Đòn bẩy thoát nghèo từ cuộc vận động mỗi đơn vị giúp một xã nghèo

Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo

Hoàng Lam

(Dân trí) - Gắn trách nhiệm, giao việc cụ thể cho từng đơn vị, từng cá nhân... là chìa khóa để chương trình giúp đỡ xã nghèo miền Tây Nghệ An đạt hiệu quả.

Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo - 1

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Cuộc vận động mỗi đơn vị, sở ngành giúp một xã nghèo đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống tiến tới xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân miền Tây Nghệ An.

Đánh giá về hiệu quả cuộc vận động ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây tỉnh Nghệ An, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: "Qua 8 năm thực hiện cuộc vận động ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo miền Tây đã khẳng định chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, các xã nghèo miền Tây của tỉnh Nghệ An.

Chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh biên giới và góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo - 2

12.000 con lợn giống bản địa đã được BĐBP tỉnh Nghệ An trao cho các hộ nghèo. Từ sinh kế này, nhiều hộ nghèo đã vươn lên, từng bước nâng cao điều kiện sống.

Tuy nhiên, kết quả giúp đỡ các xã nghèo miền Tây vẫn chưa đạt được như mong muốn, một số nội dung thực hiện đạt thấp so với nhu cầu như: việc hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng, sửa chữa nhà tạm bợ, dột nát, tặng sổ tiết kiệm cho người già cô đơn thuộc diện hộ nghèo… Thực tế vẫn còn một số đơn vị chủ yếu chỉ ủng hộ tiền, tặng quà nhân dịp Tết nguyên đán và những nhu cầu trước mắt chưa mang tính sinh kế, định hướng lâu dài".

Giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo không chỉ còn là khẩu hiệu chung chung mà trở thành hoạt động thường xuyên của các đơn vị, sở ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", chung tay giúp đỡ người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, cán bộ, đảng viên các đơn vị trích một phần tiền lương và vận động các nguồn lực từ bên ngoài để tạo nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.

Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo - 3
Sau khi trao lợn giống, cán bộ, đảng viên các đồn biên phòng trực tiếp hướng dẫn bà con chăm sóc, nuôi dưỡng để đàn lợn phát triển tốt.

Được phân công giúp đỡ xã Tam Sơn (huyện Anh Sơn), hàng năm TAND tỉnh Nghệ An đều có hàng trăm phần quà trị giá 50 triệu đồng tặng các hộ nghèo nơi đây vào dịp Tết đến xuân về. Năm 2015, đơn vị đã lắp đặt một số giếng khoan giúp người dân có nước sạch sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; tặng hơn 300kg lợn giống để bà con phát triển chăn nuôi.

Năm 2016, từ nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên TAND 2 cấp, một ngôi nhà khang trang, kiên cố đã được xây tặng một hộ phụ nữ đơn thân, kinh tế khó khăn trên địa bàn xã. Thế nhưng, làm thế nào để giúp đỡ bà con thoát nghèo một cách hiệu quả, bền vững luôn là trăn trở của lãnh đạo đơn vị.

Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo - 4
Hàng trăm suất quà Tết từ nguồn đóng góp của cán bộ TAND hai cấp tại Nghệ An đã được trao cho bà con nhân dân xã nghèo Tam Sơn (huyện Anh Sơn).

"Với cách làm hiện tại, thực sự mới chỉ giúp bà con giải quyết khó khăn trước mắt. Chúng tôi đang nghiên cứu để thay đổi phương thức hỗ trợ người dân, thay vì dàn trải, sẽ tập trung cho một vài hộ để đảm bảo về "lượng". Sắp tới, cũng bằng số tiền đóng góp của người lao động trong ngành tòa án, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình sinh kế để hỗ trợ bà con với mục tiêu mỗi năm giúp 1-2 hộ dân thoát nghèo bền vững", ông Trần Ngọc Sơn - Chánh án TAND tỉnh Nghệ An cho hay.

Gắn trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên cũng là cách mà Báo Nghệ An triển khai từ nhiều năm nay, trong đó, Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn Thanh niên là những người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiện và giám sát kết quả.

Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo - 5
Các hộ nghèo ở bản Phẩy, xã Xiêng My (Tương Dương, Nghệ An) vui mừng dắt bò về nhà. Sau khi được giao mỗi con bò trị giá hàng chục triệu đồng này, họ sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng để bò sinh sản. Những con bê sinh ra từ bò mẹ được thuộc quyền sở hữu của họ để có động lực thoát nghèo.

"Chúng tôi phải trực tiếp đi lựa chọn từng con bò đảm bảo khỏe mạnh, có khả năng sinh sản tốt, chống chịu được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Xiêng My giao cho bà con chăm sóc. Định kỳ đều có sự kiểm tra, đốc thúc để đánh giá kết quả. Điều đáng mừng là mới chỉ có duy nhất 1 trường hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến bò bị chết, còn lại những con bò giống tặng cho các hộ nghèo ở Xiêng My đều phát triển và sinh sản tốt.

Các hộ dân thoát được nghèo là kết quả của nhiều yếu tố, không phải hoàn toàn là nhờ những con bò của chúng tôi trao tặng. Nhưng chúng tôi cũng hết sức vui mừng bởi từ sinh kế này đã tạo cho người dân động lực và niềm tin để quyết tâm thoát nghèo", bà Trần Thị Thu Phương - Phó chủ tịch Công đoàn Báo Nghệ An cho hay.

Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An cho rằng, "cho cần câu" và "hướng dẫn cách câu" để người dân tự "bắt" con cá thoát nghèo cho mình mới là điều quan trọng.

Bài 3: Phát huy trách nhiệm, thiết thực giúp xã nghèo - 6
Thượng tá Nguyễn Văn Hậu: "Chỉ bộ đội biên phòng nỗ lực thôi chưa đủ, cái cốt yếu là tạo cho người dân ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại. Khi người dân chưa có ý thức thoát nghèo thì hiệu quả giảm nghèo sẽ khó bền vững".

"Chúng tôi phân công từng đảng viên phụ trách từng hộ dân được thụ hưởng từ chương trình tặng lợn giống, đồng thời đánh giá kết quả thi đua hàng năm của cán bộ, đảng viên bằng chính hiệu quả của chương trình này. Tuy nhiên, chỉ bộ đội biên phòng nỗ lực thôi chưa đủ, cái cốt yếu là tạo cho người dân ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại. Khi người dân chưa có ý thức thoát nghèo thì hiệu quả giảm nghèo sẽ khó bền vững", Thượng tá Nguyễn Văn Hậu nhận định.  

Với đặc thù khí hậu, thời tiết, địa hình và con người, công tác giảm nghèo cho vùng miền Tây Nghệ An vẫn đang là thách thức lớn đối với địa phương này. Tin rằng với những chính sách mang tính "đòn bẩy", công cuộc xóa đói, giảm nghèo nơi đây sẽ tiếp tục được tiếp sức để đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An có thêm động lực để vươn lên, ít nhất là ngang bằng với mức sống chung của cả tỉnh.

Hàng năm, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu mỗi đơn vị hỗ trợ làm mới, sửa chữa ít nhất từ 3-5 nhà cho hộ nghèo hoặc tặng 5-10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá từ 5-10 triệu đồng cho người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; hỗ trợ đào tạo nghề cho từ 500 - 1.000 người; hỗ trợ giải quyết việc làm cho 7.000-8.000 người; xây dựng thêm 5- 10 mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt cho 115 xã nghèo miền Tây của tỉnh.