Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH: Lương hưu thấp nhất 2 triệu đồng/tháng

Hoa Lê

(Dân trí) - Nếu hạ số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, người lao động nghỉ hưu có thể nhận mức lương thấp. Dù vậy, có lương hưu vẫn là tối ưu với tuổi già.

Thêm nhiều người nghỉ hưu với mức lương thấp?

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật BHXH sửa đổi chiều 2/11, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) nhất trí với đề xuất điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm.

Do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm, theo đại biểu, giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH thì sẽ có thêm nhiều người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp.

Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH: Lương hưu thấp nhất 2 triệu đồng/tháng - 1

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật BHXH sửa đổi (Ảnh: Hoa Lê).

Đại biểu phân tích, chỉ đóng BHXH ở mức tối thiểu 15 năm, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%, nếu mức lương trung bình làm căn cứ để đóng BHXH là 5-6 triệu đồng/tháng (mức phổ biến hiện nay-PV) thì lương hưu sau này được khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì lo ngại lương hưu quá thấp, không có mức sàn đảm bảo cuộc sống.

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho người có tiền lương hưu quá thấp.

Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH: Lương hưu thấp nhất 2 triệu đồng/tháng - 2

Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Hoa Lê).

Giải trình thêm về nội dung này, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Trường Giang nhận định: "Hưởng lương hưu mức thấp còn hơn không".

Theo Vụ trưởng Vụ BHXH, giai đoạn 2016-2022, có 300.000 lượt lao động đã rút BHXH vì không đủ 20 năm đóng bảo hiểm. Giảm điều kiện thời gian đóng thì nhóm lao động  này có cơ hội được nhận lương hưu, dù mức lương 2 triệu đồng/tháng còn hơn không có lương hưu, chỉ nhận mức trợ cấp 360.000 đồng/tháng. Cùng với việc được hưởng lương hưu, những lao động này còn có bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe cho tuổi già.

"Lương hưu thấp còn hơn không"

Tại tổ đại biểu tỉnh Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình nhận định, dự thảo Luật lần này đã có nhiều quy định mang tính đột phá, bám sát Nghị quyết 28 của Trung ương. Ông Bình tâm đắc với nội dung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội theo hướng giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Đại biểu Thạch Phước Bình gợi ý xây dựng lộ trình để đưa tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 75 tuổi và giảm dần hơn nữa. 

Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH: Lương hưu thấp nhất 2 triệu đồng/tháng - 3

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ (Ảnh: Hoa Lê).

Về tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, theo lộ trình, trước mắt sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Còn mức hưởng, Chính phủ đề xuất quy định linh hoạt, tùy vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kì.

Thực tế, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính để trong tháng tới trình Chính phủ nâng mức hưởng trợ cấp xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mức chế độ bằng tiền không "áp cứng" trong luật mà sẽ thể hiện trong nghị định, để Chính phủ chủ động điều hành, đảm bảo cân đối, hài hòa.

Tăng quyền lợi với người tham gia BHXH tự nguyện

Về định hướng, mục tiêu của lần sửa luật này, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Trường Giang nói về yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH. Ông cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, muốn mở rộng diện bao phủ BHXH phải kết hợp hài hòa hai hình thức tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

"Những người có khả năng sẽ chủ động tham gia BHXH bắt buộc. Còn những người lao động khu vực phi chính thức, khó tham gia BHXH hơn, nhà nước phải hỗ trợ", ông Giang nói.

Về mức đóng 22% lương áp dụng với BHXH tự nguyện, Vụ trưởng Vụ BHXH giải thích, đây là tỷ lệ được thiết kế tương ứng với nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc.

Vụ trưởng Vụ BHXH cũng thông tin thêm về hướng bổ sung chế độ thai sản với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ở mức 2 triệu đồng/lần sinh con. Ông Giang so sánh, người tham gia BHXH bắt buộc phải đóng góp mới được hưởng chế độ này, còn mức 2 triệu đồng áp dụng với người tham gia tự nguyện là khoản hỗ trợ không qua đóng góp.

Nhà nước có nhiều chế độ hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện vì khảo sát chung cho thấy, 70% người tham gia BHXH tự nguyện tiệm cận thu nhập chuẩn nghèo. Nếu tăng mức đóng góp thêm nữa họ sẽ rơi vào cận nghèo. Chính vì vậy, chế độ thai sản được hỗ trợ là để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện.