Ký hiệp định BHXH Việt - Hàn để tối ưu quyền lợi cho người lao động

Quang Phong

(Dân trí) - Sáng 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.

Tối ưu quyền lợi về BHXH cho người lao động

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, quy định áp dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay đang làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH song trùng.

Cụ thể, người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam theo quy định của Luật BHXH Việt Nam, vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam cũng phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH song trùng tương tự.

Để tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân 2 nước, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ hai nước đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về BHXH giữa hai nước.

Ký hiệp định BHXH Việt - Hàn để tối ưu quyền lợi cho người lao động - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quốc Chính).

Việc tiến tới ký kết Hiệp định là ghi nhận kết quả quá trình đàm phán giữa Chính phủ 2 nước và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về BHXH trong thời gian tới.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Chủ nhiệm Vũ Hải Hà trình bày, đây là hiệp định toàn diện về BHXH song phương đầu tiên của Việt Nam.

Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ký hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH hai lần, tối ưu hóa quyền lợi về BHXH cho người lao động mỗi nước, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên hợp quốc.

Việc ký các hiệp định BHXH song phương cũng phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế; rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH.

Ký hiệp định BHXH Việt - Hàn để tối ưu quyền lợi cho người lao động - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình của Chính phủ (Ảnh: Quốc Chính).

Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và số lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng và tạo tiền đề thuận lợi cho việc ký các hiệp định song phương về BHXH với các quốc gia có quan hệ hợp tác về lao động với Việt Nam.

Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và các văn bản có liên quan, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị UBTVQH đồng ý việc Chính phủ ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.

Sớm sửa Luật BHXH để thể chế hóa chủ trương

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu tại Việt Nam vẫn phải theo quy định của Luật BHXH Việt Nam. Cùng với đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần đánh giá tác động của Hiệp định tới Quỹ BHXH của nước ta.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, quá trình đàm phán Hiệp định này với phái Hàn Quốc từ cuối năm 2014, cho đến nay về cơ bản đã "gặp được nhau". Bộ trưởng nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu, khẳng định sẽ đánh giá kỹ hơn tác động của Hiệp định tới Quỹ BHXH. Tuy nhiên, "tác động" không quá lớn so với tổng thu, kết dư của quỹ.

Ký hiệp định BHXH Việt - Hàn để tối ưu quyền lợi cho người lao động - 3

Các đại biểu tham dự phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quốc Chính).

Tại phiên họp, có 18/18 Ủy viên Thường vụ Quốc biểu quyết đồng ý việc ký kết Hiệp định về mặt nguyên tắc. Ủy ban Thường vụ cũng lưu ý, việc ký Hiệp định BHXH giữa hai Chính phủ phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Chính phủ sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH về Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên cơ sở thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến Bộ Chính trị, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định ký Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước Quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH, để hiệp định sớm được thực thi.