Cậu bé Phú Yên định đạp xe 400 cây số và nỗi đau "thùng phi nhớ mẹ"

Hoài Nam

(Dân trí) - Việc cậu bé 10 tuổi ở Phú Yên định đạp xe 400 cây số vào Bình Dương gặp mẹ những ngày qua một lần nữa khơi lên vấn đề với những đứa trẻ phải xa bố mẹ, sớm tự lập khi đấng sinh thành dứt áo đi làm xa.

Những ngày qua, hình ảnh cậu bé 10 tuổi ở Phú Yên đạp xe định vào Bình Dương gặp mẹ làm nhiều trái tim quặn thắt. 

Cậu bé Phú Yên định đạp xe 400 cây số và nỗi đau thùng phi nhớ mẹ - 1

Cậu bé ở Phú Yên được tìm thấy và đưa trở về nhà khi đạp xe, định vào Bình Dương thăm mẹ (Ảnh: CACC).

Mẹ không về Tết, đứa bé 10 tuổi ấy từng nói với bà ngoại về nỗi nhớ mẹ. Khao khát được gặp mẹ, cháu bé âm thầm đạp xe từ Phú Yên vào Bình Dương dù không biết rõ đường sá thế nào. Cháu được phát hiện và đưa trở về khi đang đạp xe trên quốc lộ 29, cách nhà khoảng 10 cây số.

Như đứa trẻ ấy, những đứa con đã, đang trải qua hoàn cảnh nhớ mẹ khó lý giải nổi những khát khao, thôi thúc trong mình.

Gần 30 năm vẫn ám ảnh... "thùng phi nhớ mẹ"

Chị Lê Ngọc H., 38 tuổi, ở TPHCM, òa khóc khi đọc thông tin, nhìn hình ảnh chiếc xe đạp của cậu bé ở Phú Yên định lặn lội vào Bình Dương, cách nhà 400 cây số, để gặp mẹ. Bởi chị thấy chính mình ở trong đó...

Năm học lớp 4, khi mới 10 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị được bố mẹ gửi đến nhà người bà con cách hơn 100 cây số.

Mẹ đưa chị đến đó rồi chào tạm biệt, ra về. Đứa bé năm ấy tỏ ra cứng rắn: "Con không sao đâu, mẹ về đi!".

Nhưng khi bóng mẹ khuất trên con đường làng, H. chạy ra sau nhà người dì, òa khóc. Sợ mọi người nhìn thấy, H. chui tọt vào chiếc thùng phi mở nắp rồi cứ bó gối ngồi trong đó khóc cho đến tối...

Cậu bé Phú Yên định đạp xe 400 cây số và nỗi đau thùng phi nhớ mẹ - 2

Chiếc xe đạp cháu bé ở Phú Yên định dùng làm phương tiện để vào Bình Dương tìm mẹ (Ảnh: CACC).

Vài tháng hoặc nửa năm, mẹ mới ghé thăm H. một lần. Nhiều lần mẹ hẹn, sắp đón con về nhưng rồi tháng này qua tháng khác, năm này tới năm khác, cô bé H. chờ mãi...

Chị H. nói, không có một từ ngữ nào chị từng được học, từng được nghe đến có thể diễn tả nổi nỗi lòng của đứa con nhớ mẹ. Mỗi lần nhớ mẹ, H. lại chui tọt vào chiếc thùng phi để khóc, để vỗ về chính mình...

Nhiều lần, H. mượn xe của dì đạp 10-15 cây số ra đường quốc lộ hướng về nhà mình. H. không lý giải được tại sao lại muốn ra đường quốc lộ dù biết rõ mình không thể về, có thể chỉ để được nhìn về phía nhà mình, được gần mẹ thêm một chút.

Sau 5 năm, khi đang học lớp 9, H. được bố mẹ đón về nhưng với tuổi dậy thì nổi loạn của mình, dù nhớ mong, dù thèm khát, với cô, tình cảm mẹ con đã có khoảng cách khó có thể lấp đầy lại.

Nhắc lại nỗi nhớ mẹ ngày đó, H. nói: "Đến bây giờ, cứ đi đâu vô tình thấy chiếc thùng phi là tôi lạnh xương sống và nôn ói".

Cũng bởi ký ức tuổi thơ đó, H. ám ảnh, sợ hãi về cảnh chia tay, chia ly. Mỗi lần bố mẹ hay người thân vào chơi, đến ngày tạm biệt ra về là cô bật khóc, rồi sau đó rơi vào những ngày trầm cảm.

Bây giờ, thấy ai đó gửi con cho ông bà hay người thân chăm sóc là chị H. có thái độ, phản ứng rất gay gắt. Chị nói như cầu xin: "Đứa con được quyền sống với bố mẹ, đặc biệt là người mẹ, dù là trong cảnh khó khăn, thiếu thốn". 

Mất mát khó hàn gắn 

Trong quá trình chữa lành cho bản thân, chị M.T., 45 tuổi, ở TPHCM nhận thấy sự mất mát đặc biệt của mình đến từ việc phải sống xa mẹ hồi nhỏ. Khi chị được 3 tuổi, mẹ gửi chị về ông bà ngoại để đi làm xa nhà, cuối tuần mẹ mới về, còn bố đã làm việc xa từ trước.

Mỗi chiều thứ bảy, đứa bé 3 tuổi lại ra ngã tư đường từ sớm để chờ mẹ đạp xe về. Mỗi khi nhìn thấy mẹ, cô bé mừng lắm, hai má đỏ bừng vừa mừng vừa tủi. Đến khi 5 tuổi, cô bé mới được sống cùng mẹ, sau đó bố cô cũng chuyển công tác về gần.

Gần chục năm trước, chị T. vẫn nghĩ sự thiệt thòi lớn nhất của mình là phải sống xa mẹ lúc nhỏ, không được mẹ âu yếm, vỗ về, an ủi hàng ngày. Chị cũng nghĩ một vài nét tính cách của mình như nhút nhát, hay xấu hổ, sợ sệt, ngại tiếp xúc với những người khác, nhất là người lạ… là do không được sống gần mẹ khi còn bé.

Cậu bé Phú Yên định đạp xe 400 cây số và nỗi đau thùng phi nhớ mẹ - 3

Con trẻ cần được ưu tiên đảm bảo quyền được sống cùng bố mẹ (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Chị cũng từng lên tiếng trách móc mẹ vì đã không để con gái được sống gần mẹ lúc nhỏ, cho rằng mình không may mắn. 

Mất hàng chục năm để chữa lành cho ký ức xa mẹ, giờ đây chị T. mới nói được rằng "nỗi đau đã nguôi ngoai".

Hết Tết, người lao động từ các tỉnh thành quay lại khu công nghiệp hoặc ra nước ngoài xuất khẩu lao động để lại phía sau những đứa con gửi lại cho ông bà, người thân

Sau lần tạm biệt, không chỉ vài tháng, có khi cha mẹ con cái xa nhau cả năm, vài năm ròng khi bố mẹ không có điều kiện về Tết như bà mẹ của cháu bé ở Phú Yên nói trên. Không ít trường hợp, ngày bố mẹ đi, con còn bé tý, khi về con đã lớn tướng, với đủ thương tổn.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh xa cách, tuổi thơ thiếu vắng cha mẹ phải chịu nhiều tổn thương về tâm lý, tình cảm và có thể gánh chịu nhiều hậu quả trong tương lai.

Rồi mỗi hè, cảnh những đứa trẻ mới 5-7 tuổi được gửi theo các chuyến xe vào Nam để có được tháng hè đoàn tụ với bố mẹ công nhân, đi nghỉ hè trong những căn phòng trọ chật chội... cũng khiến bao người cay khóe mắt.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân, chuyên gia tâm lý ở TPHCM bày tỏ, trong hoàn cảnh phải xa con mưu sinh, bố mẹ cần tạo sự kết nối, liên lạc, trao đổi, chia sẻ thường xuyên với con. Ngoài ra, bố mẹ cần có kế hoạch về thời gian đoàn tụ, cho con biết sẽ xa nhau trong bao lâu, kế hoạch sum vầy để trẻ có điểm tựa.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh, trừ trường hợp bất đắc dĩ, chúng ta cần ưu tiên việc con được sống cùng bố mẹ lên hàng đầu. Tránh trường hợp gửi con đi kiếm tiền, khi quay về... đã mất con theo cách này hay cách khác.

"Trong quá trình làm công tác tư vấn, tôi gặp nhiều trường hợp con trẻ gặp vấn đề như mang thai sớm, sa vào tệ nạn xã hội, trầm cảm, tự vẫn... có hoàn cảnh không sống cùng cha mẹ mà ở với người quen, thiếu sự quan tâm, chia sẻ", ông Tuân cho hay.