Chồng thất nghiệp, vợ... ăn đòn

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong đêm, Th. ôm con nhỏ 3 tuổi phi xe gần 10 cây số qua nhà bạn. Hai ngày sau, khi vết thâm trên mặt bớt đau, cô đưa con quay về, dù đã liên tục "ăn đòn" sau khi chồng thất nghiệp...

Khó khăn ở nhà, chồng thành... hung thần (!)

Nhắc đến câu chuyện của cô bạn thân cùng tuổi, chị Hoàng Thị Nga, 36 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM vừa giận vừa lo. Dạo gần đây, cứ vài ngày một lần, chị lại nghe Th. nhắn tin, gọi điện về việc vợ chồng cãi vã rồi bị chồng chửi bới, đánh đập... 

Nhiều lần bị tát, đánh nhưng trong mức chịu đựng, Th. vẫn tự an ủi: "Kệ ổng, ổng thất nghiệp, không làm ra tiền nên trở chứng". Khi uất ức quá, Th. cũng chỉ biết gọi điện cho bạn, như thể trút uất ức.

Từ đầu mùa đầu dịch đến nay, Th. hai lần ôm con qua nhà chị Nga "tạm lánh" sau những trận đòn để lại vết tích trên người, lần nào cũng quyết tâm: "Bỏ thôi Nga ơi, chịu không nổi nữa rồi!". Lần gần đây nhất, gò má cô sưng phù, có một đường cắt trên mí khi anh chồng xô đập vào cửa kính, tai bị chảy máu nhẹ.

Nga bàn với bạn tìm phương án nhưng cũng như bao lần quyết tâm "bỏ thôi", hai ngày sau, khi vết thương bớt đau, Th. đưa con quay về...

Chồng thất nghiệp, vợ... ăn đòn - 1

Một vụ bạo hành gia đình tại Hà Nội (Ảnh minh họa cắt từ clip).

Chị Nga kể, chồng Th. lái taxi cho một hãng có tiếng. Gia đình đã lục đục từ lâu, hai năm nay công việc của anh này khó khăn, quan hệ vợ chồng càng căng thẳng. Đến đầu năm nay, anh chồng mất việc, lâu lâu chạy vài xe ôm công nghệ để kiếm tiền... 

Chồng thất nghiệp, vợ... ăn đòn, khó khăn về kinh tế kéo theo việc gia đình Th. thêm lục đục. Ban đầu thì động đến tiền là có chuyện, giờ bất cứ việc gì cũng có thể trở thành "ngọn lửa" cho sự xung đột và chỉ tạm kết thúc bằng cảnh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" của anh chồng. 

Th. gọi điện cho chị Nga  ngày càng dày đặc hơn để than thở, kể lể về việc bị chồng bạo hành. "Th. giấu không cho ai biết. Ngay cả tôi là người bạn thân nhất nhưng có vẻ như cô ấy cũng chỉ kể một phần nào, sợ tôi la", chị Nga nói. 

Trường hợp khác, may mắn, cả hai vợ chồng đều có thể duy trì việc làm tại nhà nhưng chị Trần Thị A., ở Thủ Đức, TPHCM cho biết, gia đình vốn được xem là hạnh phúc của mình đang đứng bên bờ vực đổ vỡ.

Nhiều tháng liền, 24/24 vợ chồng quay ra quay vào đụng mặt nhau, lại còn phải xoay xở đủ thứ việc nhà, con cái, họ xung đột, cãi vã liên tục. Chỉ cần chuyện xếp lại chăn gối, cho con ăn cũng có thể châm ngòi cho những trận cãi vã. Chồng chị A. như biến thành hung thần, nhiều lần chửi bới vợ con với những ngôn từ khủng khiếp hoặc "ra đòn" với vợ. Cả hai càng ức chế, chán ghét nhau. 

Đầu tháng 10, khi thành phố nới lỏng, chồng chị đã về nhà bố mẹ ở Củ Chi để mặc chị xoay xở với hai con. Vợ chồng giống như đang trong tình trạng ly thân.

Vợ chồng "nhàu nhĩ" vì dịch bệnh

Trong hàng loạt chương trình tư vấn tâm lý online mùa dịch, các chuyên gia tâm lý đều cảnh báo, nguy cơ bạo hành gia đình tăng cao vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Phụ nữ và trẻ em là những người chịu nhiều tổn thương nhất. 

Vấn đề này xuất phát từ việc mỗi người ít nhiều đều bị ảnh hưởng kéo theo rối loạn về sức khỏe tâm thần. Tình trạng giãn cách xã hội, vợ chồng phải tiếp xúc với nhau suốt ngày trong không gian chật hẹp, bức bí... kéo theo nguy cơ bạo hành gia đình.  

Chồng thất nghiệp, vợ... ăn đòn - 2

Khó khăn kinh tế, ảnh hưởng tâm lý vì dịch bệnh, giãn cách... gia tăng nguy cơ phụ nữ bị bạo hành gia đình (Ảnh minh họa).

"Công an ơi, hãy đến bắt chồng tôi ngay đi", Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ) nói về tâm trạng của nhiều người vợ với giọng hài hước nhưng thể hiện phần nào "bức tranh gia đình" giữa đại dịch.

Bà chia sẻ, thất nghiệp, lo lắng về dịch bệnh, khó khăn về tiền bạc, ngột ngạt, mất ngủ... nhiều người dễ cáu gắt, mất kiểm soát, thậm chí trở nên nhỏ nhen, chấp nhặt trong hành xử. 

Điều này có thể khiến một anh chồng vốn ga lăng trở nên cộc cằn, thô lỗ, bê tha; một người vợ năng động, sạch sẽ, ngọt ngào thành nhàu nhĩ, lếch thếch, cáu bẳn... Họ có thể quay sang chán ghét nhau, dẫn đến các nguy cơ "không bình yên" ngay trong gia đình - nơi tưởng được xem là an toàn nhất trong dịch bệnh. 

Theo bác sĩ Lan Hải, lúc này dường như ai cũng thấy bản thân quá vất vả mà không được người trong nhà san sẻ, động viên. Dịch bệnh làm con người bộc lộ "phiên bản yếu đuối nhất" của mình nhưng lại kỳ vọng, đòi hỏi người bên cạnh phải vững vàng, tế nhị, dễ thương... để rồi thất vọng, lại càng bất mãn. 

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2021 của Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ảnh hưởng từ dịch bệnh, việc phải ở nhà thường xuyên gây áp lực về việc nhà, chăm sóc cha mẹ, con cái cho phụ nữ. 

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc vào tháng 5/2020, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng và số lượng phụ nữ và trẻ em tìm kiếm chỗ tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng xung đột trong hôn nhân cũng tăng lên đáng kể từ khi đại dịch bùng phát.