Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Biểu dương 48 gương điển hình vùng đồng bào dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế

Hoài Sơn

(Dân trí) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biểu dương, tôn vinh, vinh danh 48 gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Ban Dân tộc Thừa Thiên Huế cho hay, mới đây, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, vinh danh gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2023.

Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với nội dung: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào...

Biểu dương 48 gương điển hình vùng đồng bào dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế - 1

Một số cá nhân được biểu dương trong hội nghị (Ảnh: Ban Dân tộc Huế).

Có 48 gương điển hình là đại diện cho người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, cán bộ thôn/bản, doanh nhân, nông dân, thanh niên tiêu biểu thuộc vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Dân tộc Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt là việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững trong vùng này.

Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó vươn lên, đưa khu vực này của tỉnh ngày càng phát triển.

Đến nay, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 36 triệu đồng/người/năm vào năm 2022 lên 38,5 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm (huyện A Lưới giảm từ 40,71% xuống còn 24,4%; huyện Nam Đông từ 6,94% giảm xuống còn 2,62%). Văn hóa truyền thống từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Tình hình an ninh trật tự ổn định; quốc phòng được giữ vững…

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ghi nhận và biểu dương những đóng góp, thành tích của các cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương.

Ông Bình chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan thời gian tới cần tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm từng bước phát triển toàn diện, vững chắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh.

Trọng tâm là chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.