15 năm nỗ lực thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em

Thái Anh

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khái quát, 15 năm qua, những cống hiến và thành tựu đạt được của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã góp phần tạo môi trường cho trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện.

Đánh giá được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu tại cuộc gặp mặt tổ chức ngày 7/4, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (8/4/2008-8/4/2023).

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ tình cảm, sự biết ơn về những đóng góp, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, Hội viên từ Trung ương đến địa phương đã dành tình thương, trách nhiệm, sự tận tụy, hy sinh hết mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em, tạo nền tảng rất quan trọng để Hội có được những kết quả đáng tự hào.

15 năm nỗ lực thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em - 1

Toàn cảnh sự kiện kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Bào vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chính thức được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-BNV ngày 8/4/2008 của Bộ Nội vụ. Hội ra đời với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết công dân, tổ chức tại Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động, phấn đấu vì mục đích làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản; tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn. Vai trò, trách nhiệm của Hội đã được pháp luật quy định.

Sau 15 năm thành lập, Hội đã từng bước phát triển lớn mạnh trong việc thực hiện sứ mệnh của mình, đại diện cho tiếng nói của trẻ em. Trong thời gian đó, Hội và các cơ sở Hội ở địa phương đã huy động nguồn lực hơn 475 tỷ đồng để trợ giúp hàng triệu trẻ em được hưởng quyền, tiếp nhận học bổng và những món quà hiện vật có giá trị, thiết thực với cuộc sống.

Trong 5 năm qua (2018-2023), Hội đã tiếp nhận hơn 500 thông tin phản ánh của công dân gửi đến thông qua đơn thư, email, tư vấn trực tiếp... liên quan đến vi phạm quyền trẻ em. Hội đã hỗ trợ tư vấn, xử lý và gửi công văn kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước có liên quan đề nghị giải quyết gần 300 trường hợp; hỗ trợ pháp lý cho hàng chục ca xâm hại trẻ em…

Hội đã tích cực hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng kể: tham gia góp ý 18 văn bản, dự thảo luật, chính sách, chương trình quốc gia liên quan tới trẻ em, nhiều góp ý của Hội đã được xem xét, tiếp thu; thực hiện được 15 nghiên cứu, khảo sát về các lĩnh vực liên quan tới trẻ em.

Hội cũng tham gia các đoàn giám sát việc thực hiện quyền trẻ em của các bộ, ngành, Quốc hội; lên tiếng, phát biểu chính kiến dưới góc độ bảo vệ quyền trẻ em trước nhiều vụ việc và tại hàng trăm hội nghị, hội thảo liên quan tới lĩnh vực trẻ em một cách hiệu quả…

15 năm nỗ lực thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại sự kiện.

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để đạt được mục tiêu trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ trẻ em.

Hội cũng thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, để trẻ em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề mà các em quan tâm thông qua Diễn đàn trẻ em các cấp, Câu lạc bộ phóng viên nhỏ; đẩy mạnh truyền thông lan tỏa quyền trẻ em qua các mô hình, chương trình: "Phiên tòa giả định;" "Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày;" xây dựng nhiều bộ tài liệu, sản phẩm truyền thông, cẩm nang hướng dẫn về quyền trẻ em, các kỹ năng cho trẻ em, người lớn…

Phát biểu tại sự kiện, thay mặt Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chúc mừng, ghi nhận những kết quả Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đạt được trong 15 năm qua, góp phần thực hiện quyền trẻ em Việt Nam tốt hơn, tạo điều kiện, môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện.

Trong thời gian tới Thứ trưởng đề nghị Hội tiếp tục đồng hành cùng cơ quan nhà nước chung tay bảo vệ quyền trẻ em, thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội được giao trong Luật Trẻ em năm 2016; tiếp tục thu thập thông tin của các tổ chức xã hội và của trẻ em góp ý tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em, tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; có ý kiến mạnh mẽ trong các vụ việc vi phạm pháp luật về quyền trẻ em và xâm hại trẻ em.