Cứ 3 phụ nữ, lại có 2 người bị bạo lực gia đình

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Bạo lực gia đình là vấn đề đáng quan tâm, khi càng nhiều sự việc đau lòng diễn ra trên khắp cả nước. Từng địa phương nâng cao quan điểm, đề ra nhiều phương án, hướng đến mục tiêu đẩy lùi vấn nạn này.

Con số đáng "báo động"

Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. 

Trong đó, thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ ra rằng trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em.

Cứ 3 phụ nữ, lại có 2 người bị bạo lực gia đình - 1

Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương (Ảnh minh họa, nguồn LDF).

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) tại Việt Nam trăn trở, bạo lực bạo lực gia đình thường diễn ra một cách bí mật và vẫn còn được xem là vấn đề cá nhân, riêng tư phải giấu kín.

Tại Việt Nam, điều cần lưu ý nhất trong vấn đề bạo lực giới chính là và văn hóa im lặng. Cộng đồng chưa xây dựng được không gian để phụ nữ không phải xấu hổ khi kể ra tình cảnh của mình. 

Thảo luận về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết từng nêu vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình và cho rằng vai trò của cộng đồng là rất quan trọng, tuy nhiên theo đánh giá của bà Tuyết có tình trạng nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt. 

Chứng minh cho ý kiến nêu ra, bà Tuyết dẫn lại trường hợp bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, TPHCM bị bạo hành đến chết. Bà Tuyết, cho biết các hộ gia đình xung quanh đã nghe bé gái khóc rất nhiều lần nhưng họ không quan tâm xem tại sao. Cô giáo của bé cũng biết hoàn cảnh gia đình của bé nhưng không để tâm nhiều. 

Cứ 3 phụ nữ, lại có 2 người bị bạo lực gia đình - 2

Vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành tới chết ở TPHCM khiến nhiều người thương cảm (Ảnh: Hải Long).

Bà Tuyết một lần nữa nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình và cho rằng cần thay đổi quan điểm, nhận thức trong cộng đồng phải tốt hơn. Trong nhóm giải pháp, cần có quy định khung về vai trò của cộng đồng. 

Cần những biện pháp cứng rắn

Theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội phê duyệt năm 2022, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Cứ 3 phụ nữ, lại có 2 người bị bạo lực gia đình - 3

Thực hiện hành vi bạo lực gia đình có thể đối diện với mức phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa).

Tại tỉnh Bình Định, tháng 10/2023, địa phương này cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Đáng chú ý, tỉnh sẽ triển khai thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" trên phạm vi toàn tỉnh. Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện  chủ đề chung về gia đình đến năm 2025: "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng".

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành nhằm tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; quyền, nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình, các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Theo thống kê số liệu báo cáo tổng hợp thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Định, nếu như năm 2013 xảy ra 318 vụ bạo lực gia đình, thì năm 2014 chỉ còn 158 vụ (giảm 160 vụ). Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Trong năm 2021, tỉnh Bình Định có 415 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thực hiện tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh và các nhu cầu thiết yếu khác nhằm giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe, tính mạng. 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 223 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững" với hơn 1.800 thành viên tham gia sinh hoạt với các nội dung thiết thực: cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình…

Các tiêu chí thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, các loại hình CLB gia đình phát triển bền vững luôn được bổ sung, hoàn thiện; mô hình gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc luôn được chú trọng, đề cao.

Đến năm 2022, 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã bố trí cán bộ làm công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Toàn huyện có 77 tổ hòa giải cơ sở với hơn 670 hòa giải viên, đã hòa giải thành công 96/113 vụ việc (đạt 84,9%) trong đó có nhiều vụ bạo lực gia đình.

Cứ 3 phụ nữ, lại có 2 người bị bạo lực gia đình - 4

Sự kiện Giao lưu "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng" do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định tổ chức, ngày 27/6 (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam).

Tỉnh Bình Định đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số. 

Phấn đấu hằng năm 90% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% các huyện, thành phố có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.