Bộ trưởng bảo lãnh để cán bộ làm việc, miễn là "tiền không vào túi riêng"

Nguyễn Sơn

(Dân trí) - Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đốc thúc các địa phương giải ngân nhanh tiền giảm nghèo. Ông nêu rõ, 120.000 tỷ đồng hỗ trợ đợt Covid-19 còn làm được, miễn là cán bộ không đút tiền vào túi riêng…

Những thay đổi "khó tưởng tượng được"

Bộ trưởng bảo lãnh để cán bộ làm việc, miễn là tiền không vào túi riêng - 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Kết luận hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tổ chức tại Lào Cai sáng 17/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá các báo cáo, tham luận của đại biểu rất sâu sắc. Những ý kiến này sẽ được Bộ tổng hợp, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đây là cơ sở để trình Chính phủ trong việc sửa đổi, đề xuất Quốc hội trong việc ban hành nghị quyết thí điểm giao quyền để địa phương thực hiện chính sách một cách linh hoạt, hiệu quả.

Khái quát về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh hai giai đoạn để thấy sự thay đổi tích cực. Cụ thể, trước năm 2016, giảm nghèo tập trung vào vấn đề cải thiện thu nhập.

Sau đó, các tiêu chí được đề ra thêm từ năm 2016 và đến nhiệm kỳ này (từ năm 2021), mục tiêu giảm nghèo nâng lên một bước, không chỉ hướng tới việc nâng cao thu nhập của các hộ nghèo mà còn cải thiện cả các mặt thiếu hụt khác về xã hội, không giảm nghèo đơn thuần mà giảm nghèo đa chiều, theo yêu cầu cao hơn. Trong đó yếu tố bao trùm, bền vững được đặt lên hàng đầu.

"Nhìn chung, 2 nhiệm kỳ liên tiếp, yêu cầu đề ra với công tác giảm nghèo rất cao mà khó nhất là sự thay đổi tư duy, chuyển sang giai đoạn thoát nghèo bền vững. Thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững còn khó khăn hơn", Bộ trưởng nhận định.

Khó hơn vì những nơi thuận lợi, có khả năng thoát nghèo sớm đã cơ bản giải quyết được, phần còn lại là những vùng lõi nghèo. Đó là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa - những nơi có điều kiện khó khăn toàn diện, cả về lao động, về kinh tế, vốn, tư duy.

Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khách quan mà nói, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng 3 năm qua, kết quả giảm nghèo đạt được rất lớn.

"Với công tác giảm nghèo, bằng tất cả sự khiêm tốn, có thể nói Việt Nam đã đạt kết quả rất tốt, đáng được ghi nhận. Từ một nước đói nghèo, phải lo cái ăn, nay Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hướng đến cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Thực tế, Liên hợp quốc đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong công tác giảm nghèo", Bộ trưởng nhận định, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự là một cuộc cách mạng của toàn xã hội.

Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thư ký Liên hợp quốc còn bày tỏ, muốn chọn Việt Nam làm quốc gia tiên phong trong việc phát triển chính sách an sinh xã hội và xây dựng cơ chế việc làm thỏa đáng.  

Bộ trưởng bảo lãnh để cán bộ làm việc, miễn là tiền không vào túi riêng - 2

Trẻ em vùng cao Lào Cai trong chuyến đi thực địa của Bộ trưởng LĐ-TB&XH (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Những thay đổi trong 2 nhiệm kỳ qua, theo Bộ trưởng, là "khó tưởng tượng được", là kết quả những nỗ lực từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu rõ, hiện tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam ở diện thấp. Ông dẫn những con số chứng minh.

Thời điểm 10-15 năm trước, giai đoạn 2007-2008, khi làm Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, ông đi Lào Cai, đến huyện Bát Xát, được báo cáo đến 80-90% số hộ dân thuộc diện nghèo. Nay trở lại Bát Xát, thu nhập trung bình của người dân đều đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Nỗi buồn của Bộ trưởng

Dù vậy, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, xét về tiêu chí giảm nghèo bền vững thì còn nhiều vấn đề để nói. Kết quả giảm nghèo nói chung nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà, thậm chí là mất một vài con bò.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, chương trình giảm nghèo giai đoạn này đã bước sang năm thứ 3 nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào nhà nước còn phổ biến, cấp trên thúc làm mà cấp dưới chần chừ, e sợ.

Bộ trưởng bảo lãnh để cán bộ làm việc, miễn là tiền không vào túi riêng - 3

Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định, chậm giải ngân thực hiện chính sách là do cán bộ chứ không phải do người dân (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Phê phán tâm lý né tránh, thiếu trách nhiệm này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kể, khi giải ngân 120.000 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ 68 triệu lượt người trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thời gian đầu nhiều địa phương triển khai chính sách rất chậm. Khi đó, lãnh đạo Bộ phải xuống tận cơ sở đốc thúc.

Bộ trưởng đứng ra bảo lãnh để cán bộ mạnh dạn, quyết đoán trong thực hiện, "miễn đừng đưa tiền vào túi riêng". Nhờ nguyên lý đó, gói hỗ trợ lớn chưa từng có tiền lệ khi giải ngân chỉ phát hiện 2 cán bộ sai phạm phải khởi tố.

Từ dẫn chứng đó, Bộ trưởng mở rộng ra công tác giảm nghèo. Nhận định đây là việc khó, ông nhấn mạnh yêu cầu, mọi người, mọi cấp ngành phải cùng làm.

"Vừa qua những nỗ lực chung đã đem lại kết quả tốt, được ghi nhận rồi. Hoan hỉ với kết quả đó nhưng cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những mặt chưa được. Các địa phương cần rà soát công việc của mình xem tồn tại ở đâu để tập trung xử lý, để chương trình giảm nghèo trong thời gian tới giải ngân nhanh nhất mà đạt hiệu quả tốt nhất", Bộ trưởng yêu cầu.

Về các giải pháp, trước hết, với tình trình giải ngân chậm của chương trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trình Quốc hội để điều chuyển kinh phí của năm 2022-2023 sang 2024. Dù vậy, ông vẫn đốc thúc từ nay tới cuối năm, tập trung giải ngân những nội dung khả thi.

"Có tiền mà không giải ngân được thì làm sao đầu tư cho phát triển? Như vậy là có lỗi với người dân. Tôi khẳng định, việc giải ngân chậm là do cán bộ chứ không phải do người dân", Bộ trưởng nói.

Về nội dung hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề, Bộ trưởng chỉ rõ những điểm vướng mắc. Ông nhận định hướng tháo gỡ là phải có chính sách để trường nghề được dạy văn hóa, để học sinh cấp 3 có thể vừa học nghề và học văn hóa cùng lúc.

Về mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, kế hoạch đề ra đến năm 2025 là phải xóa trên 100.000 căn nhà thuộc diện này ở 74 huyện nghèo. Tổng số vốn bố trí cho hoạt động này là 4.000 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đồng ý phân bổ ngân sách nhiều hơn cho hoạt động này trong những năm tiếp theo.

Bộ trưởng khẳng định "hiện đã có tiền" và yêu cầu các địa phương mạnh dạn giao chỉ tiêu thực hiện, hỗ trợ người dân cụ thể đến từng người đứng đầu.

Đối với việc chăm lo cho trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thở dài: "Nói thật hôm nay tôi thấy buồn lắm, buồn thấm thía vì đi miền núi vẫn thấy trẻ em bé còi. Nghịch lý là tiền cho hoạt động chăm lo dinh dưỡng cho trẻ nghèo đã có mà chưa giải ngân được, cấp phát muộn. Chậm, muộn trong thực hiện chính sách, theo ông, dẫn đến những hệ quả có thể phải khắc phục bằng cả thế hệ.