Công tác xã hội trong bình đẳng giới

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sau thời gian dài bị bạo lực, cuộc đời của chị H. đã thay đổi khi chị dám nói, dám mở lòng, chia sẻ câu chuyện của mình và dám tố cáo người chồng vũ phu để bảo vệ bản thân.

Ngày 15/9, tại Nghệ An, Tổ chức quốc tế Hagar tại Việt Nam phối hợp Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) hai tỉnh Nghệ An và Yên Bái tổ chức tổng kết dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng của bạo lực giới".

Công tác xã hội trong bình đẳng giới - 1

Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hoàng Lam).

Dự tổng kết dự án có bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), đại diện Sở LĐ-TB&XH, Hội LHPN và các thành viên tham gia dự án hai tỉnh Nghệ An, Yên Bái.

Dự án do HAGAR tại Việt Nam triển khai ở 2 xã Minh An, Bình Thuận (huyện Văn Chấn, Yên Bái) và Quỳnh Lương, Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ năm 2019, nhằm giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, tập trung phòng ngừa và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bạo lực trên cơ sở giới.

Khi vợ bỏ đi, chồng mới thấm nỗi... cay cực

Kết thúc dự án, kiến thức về giới, bạo lực giới cũng như luật pháp liên quan của người dân và cán bộ địa phương tại 4 xã nêu trên có sự chuyển biến tích cực. Các quan niệm bất bình đẳng giới đã giảm; người dân nhận diện các hành vi bạo lực cũng như người gây bạo lực tốt hơn; nhận thức về nguyên nhân, hậu quả bạo lực đối với phụ nữ trẻ em cũng được cải thiện.

Công tác xã hội trong bình đẳng giới - 2

Chị T. nhận cái ôm từ cán bộ quản lý dự án sau khi chia sẻ câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc sống 23 năm bị bạo hành (Ảnh: Hoàng Lam).

Tại hội thảo, ông P.V.M. (trú tại xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái) đã chia sẻ câu chuyện của mình, cũng như những thay đổi của bản thân sau khi tham gia dự án. Ông M. thừa nhận trước đây, vì tư tưởng tự cho mình quyền áp đặt lên vợ, con, ông nhiều lần có hành vi bạo hành với vợ. Mọi việc chỉ thay đổi khi vợ bỏ về nhà ngoại.

"Trong thời gian vợ bỏ đi, bao nhiêu công việc gia đình, chăm sóc con cái tôi phải gánh vác. Trước nay, tôi nghĩ đó là việc của vợ. Tôi buồn và hối hận về cách hành xử của mình, nhất là khi nhìn 2 con, vắng mẹ nên buồn bã, học hành sa sút. Tôi nhận ra người phụ nữ quan trọng như thế nào trong gia đình, và dù người đàn ông có cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng không thể thay thế được người mẹ, người vợ trong nhà", người đàn ông từng bạo hành vợ chia sẻ.

Nhận ra cái sai của mình, anh M. từ bỏ sĩ diện, hạ cái tôi cá nhân, gọi điện xin lỗi, năn nỉ vợ về, nhờ gia đình 2 bên, các tổ chức xã hội ở địa phương tác động thêm. Khi nhận được sự tha thứ của vợ, anh M. đã tự động chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái, tạo điều kiện cho vợ tham gia các hoạt động xã hội. Đến nay, cả hai vợ chồng anh đều tham gia các câu lạc bộ của tổ chức Hagar và dự án triển khai tại địa phương.

Công tác xã hội trong bình đẳng giới - 3

Báo cáo nghiên cứu của về những thay đổi tích cực sau 3 năm triển khai dự án được công bố tại hội thảo (Ảnh: Hoàng Lam).

Chị N.T.T. (trú xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) nghẹn ngào khi chia sẻ về cuộc đời 43 năm thì có tới 23 năm bị bạo lực mà "chỉ biết câm nín và chịu đựng".

"Năm 2021, tôi tham gia câu lạc bộ Sức sống mới, thời gian tham gia tính đến nay mới chỉ hơn một năm rưỡi nhưng rất ý nghĩa với bản thân tôi. Tôi và những nạn nhân bạo lực được các chuyên gia của Hagar tư vấn, được sự hỗ trợ của các thành viên quản lý dự án tại xã và hiểu ra, con người dù là nam hay nữ đều có quyền bình đẳng như nhau và được pháp luật bảo vệ. Tôi học được cách chăm sóc, tôn trọng bản thân, có kỹ năng bảo đảm an toàn cho chính mình, tham gia các hoạt động xã hội, cơ hội phát triển kinh tế...

Tôi dám nói, dám mở lòng, chia sẻ câu chuyện của mình, không cố im lặng, chấp nhận bạo lực, dám tố cáo hành vi của chồng, đây là điều thay đối lớn nhất của bản thân. Chồng cũng đã có sự thay đổi, biết chia sẻ việc làm, biết nói lời nhẹ nhàng với vợ và đồng ý tham gia câu lạc bộ Người đàn ông trách nhiệm. Tôi ít bị bạo hành hơn trước, gia đình cũng êm ấm hòa thuận hơn, nhất là các con vui vẻ, chăm chỉ học hành...", chị T. chia sẻ về những thay đổi của bản thân và gia đình.

Người gây bạo lực ít bị xử lý

Sau 3 năm triển khai dự án tại các địa phương kể trên, thực trạng bạo lực đã giảm từ 57,6% xuống còn 23% phụ nữ, trẻ em đã từng chịu ít nhất một trong các hành vi bạo lực giới; 97,1% người bị bạo lực biết cần tìm đến ai hoặc đến đâu để được trợ giúp... Kết thúc dự án, 900 người chịu ảnh hưởng bởi bạo lực đã nhận được hỗ trợ, 80% cán bộ được nâng cao kiến thức, 200.000 người dân được cải thiện thái độ và nhận thức về bạo lực giới…

Công tác xã hội trong bình đẳng giới - 4

Ông Lê Xuân Đồng - điều phối viên dự án Hagar quốc tế tại Việt Nam (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Lê Xuân Đồng - điều phối viên của tổ chức quốc tế Hagar tại Việt Nam chia sẻ, 3 năm thực hiện dự án là 3 năm thách thức với dịch, thiên tai nhưng với tinh thần, trách nhiệm và tâm huyết, các thành viên dự án đã nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Từ thứ yếu, bạo lực giới đã được xem là chính yếu. Giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực giới đã có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương.

"900 người bị ảnh hưởng bởi nạn bạo lực giới được tiếp cận các dịch vụ, vượt mục tiêu ban đầu đề ra. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy dịch vụ an toàn đối với nạn nhân bạo lực và xử lý người gây bạo lực chưa được xử lý thỏa đáng, số người gây bạo lực bị xử lý chỉ chiếm một phần nhỏ số vụ việc được phát hiện và can thiệp. Tình trạng bạo lực giới, bạo lực gia đình chưa thể chấm dứt nếu chưa được áp dụng các quy định pháp luật nghiêm khắc đối với người gây bạo lực", ông Lê Xuân Đồng cho biết.

Đặc biệt, ông Đồng đánh giá cao sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm bằng những cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực của đội ngũ cán bộ địa phương trong việc giải quyết vấn đề bạo lực giới.

"Dự án khó thành công nếu không có những người tiên phong. Sự tiên phong của các anh chị là cảm hứng  cho các cán bộ khác và người dân để dự án hiệu quả hơn", ông Đồng đánh giá. 

Công tác xã hội trong bình đẳng giới - 5

Các hình thức truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới được tổ chức đa dạng, hiệu quả và được đánh giá cao (Ảnh: Hoàng Lam).

Phát biểu tại hội thảo bà Trần Thị Bích Loan - Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao hiệu quả của dự án cũng như các sáng kiến mà dự án triển khai ở các địa phương. Bà Trần Thị Bích Loan cũng hết sức ấn tượng về những con số thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ từ chính nạn nhân cũng như người gây bạo lực.

Trong thời gian tới, để dự án phát huy hiệu quả, theo bà Loan cần tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả làm việc của các nhóm phản ứng nhanh, các cán bộ phụ trách vấn đề này tại địa phương, bố trí nguồn ngân sách địa phương và nhân lực cán bộ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động và cần quan tâm đến việc phát triển kinh tế hộ gia đình song song với việc truyền thông, hỗ trợ giải quyết bạo lực với phụ nữ và trẻ em.