Công nhân cố "cày" lại khó mua nhà xã hội vì lương chạm ngưỡng tính thuế!

Hoài Sơn
Đà nẵng

(Dân trí) - Cử tri Đà Nẵng nêu nghịch lý, khi người lao động nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ thì mức thu nhập có thể chạm đến ngưỡng đóng thuế, khi đó lại không bảo đảm điều kiện được mua nhà ở xã hội.

Ngày 25/8, Bộ Xây dựng vừa có thông tin trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng liên quan dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cử tri kiến nghị, Luật Nhà ở hiện quy định điều kiện để người lao động được mua nhà ở xã hội là không đóng thuế thu nhập cá nhân. Với quy định này, người lao động muốn thuê, mua nhà ở xã hội là rất khó.

Công nhân cố cày lại khó mua nhà xã hội vì lương chạm ngưỡng tính thuế! - 1

Một khu nhà ở xã hội tại TP Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Cử tri cho rằng, giá cả thị trường luôn biến động theo chiều hướng tăng trong quãng thời gian dài, người lao động phải nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ, mức thu nhập nhiều khi sẽ chạm đến con số đóng thuế thu nhập cá nhân, khi đó sẽ không bảo đảm điều kiện được mua nhà ở xã hội. Vì vậy, cử tri đề nghị xem xét, bỏ quy định này.

Bộ Xây dựng cho hay, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội (bao gồm cả hình thức mua, thuê, thuê mua) phải đồng thời đảm bảo 3 điều kiện.

Cụ thể người được đăng ký mua nhà ở xã hội chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu (dưới 10m2/người).

Điều kiện khác là phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội, trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này (trừ học sinh, sinh viên).

Điều kiện thứ 3 là phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Theo Bộ Xây dựng, quy định nêu trên dẫn đến việc xác minh đối tượng, điều kiện... phức tạp, rườm rà, khó khăn cho người dân. Do vậy, hiện tại Chính phủ đang trình Quốc hội khóa XV dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng giảm các điều kiện khi thuê, mua nhà ở xã hội.

Trong đó, quy định nếu thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ phải đáp ứng 2 điều kiện (nhà ở, thu nhập). Trong đó, điều kiện về thu nhập là thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Nếu thuê nhà lưu trú công nhân thì chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp.

Nghiên cứu mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội

Cử tri Đà Nẵng còn kiến nghị  về việc mở rộng đối tượng được tiếp cận, bố trí nhà ở công nhân lao động.

Cụ thể, bổ sung thêm các đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, viên chức (trong đó đặc biệt là giáo viên) và người lao động ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Đối với kiến nghị trên, Bộ Xây dựng trả lời, Luật Nhà ở hiện hành quy định cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp là các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập.

Về việc tiếp cận, bố trí nhà ở cho công nhân lao động theo ý kiến cử tri, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã quy định đối tượng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng công nhân ngoài khu công nghiệp, như ý kiến cử tri TPHCM.

Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của cử tri để tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường nếu thuộc nhóm đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và đáp ứng điều kiện theo quy định đối với nhóm đối tượng này thì được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội.