Cần mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội để tránh... xây xong "ế"

Lê Hoa

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐVN làm chủ đầu tư để hạn chế việc đầu tư xong không bán được.

Chưa bao quát hết các đối tượng

Thảo luận tổ về dự án Luật nhà ở sửa đổi sáng 5/6, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 73 của dự thảo Luật quy định "công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp" là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn các tỉnh, bên cạnh các khu công nghiệp, còn có khu kinh tế và có rất nhiều các cụm công nghiệp đang thu hút số lượng lớn công nhân lao động. Do vậy, theo đại biểu này, nếu chỉ ưu tiên công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp là chưa bao quát hết các đối tượng khó khăn.

Cần mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội để tránh... xây xong ế - 1

Đại biểu Võ Mạnh Sơn.

Bên cạnh đó, có một số lực lượng công nhân lao động chất lượng cao, được hưởng mức lương, thu nhập cao. Họ có đủ điều kiện để chăm lo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Vì vậy, đối tượng này chưa nhất thiết phải thực hiện chính sách hỗ trợ.

Để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị sửa khoản này như sau: "Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân".

Bên cạnh đó, đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất với việc dự thảo quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Từ đó, để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể có vai trò quan trọng.

Việc chăm lo nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

Do vậy, nguồn lực để thực hiện đầu tư cần có sự chung tay của cả nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách Công đoàn và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, dự thảo cần làm rõ thêm về trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ kinh phí, trách nhiệm của Công đoàn là chủ đầu tư... để khi Luật được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống.

Đại biểu lo nhà ở xã hội bị "ế"

Cần mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội để tránh... xây xong ế - 2

Đại biểu Mai Văn Hải.

Về quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần làm rõ nguồn vốn đầu tư nhà ở. Bên cạnh đó, sau khi được đầu tư, đơn vị này sẽ bán và cho thuê. Đồng thời, nên mở rộng hình thức cho thuê, sẽ phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.

Theo đại biểu Mai Văn Hải, trong quy định đang bó hẹp đầu tư của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi chỉ cho đoàn viên, công đoàn trong khu công nghiệp, chế xuất thuê, mua.

"Nên mở rộng đối tượng gia đình chính sách, người thu nhập thấp, nghèo, cận nghèo tiếp cận. Điều này sẽ hạn chế việc đầu tư xong "ế", không bán được", đại biểu Mai Văn Hải nói.

Về thời hạn thanh toán tiền thuê, mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cân nhắc thời hạn này.

Bởi đối tượng được thuê nhà ở xã hội của dự thảo Luật cơ bản là những đối tượng nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn... Việc quy định thời hạn tối thiểu là 5 năm sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội thay đổi nơi ở, quyền tự do cư trú của những đối tượng này.

Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị, nếu những đối tượng không còn nhu cầu, khả năng thuê mua nhà ở xã hội thì nên tạo điều kiện để họ có thể chấm dứt hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư.

Người thuê mua có thể chịu hình thức phạt hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khác cũng thuộc nhóm quy định được thuê mua lại nhà ở xã hội đó.

"Thực tế cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trong cộng đồng là rất lớn. Nếu không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện để đáp ứng thì vẫn luôn có những người khác "lấp chỗ trống"", nữ đại biểu nói.