Chật vật vì lương thấp, nữ công nhân phải "vay nóng" cầm cự chờ tăng lương

Xuân Trường

(Dân trí) - Tiền lương thấp, không được tăng ca, thu nhập không đủ chi tiêu sinh hoạt nên hàng tháng chị Hương phải đi "vay nóng" mới đủ tiền bám trụ lại thành phố đắt đỏ.

Lương thấp, không tăng ca dẫn tới thiếu thốn nên hàng tháng  thường xuyên "vay nóng" để có tiền chi tiêu, gắng gượng bám trụ lại thành phố.

"Cầm đồng lương chưa "nóng" tay thì đã hết vì đủ khoản phải chi tiêu. Để có tiền trang trải, tôi chỉ còn cách... đi vay, giật chỗ này đắp chỗ kia", chị Nguyễn Thị Hương (40 tuổi, công nhân may mặc) ngậm ngùi.

Chị Hương hiện làm tại nhà máy trên địa bàn quận Bình Tân, với mức lương 6 triệu/tháng.

Chật vật vì lương thấp, nữ công nhân phải vay nóng cầm cự chờ tăng lương - 1

Lương thấp, nữ công nhân mong được tăng lương và tăng ca (Ảnh: Xuân Trường).

Mỗi tháng chị phải dành 1,5 triệu đồng để đóng tiền nhà, điện, nước và gửi về quê 4 triệu đồng để lo tiền học cho con, tiền thuốc men cho bố mẹ. Khoản lương 6 triệu, như vậy chỉ còn 500.000 đồng, mỗi ngày nữ công nhân phải tằn tiện chi tiêu cả ăn uống, xăng xe... gói gọn trong 50.000 đồng.

Thu nhập eo hẹp trong khi vật giá ngày càng tăng nên cứ ngày 10-15 hàng tháng chị phải "vay nóng" 3 triệu đồng để chi trả các khoản sinh hoạt phí.

Thậm chí, khi đau ốm chị không dám đi khám mà chỉ tự mua một số loại thuốc phổ biến về uống rồi ở nằm trong phòng mong cơn bệnh qua đi.

"Lương thấp nên công nhân như tôi rất mong sớm được tăng lương cơ bản và được tăng ca nhiều để không phải lâm cảnh khó khăn, nợ nần như hiện tại", chị Hương thở dài.

Trong cảnh tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bắc (công nhân tại quận Bình Tân, TPHCM), chưa bao giờ phải đối diện với khó khăn như thời gian gần đây. 

"Những năm trước tôi đi làm ngoài lương còn có thêm tiền tăng ca. Đợt này ít việc, không tăng ca nên tổng lương, phụ cấp chỉ 6-8 triệu/tháng", anh Bắc chia sẻ.

công nhân -edited.jpeg

Cuộc sống khó khăn, công nhân như anh Bắc từng ngày mong ngóng được tăng lương, tăng ca (Ảnh: Xuân Trường).

Đồng lương eo hẹp, không đủ chi tiêu, vợ chồng anh Bắc đành gửi 2 con về quê nhờ ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng.

"Mỗi tháng, tiền phòng, điện nước đã hơn 2 triệu đồng, chưa kể ăn uống, chi tiêu, dành dụm gửi về quê lo cho con và bố mẹ già, chẳng còn dư ra đồng nào. Cuối tháng hết tiền, vợ chồng tôi ăn cơm ít hơn ăn mì tôm", anh Bắc kể.

Vật lộn với cảnh "thiếu trước, hụt sau" đã hơn nửa năm, vợ chồng anh Bắc dự định về quê nhưng nghe bạn bè thông tin từ tháng 7 năm nay sẽ tăng lương nên lại cố gắng cầm cự, bám trụ lại.

"Chúng tôi khấp khởi mong đợi ngày được tăng lương, dù mức tăng không nhiều nhưng cũng phần nào giúp cuộc sống đỡ chật vật", anh Bắc nói.

Không chỉ chị Hương, anh Bắc mà hiện tại, công nhân lao động nói chung đều trong cảnh cố gắng bám trụ lại thành phố đắt đỏ với hy vọng tình hình sáng sủa hơn, việc nhiều, được tăng ca liên tục và sớm được tăng lương tối thiểu vùng.

Anh Nguyễn Thế Hiệp - Giám đốc một công ty may mặc ở TP Thủ Đức - xác nhận, đời sống công nhân hiện tại rất khó khăn do vật giá leo thang. Người lao động hầu hết trông chờ được tăng ca và tăng lương kịp thời để cải thiện phần nào đời sống.

"Mặc dù mức tăng lương được chốt là 6% chưa bảo đảm cho nhu cầu tối thiểu của người lao động, nhưng cũng phần nào hỗ trợ các gia đình công nhân. Để giữ chân người lao động, từ đầu năm công ty chúng tôi đã chủ động tăng lương thay vì chờ đến thời điểm 1/7", anh Hiệp thông tin.

Đầu năm 2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã gửi Chính phủ đề xuất phương án lương tối thiểu năm 2024. Theo đó, mức lương tối thiểu theo tháng sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7/2024, tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.

Mức lương tối thiểu vùng mới sẽ được xác lập là: vùng I 4.960.000 đồng/tháng; vùng II 4.410.000 đồng/tháng; vùng III 3.860.000 đồng/tháng; vùng IV 3.450.000 đồng/tháng.

Cùng với tăng lương tối thiểu theo tháng, mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%.

Cụ thể, vùng I lên mức 23.800 đồng; vùng II lên 21.200 đồng; vùng III là 18.600 đồng; vùng IV là 16.600 đồng.