Giả danh bảo hiểm xã hội lừa tiền người lao động

Quốc Triều

(Dân trí) - Đối tượng lừa đảo lập các trang web, facebook giả mạo cơ quan bảo hiểm xã hội để lừa đảo người lao động. Tại Quảng Ngãi, có người đã trình báo việc bị lừa đảo khi làm thủ tục chốt sổ BHXH.

Sau nhiều năm làm việc tại tỉnh Phú Thọ, chị N.A.M.D. (TP Quảng Ngãi) xin nghỉ việc về quê sinh sống. Tháng 8, do khó khăn về tài chính, chị này quyết định làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo quy định, trường hợp tự ý nghỉ việc, người lao động phải đến cơ quan BHXH nơi công ty đăng ký đóng BHXH để chốt sổ.

Chị D. đã về Quảng Ngãi làm việc nên không có điều kiện trực tiếp chốt sổ, nên tìm kiếm thông tin hỗ trợ trực tuyến. Qua tìm kiếm, chị thấy một fanpage có giao diện của BHXH Việt Nam. Sau khi tương tác, chị được một người xưng là nhân viên của BHXH Việt Nam trao đổi, hỗ trợ.

Đối tượng gửi cho chị giấy đề nghị chốt sổ BHXH, đồng thời yêu cầu chị đóng 500.000 đồng lệ phí. Nhận được tiền, đối tượng lừa đảo lại thông báo hồ sơ của chị gặp trục trặc. Muốn được giải quyết nhanh chóng, chị phải nộp tiếp 2 triệu đồng.

Đối tượng lừa đảo dùng nhiều cách để chị tin tưởng, tiếp tục chuyển tiền. Sau 2 lần lừa tiền trót lọt, đối tượng lừa đảo thông báo hồ sơ sắp hoàn thành. Đồng thời, yêu cầu chuyển thêm 4 triệu đồng. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa.

Giả danh bảo hiểm xã hội lừa tiền người lao động - 1

Người lao động đến BHXH Quảng Ngãi để được hỗ trợ trực tiếp (Ảnh: Quốc Triều).

Theo BHXH tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù cơ quan BHXH đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng vẫn có nhiều trường hợp người lao động bị lừa đảo.

Cơ quan BHXH khuyến cáo, người lao động, các đơn vị không nên tìm hiểu thông tin, quy trình, thủ tục của BHXH qua các trang, hội nhóm, diễn đàn không chính thống trên mạng.

Hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến với người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin chính thức như Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Người lao động nên đến các cơ quan BHXH gần nhất để được hỗ trợ trực tiếp.