Báo động tình trạng nhiễm HIV trong quan hệ đồng tính nam

Xuân Hinh

(Dân trí) - Nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 15 đến 30 tuổi.

Nhiễm HIV tăng cao ở nhóm đồng tính nam

Báo động tình trạng nhiễm HIV trong quan hệ đồng tính nam - 1

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS trong những năm gần đây, từ 15 đến 39 tuổi có tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV chiếm phần lớn, trong đó độ tuổi từ 15 đến 29 nhiễm HIV ngày càng tăng nhanh. Đặc biệt tỷ lệ % HIV mới phát hiện ở nhóm nam nhiều hơn nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn ở nhóm đồng tính nam.

Tính đến cuối năm 2021, ước tính, số người nhiễm HIV trên toàn quốc là 230.000 người. Trong đó, có khoảng 11.990 người tử vong. Số ca nhiễm HIV tăng mới trong năm 2021 là 13.000 người, số ca tử vong trong năm 2021 là 1.855 người.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong những năm qua, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm đối tượng nghiện, chích ma túy (từ 28,6% so với năm 2004, xuống còn 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là HIV/AIDS đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây đối với nhóm MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới). Cụ thể, tỷ lệ tăng từ 3,9% trong năm 2011 lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020.

Người trong nhóm MSM chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp. Cá biệt có tỉnh, nam công nhân chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện.

Báo động tình trạng nhiễm HIV trong quan hệ đồng tính nam - 2

TS. BS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục phòng, chống HIV/AIDS) chia sẻ thông tin về phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động (Ảnh: N.N).

Theo TS. BS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục phòng, chống HIV/AIDS,  tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM giang mai cao hơn từ 4 - 8 lần (từ năm 2014 - 2020) so với những MSM không nhiễm giang mai.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã từng dùng ma túy cao hơn gấp 1,76 lần (2017) so với nhóm chưa từng sử dụng ma túy. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã từ tiêm chích ma túy cao gấp 2,67 lần đến 3,08 lần so với những MSM chưa từng tiêm chích ma túy. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có trình độ học vấn từ cấp 3 trở xuống cao gấp 1,35 lần (2020) những người có trình độ từ trung cấp/cao đẳng/đại học.

Giảm thiểu kỳ thị người nhiễm HIV trong công nhân lao động 

Báo động tình trạng nhiễm HIV trong quan hệ đồng tính nam - 3

Cán bộ công đoàn cùng chủ nhà trọ tại Bình Dương thảo luật vấn đề phòng, tránh HIV/AIDS trong công nhân lao động.

Một số yếu tố liên quan đến tình trạng gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM trẻ gần đây bao gồm: kiến thức, hiểu biết về HIV/AIDS còn hạn chế; ít tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; cộng đồng MSM dễ tiếp cận nhau thông qua không gian mạng; tình hình sử dụng ma túy, các chất kích thích khi quan hệ tình dục (chemsex) diễn biến phức tạp,... liên quan đến tình trạng quan hệ tình dục tập thể trong cộng đồng MSM.

Ông Vương Thế Linh - Trưởng khoa HIV/AIDS - CDC Bình Dương cho biết, tính đến ngày 31/5, số người nhiễm HIV tại TP Thủ Dầu Một cao nhất so với các thành phố, huyện khác. Tính từ 2012 đến năm 2021 số người nhiễm HIV có hộ khẩu ngoại tỉnh cao hơn người có hộ khẩu Bình Dương; nam giới nhiễm HIV cao hơn nữ giới (theo số liệu năm 2021, nam chiếm 92,1%; nữ 7,9%).

Hiện nay, tại Bình Dương có các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương; Trung tâm Y tế Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 9 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố... Bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí mua loại thuốc điều trị ARV cho người nhiễm hoặc phơi nhiễm HIV/AIDS.

Nghị quyết 20 của Ban chấp hành TW Đảng ngày 25/10/2027 đã đề ra mục tiêu Cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và Nghị quyết 1246 của Thủ tướng Chính phủ  ngày 14/08/2020 đã phê duyệt chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Do đó, để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai các hoạt động như tăng cường các hoạt động truyền thông để tiếp cận người nhiễm HIV/AIDS; giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS… trong công nhân lao động.

 Dương Thùy