Di nguyện của mẹ liệt sĩ: "Con ở lại cố gắng tìm, mang em về!"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - "Trước khi mất, mẹ tôi căn dặn, mẹ không thể đợi được ngày nhìn thấy hài cốt của em trai, con ở lại cố gắng đi tìm, mang em về", ông Hồng, cựu thanh niên xung phong xúc động.

Sáng kiến "khắc tinh" bom từ trường

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nhân Mỹ - xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, bà Nguyễn Thị Trình (80 tuổi), ông Đào Minh Hồng (88 tuổi) là 2 trong số 36 cựu thanh niên xung phong may mắn sống sót trở về.

Bà Trình kể, năm 1965, nghe lời kêu gọi của địa phương, bà trốn gia đình tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) khi vừa tròn 22 tuổi. Biết chuyện, bố mẹ bà ngăn cấm vì ở nhà không có người trông em.

Di nguyện của mẹ liệt sĩ: Con ở lại cố gắng tìm, mang em về! - 1

Bà Nguyễn Thị Trình (80 tuổi), ông Đào Minh Hồng (88 tuổi), hai cựu thanh niên xung phong ở Nhân Mỹ tham gia kháng chiến chống Mỹ.

"Lúc ấy, tôi và hàng chục thanh niên trong xã hào hứng lắm, xã kêu gọi là anh chị em xung phong đi luôn. Bố mẹ biết chuyện ngăn, bảo "ở nhà lấy ai trông em" nhưng tôi vẫn quyết tâm trốn đi bằng được.

Lúc lên đường, anh chị em đều nghĩ đi thanh niên xung phong như đi làm công nhân, đi 3 năm rồi về. Vừa đặt chân tới khu vực mở đường, cả đoàn đã lĩnh ngay những trận bom Mỹ dữ dội. Nhiều lần, cả đội phải nằm nép mình vào đường ray tàu mới may mắn sống sót", bà Trình kể.

Đợt này, ông Hồng (chồng bà Trình) cũng tham gia lực lượng TNXP, biên chế tại Đại đội 356, N35, Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Hà Nam.

Sau giờ phút chia tay người thân, ông Hồng, bà Trình lên đường hòa vào đoàn người hành quân về phía Bắc Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông suốt trên một số tuyến đường trọng yếu.

Di nguyện của mẹ liệt sĩ: Con ở lại cố gắng tìm, mang em về! - 2

Ông Hồng (ở giữa, hàng dưới) chụp cùng đồng đội khi tham gia lực lượng thanh niên xung phong.

Vào chiến trường, đội thanh niên xung phong Hà Nam cùng đồng đội khắp cả nước nỗ lực san lấp hố bom, làm hoa tiêu, đảm bảo tuyến đường luôn thông suốt. Từ đây, đội thanh niên xung phong bắt đầu trải qua chuỗi ngày gian khổ và đầy hiểm nguy.

"Lúc đầu xung phong tham gia cứ nghĩ công việc này bình thường, đơn giản. Tuy nhiên, càng sâu vào miền Trung chúng tôi càng thấm sự khốc liệt, gian khổ nơi chiến trường. Từ năm 1967-1968, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cam go, chúng tôi chuyển từ làm ngày sang làm đêm.

18h bắt đầu công việc đến 2h sáng, về đến chỗ ở thì trời cũng gần sáng. Mấy tháng trời liên tục như vậy, nhịp sinh học của người mình thay đổi, mệt mỏi vô cùng nhưng anh em đều cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình", ông Hồng chia sẻ.

Ông kể, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến đường từ Hà Tĩnh vào tới Quảng Bình có nhiều vị trí chiến lược rất quan trọng nên đế quốc Mỹ tập trung đánh phá vô cùng ác liệt với ý đồ cắt đứt sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Với đội thanh niên xung phong, khổ nhất là khi Mỹ sử dụng bom từ trường.

"Những ai đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đều biết bom từ trường là "kẻ giết người bí ẩn". Loại bom này lúc rải xuống có quả nổ, quả không nổ. Đặc tính của bom này, khi gặp kim khí là nổ. Chỉ cần đứng xa cỡ 10 mét, đưa ra con dao sắt là bom nổ ngay.

Thời gian đầu, chúng tôi rất khó phát hiện loại bom này nên rất nhiều chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong đã dính bom ngã xuống. Việc mở đường nhiều lúc gặp khó khăn vô cùng", ông Hồng cho biết.

Qua nhiều ngày đêm nghiên cứu, ông Hồng và đồng đội đã nghĩ ra cách dùng cây giang (một loại tre - PV), chẻ ra nối thành đoạn dây dài, gắn kim loại lên để rà phá loại bom này.

Di nguyện của mẹ liệt sĩ: Con ở lại cố gắng tìm, mang em về! - 3

Vợ chồng ông Hồng là 2 trong số 36 cựu thanh niên xung phong may mắn sống sót trở về.

"Đồng đội tôi hai người mặc quần đùi, mỗi người cầm một đầu dây, xung phong đi trước mở đường. Đoạn nào có bom từ trường, gặp kim loại bom sẽ nổ. Nhờ cách này, lực lượng công binh, thanh niên xung phong phần nào khắc chế được loại vũ khí tối tân của quân Mỹ khi đó, thương vong giảm đi nhiều", ông nói.

Vừa đối mặt với mưa bom, bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong còn phải đương đầu với những cơn sốt rét, ghẻ lở vì điều kiện sinh hoạt khắc khổ. Có thời điểm, Tổng đội phải cho rút quân ra đồng bằng để chữa trị, bảo đảm quân số toàn đội.

"Để tránh bị đánh bom, nơi ở của chúng tôi hầu hết làm trong rừng, cách vị trí mở đường 2-3km. Vào mùa mưa, quần áo thiếu thốn mà phơi 2-3 ngày không khô, nhiều người cứ giặt xong, cố vắt kiệt nước rồi lại mặc vào. Thời gian đó anh em bị ghẻ lở nhiều vô kể", ông Hồng nhớ lại.

Trong những năm tháng tham gia lực lượng TNXP, một trong những kỷ niệm mà ông Hồng không thể nào quên là sự kiện xảy ra một ngày cuối năm 1968. Khi đó, đại đội được cử đi nhận gạo nếp để gói bánh chưng ăn Tết. Tuy nhiên, địch bắn phá ác liệt, không cách nào đi lấy đồ tiếp tế được.

"Tết năm đó, anh em trong đội chúng tôi nấu cháo ăn cầm hơi cho qua ngày. Khổ vậy nhưng tinh thần anh em lúc nào cũng hưng phấn, quyết tâm "sống bám đường, bám cầu, chết kiên cường, dũng cảm", ông Hồng bồi hồi.

Tìm em về thay mẹ

Cũng như bao người con ưu tú của quê hương Nhân Mỹ, liệt sĩ Đào Minh Hường (em trai ông Hồng) nối gót anh trai lên đường nhập ngũ năm 1967. Một năm sau ông hi sinh ở chiến trường, giấy báo tử gửi về cho người mẹ già chỉ vỏn vẹn dòng chữ: "Thi hài của đồng chí Hường được mai táng ở nghĩa trang của đơn vị".

Mẹ ông vui khi ông trở về an toàn bao nhiêu thì lại đau đớn, day dứt bấy nhiêu khi đã nhiều năm vẫn chưa tìm được hài cốt người con út.

Di nguyện của mẹ liệt sĩ: Con ở lại cố gắng tìm, mang em về! - 4

Mỗi lần nhắc tới em trai - Liệt sĩ Đào Minh Hường, ông Hồng lại rơi nước mắt vì chưa tìm được hài cốt, đưa em trở về quê hương.

"Những năm kháng chiến, các đơn vị nay đóng quân chỗ này, mai chỗ khác. Sau này gia đình tôi có tìm đến nơi đơn vị em trai từng đóng quân nhưng không thể tìm được hài cốt của em", ông Hồng rưng rưng.

Thời gian sau đó, ông Hồng và gia đình tiếp tục đến nghĩa trang Đường 9 Nam Lào. Tại đây, ông được người trông coi nghĩa trang chỉ đường tới khu vực mộ liệt sỹ quê Hà Nam. Tuy nhiên, giữa vô vàn ngôi mộ vô danh, ông Hồng không thể nào tìm thấy phần mộ em trai.

"Em tôi mất năm 1968, năm 1982 thì mẹ tôi qua đời. Ngần ấy năm không tìm, đưa được con trai trở về, mẹ đau đớn lắm. Trước lúc mất, bà căn dặn tôi: "Mẹ không thể đợi đến ngày nhìn thấy nắm xương của em, con ở lại cố gắng đi tìm, mang em trở về".

Di nguyện của mẹ liệt sĩ: Con ở lại cố gắng tìm, mang em về! - 5

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Đào Minh Hường.

Đến nay đã 55 năm từ ngày em hy sinh, tôi vẫn chưa đưa được em trở về, thực hiện di nguyện của mẹ. Không biết bao lần, tôi đi rồi trở về tay không khi xác định sai vị trí, do thời gian trôi qua đã lâu, những dấu vết năm xưa không còn", ông Hồng bật khóc.

Giờ đây, tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông Hồng trăn trở: "Có lẽ, chúng tôi không thể thực hiện được di nguyện của mẹ".

Trong các cuộc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân xã Nhân Mỹ đã tiễn đưa hàng ngàn người con ưu tú lên đường bảo vệ tổ quốc. Xã có 168 anh hùng liệt sỹ, 86 người thương binh, 54 bệnh binh, 5 người bị địch bắt tù đày.

36 cựu thanh niên xung phong còn sống sót trở về, nhiều gia đình có tới 3 thế hệ là bộ đội tham gia chiến đầu và phục vụ chiến đầu. Trong số 168 anh hùng liệt sỹ, trong số đó thì 1/3 hài của các anh vẫn còn nằm lại nơi chiến trường chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ của xã.

Nhân Mỹ đến thời điểm này có 16 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 người được phong tặng danh hiệu cao quý AHLLVTND; 4 người được phong quân hàm cấp tướng, 97 người là sỹ quan quân đội nghỉ hưu tại địa phương.

Năm 2010, xã Nhân Mỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến các đối tượng chính sách, gia đình có công đồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; do vậy, hàng năm xã đều hoàn thành chỉ tiêu giao quân.