5 trường hợp người lao động cần biết về bảo hiểm thất nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chị Giao nghỉ thai sản 6 tháng xong rồi nghỉ việc không lương 2 tháng, sau đó nghỉ việc hẳn. Khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Giao bất ngờ vì hồ sơ của chị không được chấp nhận.

5 trường hợp người lao động cần biết về bảo hiểm thất nghiệp - 1

Người lao động cần nắm rõ quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh bị thiệt thòi quyền lợi (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Chị Giao đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2013 cho đến tháng 1/2023. Từ tháng 2/2023 đến tháng 7/2023, chị Giao nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, chị Giao muốn chăm con nhỏ nên xin nghỉ việc không hưởng lương trong 2 tháng tiếp theo (8/2023 và 9/2023).

Từ tháng 10/2023, chị Giao xin nghỉ việc hẳn, công ty ra quyết định nghỉ việc từ ngày 1/10/2023. Lúc này, Giao làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không được chấp nhận.

Chị Giao thắc mắc: "Hệ thống báo nguyên nhân là do tôi không tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 2/2023 đến tháng 9/2023. Như vậy có đúng không? Thời gian tôi nghỉ thai sản, nghỉ việc không lương vẫn được thể hiện đầy đủ trên tờ rời chốt sổ BHXH".

Trả lời chị Giao, BHXH Việt Nam cho biết: "Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì một trong các điều kiện để được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động phải là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp".

Căn cứ để người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp quy định rõ tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015.

Theo đó, người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong 5 trường hợp sau.

Thứ nhất, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.

Thứ hai, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được BHXH xác nhận trên sổ BHXH.

Thứ ba, người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.

Thứ tư, người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.

Thứ năm, người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm  việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.

Như vậy, trường hợp của chị Giao sau khi nghỉ hưởng hết chế độ thai sản lại có 2 tháng không làm việc và không tham gia bảo hiểm thất nghiệp (nghỉ việc không lương trong tháng 8/2023 và tháng 9/2023) nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.