Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành lời hứa sẽ giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí

Hoa Lê
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kiến nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi đã được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Bộ trưởng giải đáp những vấn đề quan trọng

Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ 4 nội dung được đại biểu Quốc hội nêu.

Đầu tiên, về việc xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện, độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội là 80 tuổi, được quy định tại Luật Người cao tuổi. Sau khi cử tri, đại biểu nêu ý kiến, Bộ đã ghi nhận nhưng do đây là vấn đề được luật quy định nên cần phải thận trọng thực hiện. 

"Trong lúc chưa sửa Luật Người cao tuổi, chúng tôi đã chủ động báo cáo với Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chuyển nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và đưa vào tầng bảo hiểm hưu trí xã hội. Hiện, dự luật này đang được Quốc hội bàn thảo và chúng tôi hoàn thành lời hứa", Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH hoàn thành lời hứa sẽ giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Ảnh: Minh Châu).

Thứ hai, về chính sách nhà ở với người có công, hộ nghèo, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho hay, ở giai đoạn 1, đã triển khai hỗ trợ 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên gần 500.000 căn.

Sau khi thực hiện đầy đủ giai đoạn 1, ở giai đoạn 2, Quốc hội, Chính phủ cho phép triển khai đề án, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề xuất vấn đề này. Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các Bộ sẽ tích cực phối hợp triển khai để người có công sớm an cư lạc nghiệp. 

Trong chương trình giảm nghèo đa chiều, đã bố trí 4.000 tỷ đồng để giải quyết hơn 100.000 nhà ở cho người nghèo thuộc 74 huyện nghèo.

Lý giải về việc triển khai chậm chương trình này, Bộ trưởng cho biết, đầu năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất các phương án triển khai. Vì vậy, thực tế từ năm nay, mới bắt đầu phân bổ được vốn để triển khai hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.

Do được hỗ trợ vốn trực tiếp, Bộ trưởng tin rằng trong nhiệm kỳ này, việc xây dựng 100.000 căn nhà cho người nghèo sẽ được thực hiện. 

Về 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trên khắp cả nước, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và thống nhất giao Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua cả nước "Chung tay cùng người nghèo để xóa nhà tạm".

Cùng với đó, Trung ương cũng thống nhất từ nay đến năm 2030 triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, lao động. Đến năm 2030, người dân sẽ được xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát.

Trăn trở những trường hợp bị mất hồ sơ để công nhận liệt sĩ

Thứ ba, về tồn đọng hồ sơ người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, từ năm 2018, Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề này và Chính phủ có 3 Nghị quyết chuyên đề, giao cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định cá biệt để tập trung giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng.

Trải qua 7 năm, Bộ đã rà soát hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng qua tất cả các thời kì ở các địa phương, Bộ, ngành.

Từ số lượng hồ sơ tồn đọng trên, đã xác nhận hơn 2.600 trường hợp liệt sĩ, chủ yếu trong kháng chiến chống Pháp. Người hi sinh lâu năm nhất là 93 năm (trường hợp liệt sĩ Phạm Khánh, SN 1869, quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hi sinh năm 1930 trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - PV) đã được xác nhận liệt sĩ, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao bằng Tổ quốc ghi công năm 2022. Bên cạnh đó, cũng xác định hơn 2.500 hồ sơ là thương binh và người hưởng chính sách thương binh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận vẫn còn tồn đọng một số hồ sơ người có công chưa được giải quyết, nhưng đó là những trường hợp có tính chất cá biệt như hồ sơ, người làm chứng không còn. Bộ đã cùng các ngành thành lập hội đồng để xem xét từng trường hợp.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH hoàn thành lời hứa sẽ giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí - 2

Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ các nội dung được đại biểu Quốc hội nêu (Ảnh: Minh Châu).

Bộ trưởng nêu ví dụ, trường hợp liệt sĩ Đặng Thành Tuấn (Bình Định) không còn hồ sơ, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng với các cơ quan của tỉnh Bình Định tiến hành rà soát lại gần 1 năm mới có thể xác nhận là liệt sĩ.  

"Những trường hợp này, Bộ sẽ phối hợp với địa phương, công an, quân đội và các ngành với phương châm còn một manh mối nào thì vẫn xác nhận. Tuy nhiên, việc xác nhận này vô cùng khó khăn bởi hồ sơ, người làm chứng không còn", Bộ trưởng trăn trở.

Thứ tư, về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH triển khai các phương án khác nhau.

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các ngành với chức năng và nhiệm vụ được giao cụ thể ở "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em" sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.

Liệt sĩ được ghi công sau khi hi sinh hơn 90 năm

Năm 1930, dù đã 61 tuổi nhưng cụ Phạm Khánh vẫn xung phong tham gia đội Tự vệ đỏ, bảo vệ người dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, tham gia biểu tình chống thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuộc biểu tình bị thực dân Pháp đàn áp. Sau đó, cụ Phạm Khánh bị bắt rồi đày đi biệt tích. Gia đình mất liên lạc với cụ từ đó.

Ròng rã suốt nhiều năm qua, gia đình đã cất công tìm kiếm thông tin về quá trình hoạt động cách mạng và hi sinh của cụ Phạm Khánh nhưng không có kết quả.

Đến năm 2020, gia đình nhận được thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH về trường hợp hi sinh của người hoạt động cách mạng có tên Phạm Khánh. Nguồn thông tin thể hiện, có một tập tài liệu bằng tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an cho thấy cụ Phạm Khánh bị giặc bắt giam và đưa vào nhà lao Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, có số tù 749.

Tại đây, cụ bị địch tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin gì. Bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt cùng với những trận đòn tra tấn của kẻ thù, ngày 27/9/1931, cụ Phạm Khánh đã hi sinh trong nhà lao.

Từ nguồn thông tin quý báu cùng với sự hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, gia đình đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cụ Phạm Khánh, hoàn thành việc cấp bằng Tổ quốc ghi công với gia đình đúng dịp kỷ niệm 75 Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2022).