Mẹ 2 con mắc nợ 7,7 tỷ đồng sau cuộc gọi từ chàng "doanh nhân" thành đạt

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Sau thời gian làm quen, một phụ nữ 2 con ở Singapore đã tin lời một "doanh nhân" không xác định danh tính, rồi bị lừa vay nợ đến 7,7 tỷ đồng.

Bị "thao túng tâm lý"

Ngày 10/11/2023, bà Adeline, một người mẹ 2 con ở Singapore trình báo mất 320.000 USD (hơn 7,7 tỷ đồng) trong 1 tháng vì tin lời một "doanh nhân" qua điện thoại.

Mẹ 2 con mắc nợ 7,7 tỷ đồng sau cuộc gọi từ chàng doanh nhân thành đạt - 1

Đoạn tin nhắn giữa Adeline và "doanh nhân" ảo (Ảnh: Adeline).

Người này đã trò chuyện với Adeline về sở thích và cuộc sống công việc của họ trước khi yêu cầu cô chuyển sang ứng dụng WhatsApp để tiếp tục cuộc trò chuyện.

Sau hai tuần tương tác, cả hai trở thành bạn bè. Người "doanh nhân ấy" đã ngỏ lời cho Adeline một cơ hội đầu tư vào giao dịch vàng thông qua nền tảng đầu tư từ một công ty lớn, uy tín.

Người "doanh nhân" giải thích rằng việc đầu tư này sẽ liên quan đến việc tài trợ cho các công ty khởi nghiệp để hỗ trợ sự phát triển của họ.

Sau đó, người này cho người phụ nữ xem thông tin chi tiết để thuyết phục. Mặc dù Adeline ngay từ đầu không hề có ý định tham gia, nhưng cuối cùng bà cũng đồng ý.

Đầu tiên, đối tượng này đã đưa cho cô 2.000 USD (hơn 48 triệu đồng) để thử đầu tư. Sau khi kiếm được lợi nhuận nhanh chóng thông qua nền tảng này, kẻ lừa đảo đã mời Adeline đầu tư số tiền lớn hơn là 10.000 USD (242 triệu đồng) nhưng bà không đồng ý.

Đáp lại sự từ chối, vị "doanh nhân" này nói rằng sẽ thay bà trả phần lớn "khoản đầu tư", thuyết phục Adeline chỉ cần bỏ vào 2.500 USD (60 triệu đồng).

"Lúc đó tôi đồng ý, cùng anh ta đầu tư 10.000 USD. Sau đó, khoản đầu tư đã tăng lên 190.000 USD khiến tôi ngỡ ngàng", Adeline nói.

Lúc này, bà cố gắng rút khoản lãi từ việc đầu tư nhưng được yêu cầu phải nộp khoản thuế 48.000 USD (1,1 tỷ đồng). Adeline được thông báo số tiền đã nộp chỉ là tiền đặt cọc và sẽ được hoàn lại.

Tuy nhiên, bà tiếp tục bị nhóm lừa đảo đề nghị xác minh tài khoản với giá 70.000 USD (1,6 tỷ đồng). Tin lời, Adeline đã vay ngân hàng để nộp tiền cho nhóm lừa đảo. Không lâu sau, bà nhận được tin nhắn hoàn tiền nhưng số tiền ấy vẫn còn mắc kẹt trên nền tảng mà Adeline đầu tư.

Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu bà thực hiện giao dịch nhỏ hơn với chi phí hành chính là 20.000 USD (485 triệu đồng); phí giám hộ 50.000 USD (1,2 tỷ đồng); 50.000 USD vì sự chậm trễ. Điều này khiến số tiền mà Adeline vay đã lên đến 320.000 USD (7,7 tỷ đồng).

Cuối cùng, chỉ khi nhóm lừa đảo yêu cầu nộp thêm 140.000 USD (3,3 tỷ đồng) thì bà mới từ bỏ.

"Tôi đã lấy hết can đảm để nói với chồng mình, mặc dù anh ấy rất tức giận nhưng vẫn chọn ở lại bên cạnh tôi. Tôi cảm thấy mất lòng tin với xã hội và tội cho những đứa con của tôi", bà rầu rĩ.

Nhiều trường hợp tương tự

Trước đó, một cụ bà 77 tuổi (giấu tên) sống tại Singapore đã bị lừa 150.000 USD (hơn 3,6 tỷ đồng) vào tay các đối tượng lừa đảo mạo danh tổ chức Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế).

Theo đó, bà cho hay, bà đã nhận được một cuộc gọi từ tháng 4/2022 từ một người tự xưng là nhân viên thuộc Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF).

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, đường dây được kết nối với một người khác gọi là "đội trưởng Chen" của tổ chức Interpol.

Mẹ 2 con mắc nợ 7,7 tỷ đồng sau cuộc gọi từ chàng doanh nhân thành đạt - 2

Cụ bà 77 tuổi tại Singapore bị lừa mất 3,6 tỷ đồng trong một tháng vì tin người lạ qua điện thoại (Ảnh: Shin Min Daily News).

Người này đã nói rằng bà có liên quan đến một hoạt động rửa tiền cùng với 30 người khác. Do đó, chính quyền muốn đóng băng tài khoản ngân hàng của bà.

"Họ hỏi tôi nhiều câu hỏi, bao gồm tên đầy đủ bằng tiếng Anh, số NRIC (thẻ căn cước quốc gia), địa chỉ và số tiền tôi có trong tài khoản ngân hàng", bà nói.

Lúc này, "thuyền trưởng Chen" đã đề nghị giúp cụ bà "bảo quản" số tiền trên và hứa trả lại sau 3 tháng.

"Anh ấy luôn nhấn mạnh rằng tôi không được thông báo cho bất kỳ ai trong gia đình mình, nếu không họ sẽ bị liên lụy", cụ bà cho hay.

Vì quá tin tưởng người lạ, người phụ nữ lớn tuổi đã đến 3 chi nhánh ngân hàng vào ngày 7 và 8/6/2022 để rút mỗi chi nhánh 50.000 USD (1,2 tỷ đồng) từ 3 tài khoản của mình.

Tại ngân hàng, một nhân viên đã hỏi về việc vì sao lại rút số tiền lớn và cảnh báo bà về những đối tượng lừa đảo. Song, cụ bà 77 tuổi vẫn kiên quyết làm theo và nói với nhân viên ngân hàng rằng bà nộp tiền để thay cho việc "cải tạo".

Cùng lúc, bà cũng nhận được cuộc gọi từ em gái, thông báo đang trên đường đến ngân hàng để hỏi bà xem chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, cụ bà lo lắng nếu nói ra thì sẽ liên lụy đến gia đình, nên bà đã kết thúc cuộc gọi và nói với em gái mình: "Không phải chuyện của em".

Sau khi cụ bà rút tiền từ tài khoản, nhóm lừa đảo đã gửi cho bà một phong bì có tem của cảnh sát. Các đối tượng yêu cầu bà bỏ 150.000 USD (hơn 3,6 tỷ đồng) vào phong bì và đặt nó trước cổng nhà.

"Tôi đặt tiền bên ngoài và tiếp tục nói chuyện điện thoại với họ. Gọi điện chưa đầy 5 phút, tôi mở cửa và nhận thấy phong bì đã bị lấy đi", cụ bà kể lại.

Bà chỉ nhận ra có điều gì đó không ổn khi nhóm lừa đảo ngừng gọi cho bà sau vài ngày. Lúc này, người phụ nữ lớn tuổi mới tìm kiếm sự giúp đỡ tại trung tâm hoạt động dành cho người cao tuổi mà bà thường lui tới. Họ đã đưa bà đến trình báo cảnh sát.

Cảnh sát chỉ có thể đến thăm hàng xóm của bà để điều tra xem họ có phát hiện điều gì đáng ngờ. Ngoài ra, số tiền bị mất đã không thể lấy lại được.

Vào tháng 6, cảnh sát đã đưa ra lời khuyên nhằm cảnh báo công chúng về những vụ lừa đảo liên quan đến việc mạo danh quan chức quốc tế.

Riêng trong năm 2022, tại Singapore có ít nhất 231 nạn nhân đã trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này, với số tiền thiệt hại lên tới ít nhất 25 triệu USD.

Theo www.asiaone.com