẫn cố hỏi. Lúc nghe chúng tôi trả lời, mẹ liền òa khóc. Con tôi năm nay đã lớn nhưng cũng chỉ mới được gặp ông bà vài lần", nam thợ hồ nghẹn ngào.

Ngày nhận tin được tài trợ vé về quê, anh liền bốc máy thông báo ngay cho gia đình ở quê: "Mẹ ơi, Tết này, con về!".

Đầu dây bên kia, mẹ của anh mừng rỡ. Bố anh Giang gửi lời chúc con đi bình an và không quên ra chợ mua món ngon để đón con, cháu về.

Tấm vé mang nhiều hi vọng

Anh Giang là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Ngay từ nhỏ, bố mẹ anh đã còng lưng làm lụng ở những cánh đồng để nuôi 7 miệng ăn.

17 tuổi, anh Giang cũng thấu hiểu nỗi cực khổ của ba mẹ sau thời gian bôn ba bên ngoài làm việc kiếm sống. Năm 1999, anh Giang một mình rời Quảng Nam vào TPHCM lập nghiệp. Ngày anh đi, mẹ anh khóc hết nước mắt vì không biết đứa con trai út khi nào mới trở về.

Vào thành phố, anh Giang nhờ bạn bè giới thiệu, xin vào làm hết nghề này đến nghề khác. Ai thuê gì, anh Giang làm nấy. Anh không màng khổ cực, miễn là có tiền và không hại ai.

Những năm bôn ba ấy, hễ dư được một khoản tiền, anh đều xếp gọn, gửi về quê cho bố mẹ. "Ngày đó, tôi ôm mộng đổi đời, rằng gia đình mình phải thoát khổ. Tôi mơ mua được một căn nhà để có chốn lui về", anh trải lòng.

Nhưng thực tế, ngày tháng dần trôi cũng đã cuốn mất mộng mơ ban đầu của chàng trai trẻ tuổi.

Anh Giang cố lắm mới xin được việc làm thợ hồ ở công trường, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Mãi đến khi cưới vợ, sinh con, gia đình anh cũng vẫn quay cuồng với căn phòng trọ chưa đầy 20m2.

Thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng chi tiêu ở thành phố lớn đã tốn hết 14 triệu đồng/tháng. Vì thế, đồng tiền làm ra chỉ vừa đủ lo cho sinh hoạt hằng ngày.

Nói đến đây, anh Giang rơi nước mắt.

Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 5
Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 6

"Nhiều đêm tôi không ngủ được, bật khóc và tự trách mình chưa lo được cho vợ con một cuộc sống sung túc. Từ lâu, tôi cũng đã không còn đủ sức nuôi bố mẹ ở quê nữa. Tôi tự hỏi, không biết đến bao giờ mọi thứ mới tốt hơn", nam thợ hồ trầm tư, nói.

Anh Giang kể, những lần làm việc ở công trình là không ít lần anh… chết hụt.

Nhớ lại khoảnh khắc rơi từ tầng thứ 5 của tòa nhà đang xây dựng, đến giờ anh vẫn rùng mình, ám ảnh.

"Lúc rơi xuống đến tầng 3, tôi may mắn bám vào được dàn giáo và cheo leo trên cao, chờ người đến cứu. Thời khắc đó, tôi chỉ nghĩ "vợ ơi, anh đi trước đây, em ở lại lo cho con" và "con xin lỗi bố mẹ rất nhiều", anh Giang nói.

Sống sót sau lần chết hụt ấy, nam thợ hồ càng nghĩ nhiều về sự đoàn tụ cùng bố mẹ ở quê. Bởi bố mẹ nay đã lớn tuổi, anh không chắc sẽ được ăn Tết cùng họ thêm bao nhiêu lần nữa.

Cầm tấm vé xe miễn phí trở về nhà ăn Tết, lòng anh chợt bồi hồi. Ký ức về Tết quê chợt hiện trong đầu khiến anh càng mong sớm được ăn mâm cơm giao thừa mẹ nấu, uống tách trà sáng mùng 1 bố pha.

"Những điều năm cũ chưa làm được, mong năm nay sẽ thành hiện thực. Có thể tôi chưa mua được nhà, chưa trở nên giàu có. Nhưng được trở về nhà ăn Tết cùng bố mẹ, thấy vợ con còn ở bên cạnh trong mùa lễ đoàn viên, lòng tôi đã thấy vô cùng ấm áp", anh Giang cười, nói.

8h, chuyến xe từ TPHCM về Quảng Nam cũng từ từ lăn bánh. Nhìn lại thành phố nơi mình mưu sinh hơn 25 năm, anh Giang vừa nuối tiếc, vừa trầm tư.

Đối với anh, chuyến về lần này mang đến cho anh nhiều hi vọng về một năm mới tốt đẹp hơn.

Gần 5.000 "người con" được về nhà ăn Tết

Với mong muốn hỗ trợ sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, được về quê đón Tết, sum vầy bên gia đình, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2024.

Năm nay, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ được 4.925 sinh viên, người lao động lên chuyến xe về quê ăn Tết trong chương trình "Mang Tết Về Nhà năm 2024".

Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 7
Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 8

Nói về kết quả hoạt động, ông Nguyễn Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn, bày tỏ: "Tôi thật sự xúc động khi biết có các bạn công nhân đến 17, 18 năm chưa được về quê đón Tết do hoàn cảnh khó khăn.

Các anh chị lao động tự do quanh năm bươn chải lo cơm áo, đến một tấm vé về với gia đình dịp Tết cũng trở thành gánh nặng. Những tấm vé trao đến cho các anh chị, các bạn dù nhỏ bé thôi nhưng tôi mong có thể góp phần mang thêm mùa xuân đến cho hàng nghìn gia đình được đoàn viên".

Sau hơn 1 tháng triển khai chương trình, ban tổ chức đã tiếp nhận 11.176 hồ sơ đăng ký tham gia.

Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 9
Nam thợ hồ hét lớn Mẹ ơi, Tết này con về rồi òa khóc - 10

Qua xem xét, ban tổ chức đã chọn ra gần 5.000 hồ sơ. Trong đó, có 717 sinh viên và 4.208 thanh niên công nhân, người lao động tương ứng với 560 vé máy bay và 97 chuyến xe xuất phát từ TPHCM Đồng Nai, Bình Dương về các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

4 năm tổ chức, chương trình "Mang Tết về nhà" đã trao tặng 16.196 tấm vé về quê đón Tết. Trong đó có 2.808 vé máy bay (2.248 vé máy bay khứ hồi); 13.098 vé ô tô và 290 vé tàu khứ hồi.

Ảnh: Nguyễn Vy