Chiến dịch thanh tra: Cách làm mới của thanh tra lao động Việt Nam

(Dân trí) - Từ năm 2015 đến nay, mô hình chiến dịch thanh tra lao động đã trở thành hoạt động nâng cao tính tuân thủ trong nhiều ngành: Dệt may, xây dựng, điện tử, khai thác khoáng sản và chế biến gỗ.

Trước năm 2015, khi nhắc đến thanh tra lao động, người ta nghĩ ngay tới hình ảnh các đoàn thanh tra đến làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, trong khuôn khổ bài báo này tác giả xin được gọi là thanh tra theo cách truyền thống. Đoàn thanh tra được tổ chức từ 2 đến 3 thanh tra viên, kiểm tra hồ sơ, tài liệu và điều kiện làm việc tại doanh nghiệp từ 1 - 2 ngày.

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Cách làm này hiệu quả, tuy nhiên với số lượng thanh tra lao động toàn quốc xấp xỉ 400 người so với tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc được thống kê là hơn 700.000 doanh nghiệp, nếu mỗi doanh nghiệp được thanh tra trong 01 ngày thì cần khoảng 50 năm để 1 doanh nghiệp được quay lại thanh tra lần thứ hai, chưa kể đến số lượng doanh nghiệp không ngừng tăng lên trong khi số lượng thanh tra viên có chiều hướng giảm do ảnh hưởng của chính sách tinh giản biên chế”.

Chiến dịch thanh tra: Cách làm mới của thanh tra lao động Việt Nam - 1
Lễ phát động Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực chế biến gỗ năm 2019

Vấn đề được đặt ra là với nguồn nhân lực, vật lực hạn chế, làm thế nào để tăng cường tính tuân thủ pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ lao động?

Từ những trăn trở đó, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mạnh dạn báo cáo Bộ trưởng cho phép triển khai hoạt động thanh tra theo một cách hoàn toàn mới, đó là thực hiện chiến dịch thanh tra lao động tập trung tăng cường tính tuân thủ trong một ngành cụ thể.

Theo cách thức này, Bộ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát động Chiến dịch Thanh tra lao động trong những lĩnh vực khác nhau, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và yêu cầu về đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động trên toàn quốc với 03 mục tiêu cơ bản:

Nâng cao nhận thức và tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động và của toàn xã hội, qua đó, cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc.

Tăng cường hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đặc thù nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Nâng cao năng lực cho thanh tra viên lao động các cấp về phương pháp tiếp cận phòng ngừa trong thanh tra và kỹ năng tư vấn, hướng dẫn và kỹ năng thanh tra.

Triển khai Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực may mặc năm 2015, lĩnh vực xây dựng năm 2016, lĩnh vực điện tử năm 2017, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng năm 2018 và năm 2019 triển khai Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực chế biến gỗ đã đạt được những kết quả cụ thể:

Ngành may mặc tạo được uy tín trên thị trường thế giới do sản phẩm không sử dụng lao động chưa thành niên, chấp hành tốt pháp luật lao động, thị trường liên tục được mở rộng. Tai nạn lao động trong ngành xây dựng giảm rõ rệt: từ chiếm khoảng 35,2% đến 37% số vụ tai nạn lao động chết người năm 2015 về trước, qua chiến dịch thanh tra năm 2016, ngay lập tức kéo giảm số vụ tai nạn lao động chết người xuống 23,8% và từ năm 2017 đến nay tỷ lệ này chỉ còn 15%.

Tương tự, một số ngành kinh tế khác cũng được hưởng lợi thông qua chiến dịch thanh tra: các ngành xuất khẩu ngày càng tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới, mở được các thị trường mới, tai nạn lao động giảm, các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo.

Đặc biệt, chiến dịch thanh tra phát huy được tính ưu việt của cơ quan truyền thông, khuyến cáo các sai phạm thường gặp trong từng lĩnh vực để người sử dụng lao động và người lao động chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong quản lý của 3 bên trở lên nhịp nhàng hơn, uyển chuyển hơn, tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” từng diễn ra trước đây.

Có thể thấy, chiến dịch thanh tra lao động hàng năm đã góp phần không nhỏ đến việc cải thiện tuân thủ tại doanh nghiệp, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động đồng thời tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tăng độ “sạch” của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Thế giới, cần được phát huy.