Hạ thời gian đóng bảo hiểm xã hội phải chấp nhận lương hưu giảm

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Lãnh đạo Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nêu nguyên lý, thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu sẽ giảm, thậm chí rất thấp. Vì thế, vẫn cần khuyến khích người lao động đóng dài để có lương hưu cao.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam đề cập nội dung trên tại hội thảo thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28/11.

Cơ hội cho hàng triệu người tiếp cận lương hưu

Tại hội thảo, nhiều nội dung xoay quanh dự thảo luật BHXH sửa đổi như giảm số năm tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giải quyết việc lao động rút bảo hiểm xã hội một lần… tiếp tục được các chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm.

Về điều kiện hưởng lương hưu, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam nói về đề xuất giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Ông Nam cho rằng, quy định như vậy là phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Hạ thời gian đóng bảo hiểm xã hội phải chấp nhận lương hưu giảm - 1

Hội thảo thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội được tổ chức tại Hà Nội, ngày 28/11 (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Với hướng quy định này, những người tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục dẫn đến khi nghỉ hưu không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

"Quy định tối thiểu 20 năm đóng BHXH mới có lương hưu hiện được cho là quá dài. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều người lao động tham gia một thời gian lại rút BHXH một lần thì cơ hội tham gia bảo hiểm trở lại cho đủ 20 năm  để hưởng lương hưu rất khó khăn", ông Nam nói.

Theo ông Nam, xu hướng rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm từ 20 xuống 15 năm, tiến tới chỉ còn 10 năm tạo cơ hội cho nhiều người lao động được tiếp cận lương hưu. Tuy nhiên, người tham gia phải chấp nhận thực tế, thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sẽ giảm.

"Thực tế, cơ quan chuyên môn luôn khuyến khích người lao động đóng BHXH thời gian dài, số năm đóng càng tăng thì tỷ lệ hưởng lương hưu càng cao", ông Nam cho hay.

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam nêu thách thức lớn với hệ thống an sinh của đất nước sau này khi nhiều người lao động rút BHXH một lần. Tiếp tục cho phép người lao động rút bảo hiểm như hiện nay sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề về đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.

Ông Nam khuyến cáo, cần kiên quyết, hạn chế hơn về điều kiện rút BHXH một lần. Mặt khác, cần bổ sung các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người lao động tự nguyện ở lại hệ thống và bảo lưu thời gian đóng, hướng đến lương hưu, bảo đảm an sinh lâu dài.

Hạ thời gian đóng bảo hiểm xã hội phải chấp nhận lương hưu giảm - 2

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Về hướng quy định việc rút BHXH một lần, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng: "Có thể xem xét đồng nhất giữa hai phương án đã đề xuất, hoặc có thêm phương án 3. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào chúng tôi vẫn hướng đến mục tiêu giữ người lao động ở lại hệ thống BHXH, để họ có lương hưu nhằm đảm bảo an sinh lâu dài".

Cũng quan tâm vấn đề này, chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho hay, người lao động rút BHXH một lần chủ yếu rơi vào hai trường hợp, một là thiếu thu nhập sau khi thất nghiệp, hai là lao động nữ sinh con.

"Như vậy, có thể thấy các chế độ ngắn hạn liên quan đến hai nhóm đối tượng nêu trên chưa đủ đáp ứng nhu cầu khiến nhiều người lao động chấp nhận thiệt thòi, từ bỏ quyền lợi tương lai", chuyên gia của ILO nói và cho rằng, không nên cấm người lao động rút BHXH một lần, thay vào đó nên có các chính sách để hỗ trợ như tăng chế độ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm.

Chuyên gia ILO khuyến nghị cơ quan soạn thảo dự luật BHXH sửa đổi nên bổ sung chính sách trợ cấp với trẻ em hoặc gia đình vào hệ thống an sinh nhằm mở rộng diện bao phủ của chính sách.

Với gia đình có con đi học hoặc có người phụ thuộc như bố mẹ già, một số nước có chính sách miễn giảm học phí cho con cái, đổi lại người lao động phải tham gia BHXH.

Nghiên cứu công bố năm 2022 của ILO cho thấy, diện bao phủ BHXH của lao động Việt Nam năm 2019 đạt mức cao nhất ở cả nam lẫn nữ trong độ tuổi 20-30. Với nữ giới, tỷ lệ này đạt gần 59% ở độ tuổi 26. Nhưng sau đó, độ bao phủ giảm dần, còn 20,3% với phụ nữ và 16,6% với nam ở độ tuổi 45-49. Điều đó chứng tỏ nữ giới tham gia BHXH từ sớm nhưng đến thời điểm nhất định sẽ ngừng tham gia.

"Phần lớn người rút BHXH một lần là lao động nữ dưới 35 tuổi và khoản tiền chế độ trở thành nguồn kinh phí nuôi dạy con cái hoặc để chi tiêu sinh hoạt. Việc đóng BHXH khiến thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình lao động giảm. Do đó, có thêm trợ cấp trẻ em sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính này", chuyên gia ILO nói.