"Lương công chức tăng 23,5%, chí ít lương hưu phải tăng 15%"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh lương hưu. Tiền lương của công chức, viên chức khi cải cách tăng 23,5%, ít nhất lương hưu phải tăng 15%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập nội dung này tại buổi gặp mặt, khai xuân trong ngày làm việc đầu tiên của Bộ LĐ-TB&XH sau kỳ nghỉ Tết, diễn ra sáng 15/2.

Lương công chức tăng 23,5%, chí ít lương hưu phải tăng 15% - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì buổi gặp mặt Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của Bộ nhân dịp đầu Xuân (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Bộ trưởng nhắc lại những tin vui của ngành trước Tết Giáp Thìn. Đầu tiên là việc Bộ LĐ-TB&XH có trụ sở mới dành cho các đơn vị quản lý nhà nước ở 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Điểm lại những kết quả đạt được trong năm 2023, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đánh giá, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành LĐ-TB&XH đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với tinh thần và nỗ lực rất lớn.

"Trong bối cảnh khó khăn, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ. Mục tiêu không để ai bị đứt bữa, không có Tết, ngành đã cơ bản đảm bảo được.

Mừng nhất là công ăn việc làm của người dân, người lao động được đảm bảo. Mức lương bình quân năm 2023 tăng so với năm 2022; tiền thưởng Tết cơ bản giữ ở mức bằng năm ngoái. Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp nợ lương người lao động giảm so với năm trước...

Trẻ em tật nguyền, mồ côi, người già, người neo đơn được chăm lo chu đáo, không còn hiện tượng người vô gia cư, lang thang trong dịp Tết. Các chính sách đối với người có công được triển khai kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chế độ đến tận tay các đối tượng", Bộ trưởng nhận xét.

"Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa trước mắt, hiện tại mà còn là tương lai lâu dài của Bộ", Bộ trưởng khái quát.

Tin vui thứ 2, theo Bộ trưởng, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan đầu tiên hoàn thành kiện toàn tổ chức, sáp nhập 3 cơ quan truyền thông lại với nhau (sáp nhập báo điện tử Dân trí, báo Lao động - Xã hộitạp chí Vì trẻ em). Việc sáp nhập này có lộ trình, bước đi "êm ái", không xảy ra đơn thư, kiện cáo…

Về các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024, với phương châm "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của Bộ đoàn kết, thống nhất cao thực hiện phương châm này, nỗ lực hơn nữa, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trước hết toàn ngành, toàn hệ thống tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội.

"Tới đây Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương để quán triệt, triển khai, hướng dẫn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42.

Năm nay, toàn ngành phải tập trung cao độ cho việc xây dựng thể chế, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm văn bản", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lương công chức tăng 23,5%, chí ít lương hưu phải tăng 15% - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng, khi cải cách tiền lương, lương hưu tối thiểu phải tăng 15% (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Bên cạnh đó, ông yêu cầu, năm 2024 và những năm tới, toàn ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện thị trường lao động, khắc phục những vấn đề khó khăn, tồn tại. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, quan tâm những lĩnh vực, ngành nghề mới.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, làm sao để Luật Bảo hiểm xã hội khi được thông qua tạo sự thông thoáng, hiệu quả, làm nền tảng chuẩn bị tốt nhất cho Luật việc làm sửa đổi.

Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm chăm lo tới đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em...

Năm 2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bộ trưởng nhấn mạnh, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu theo tinh thần "không để người hưu trí rơi vào khó khăn, thiệt thòi hơn khi cải cách".

"Khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với người lao động cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng lương hưu rất thiệt thòi. Do đó, cần tính toán cân đối, hài hòa. Nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất, lương hưu phải tăng 15%.

Bên cạnh đó, khi thực hiện cải cách tiền lương, người có công trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm những người hưởng chế độ này không bị thiệt thòi. Sau cải cách tiền lương, người có công sẽ hưởng mức cao hơn bình quân.

Tiếp đó, phấn đấu nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng, mức chuẩn tối thiểu phải bằng 50% hộ nghèo nông thôn. Mức chuẩn trợ cấp hiện nay chỉ 360.000 đồng là quá thấp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu bài toán.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương vừa qua, ông đã đề xuất toàn quốc phát động phong trào thi đua xóa nhà dột nát, nhà tạm, phấn đấu trong 2 năm, 2024-2025, cả nước không còn nhà dột nát.

"Toàn ngành sẽ vào cuộc cùng cả nước triển khai thực hiện mục tiêu này để sớm xóa được nhà tạm, nhà dột nát cho người dân", Bộ trưởng yêu cầu.