Cô gái kiệt sức trước vụ cháy 56 người chết, ám ảnh về hành lang khu trọ...

Hoài Nam

(Dân trí) - Nghĩ đến thảm kịch cháy chung cư mini khiến 56 người chết ở Hà Nội, Thùy Dung nhìn ra hành lang rộng vài gang tay chỗ trọ mình đang ở rồi bỗng nhiên òa khoác...

Sáng 14/9, sau một đêm thức trắng, Thùy Dung, 27 tuổi, nhân viên bán thuốc ở quận 3, TPHCM gọi điện xin nghỉ phép. 

Cô gái kiệt sức trước vụ cháy 56 người chết, ám ảnh về hành lang khu trọ... - 1

Các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội được đưa ra khỏi hiện trường lúc rạng sáng 13/9 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Dung bị kiệt sức trước thông tin về vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội. Cô cũng không giải thích được rõ ràng về phản ứng của mình, chỉ biết đó là điều mình đang phải trải qua. 

Cả ngày hôm qua, cô gái bần thần như người mất hồn khi đọc các thông tin về vụ cháy. Đến chiều tối, chút năng lượng còn lại trong cô bị quét sạch trước thông tin 56 người tử vong. 

Suốt đêm, cô gái không tài nào ngủ nổi, chợp mắt rồi lại trở mình thức dậy khi người bạn cùng phòng đã say giấc. 

Dung leo từ gác xép xuống, ngồi lặng giữa căn phòng trọ chưa đến 15m2 có thêm gác mà cô cùng một người bạn thuê ở khu vực đường Phạm Văn Đồng, gần chân cầu Bình Lợi thuộc quận Bình Thạnh. 

Cô gái kiệt sức trước vụ cháy 56 người chết, ám ảnh về hành lang khu trọ... - 2

Hàng lang chỗ khu trọ của Dung thuê (Ảnh: Hoài Nam).

Cô nhìn chăm chăm ra hàng lang tầng 3 khu trọ, hàng lang kéo dài dằng dặc qua nhiều phòng trọ nhưng chiều rộng chỉ vài gang tay. 

Ở đây, mỗi lần muốn qua lại, người này sẽ phải đứng nép sang một bên để người kia bước qua. Hàng lang đó cũng là nơi để đồ đạc của nhiều người, là nơi phơi quần áo, cũng là lối thoát duy nhất từ các phòng. 

Thoát ra đó, rồi làm sao di chuyển, di chuyển đi đâu thì ngay lúc này, chỉ ngồi nghĩ Dung cũng không tìm ra được đáp án. 

Chỗ Dung thuê là dạng phòng trọ mini rất phổ biến hiện nay tại thành phố. Khu trọ của cô gồm 4 tầng, tầng trệt để xe máy, tối nào xe cũng xếp kín cả lối đi. 

Có hôm về trễ, Dung còn phải trèo qua từng yên xe đến chỗ cầu thang bộ để lên phòng. Cầu thang bộ lên xuống đó cũng là lối lên xuống duy nhất cho hàng chục phòng trọ ở đây. 

Vụ cháy xảy ra ở Hà Nội, Dung không quen biết với các nạn nhân nhưng cô thấy mọi thứ như đang diễn ra ngay trước mắt mình, ngay cạnh mình. 

"Nếu xảy ra hỏa hoạn, tôi và rất nhiều người cũng có thể là những nạn nhân xấu số kia, chẳng có lối nào thoát. Rất nhiều người lao động đang sống trong những hộp diêm như vậy", cô gái trẻ thở dài. 

Cô gái kiệt sức trước vụ cháy 56 người chết, ám ảnh về hành lang khu trọ... - 3

Rất nhiều khu trọ mi ni chật chội theo kiểu "không có lối thoát" ở thành phố (Ảnh: Hoài Nam).

Căn phòng Dung thuê với giá hơn 4 triệu đồng/tháng chưa tính điện nước. Với chi phí này, cô không dễ tìm được nơi trọ khác khá khẩm hơn trong khu vực. Chỗ trọ lần trước cô thuê ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức còn kinh khủng hơn nữa khi không có hàng lang, chỉ là lối đi chung cho các phòng trọ được xây theo kiểu úp mặt vào nhau. 

Từ vụ cháy, điều ám ảnh Dung không chỉ là căn phòng trọ không cửa sổ hay hàng lang chật chội nơi mình ở mà còn là nỗi đau trong quá khứ. 

Hơn 10 năm trước, vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra tại cơ sở nệm mút ở Bình Dương làm 7 người trong một gia đình chết cháy là người quen với bố mẹ Dung. 

Ngày hôm đó, Dung theo mẹ đến nhà xác bệnh viện để chờ đợi kết quả nhận dạng, để động viên người thân của nạn nhân. Sự sợ hãi, ám ảnh, đau đớn về hỏa hoạn đã trở thành vết lằn trong ký ức của cô gái.

Nay nghỉ phép ở nhà, Dung muốn dọn lại thật gọn căn phòng của mình, bỏ hết những đồ dùng không cần thiết. Cô cũng dọn đồ đạc linh tinh như thùng rác, chổi, kệ giày dép... mọi người dựng phía ngoài hàng lang.

Không một câu từ, lời lẽ nào có thể nói hết được nỗi đau đớn tận cùng về vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội làm chết 56 người. Khu chung cư đó được xây dựng trên diện tích chỉ hơn 200m2, tòa nhà cao 9 tầng, được chia thành 45 phòng trọ, tầng một là nơi để xe... 

Cô gái kiệt sức trước vụ cháy 56 người chết, ám ảnh về hành lang khu trọ... - 4

Xe máy dựng kín mít tại tầng trệt, cũng là lối thoát duy nhất tại một khu trọ ở quận Bình Thạnh, TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Sự việc đau đớn đó, tính mạng của hàng chục con người một lần nữa phơi bày không gian sống chật chội, bức bí, thiếu an toàn nếu không muốn nói là "không lối thoát" của nhiều gia đình nhỏ, nhiều người lao động, nhiều học sinh sinh viên, nhiều trẻ nhỏ... 

Không chỉ có chung cư mini ở phố Khương Hạ, còn có hàng loạt những khu nhà trọ chật chội, thiếu an toàn ở mức tối thiểu. Ở đó là biết bao nhiêu phận người, với bao nhiêu khát khao, ước mơ...

Khát khao ước mơ đó đi cùng bất an, nguy hiểm có thể thấy rõ trước mắt như cảnh Dung ngồi suốt đêm nhìn ra hành lang trước phòng trọ. 

Khát khao, ước mơ đó có khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng. 

Còn nhớ, trong đợt dịch Covid-19 tại TPHCM, chúng ta chứng kiến làn sóng hàng trăm nghìn người lao động tháo chạy khỏi những căn phòng trọ để về quê. Đó là cảnh những bà mẹ ôm con mới vài ngày tuổi ngồi xe máy cả trăm cây số, có người đạp xe hàng trăm km khi trong túi chỉ có vài ngàn đồng... 

Cô gái kiệt sức trước vụ cháy 56 người chết, ám ảnh về hành lang khu trọ... - 5

Hai người phụ nữ là lao động tự do tại khu trọ chật hẹp, ẩm thấp ở khu Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Khi đó, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thốt lên rằng, nhiều phòng trọ chỉ 10m2 cả chục con người chen chúc sống chung, chia nhau không gian vô cùng ngột ngạt, bức bí... Ở đó, họ chứng kiến F0 được đưa đi rồi không trở về nữa.

An sinh cho người lao động phải bắt đầu ở chỗ ở an toàn không phải là vấn đề bây giờ mới được nhắc đến.