Vũ Nhật Tân chơi “trò chơi” của mình

(Dân trí) - Được biết đến như một gã chơi ngông - một ông chủ của những âm thanh khó hiểu, và cũng chính Vũ Nhật Tân tự nhận mình là “kẻ hâm”, độc hành trên con đường mình thích.

Không thấy anh xuất hiện nhiều trên sân khấu, phải chăng anh đang bận bịu với nhiều kế hoạch?

 

Cũng chẳng có gì nhiều, sau khi làm 4 CD nhạc điện tử và ngẫu hứng tôi đi trình diễn ở Campuchia cùng với nghệ sĩ của nhiều nước. Tôi chơi một tác phẩm cho ba sáo trên nền nhạc lập trình bằng máy tính xách tay.

 

Tự nhận mình là người cô đơn trên con đường sáng tác nhạc đương đại, vậy anh đã "tiên phong" theo cách nào?

 

Trong lĩnh vực soạn nhạc, tôi luôn cố gắng đưa ngôn ngữ mới, phong cách mới vào cả nhạc cụ cổ điển lẫn nhạc cụ cổ truyền. Khi soạn nhạc, tôi luôn muốn thoát khỏi quan niệm rằng âm nhạc phải có giai điệu đẹp, hoà âm êm tai, tiết tấu nhịp nhàng. Sao cứ nghĩ rằng âm nhạc phải như vậy mới là âm nhạc? Sao không mở rộng ra, không thay đổi cái quan niệm đã quá cũ ấy mà trên thế giới người ta đã thay đổi rất nhiều, đã mở rộng rất nhiều…

 

Vũ Nhật Tân tốt nghiệp hai chuyên ngành sáng tác và lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1995, Vũ Nhật Tân được giữ lại giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội.

 

Được nhận nhiều giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam và đoạt giải nhất Quốc tế "Concourt de Composition de Saint Germain en Laye – Paris”.

 

Năm 2002 nhận học bổng của Hội đồng âm nhạc châu Á (ACC) tu nghiệp về âm nhạc hiện đại và tiếp cận nghiên cứu âm nhạc truyền thống tại Mỹ.

Liệu có đúng “phong cách mới” của anh khiến người ta rất khó nghe?

 

Nhạc cổ truyền của dân tộc cũng cực kỳ kén khán giả chứ đừng nói là nhạc đương đại. Có lần hướng dẫn cho một vài người du lịch, tôi cho họ nghe một đoạn nhạc nhưng họ bảo không thể nghe được mặc dù đó là nhã nhạc - nhạc dân tộc mà chúng ta đã được Unesco công nhận.

 

Vậy anh sáng tác nhạc chỉ để thoả mãn cái tai của mình?

 

Tôi cứ làm như vậy thôi! Cũng có những người làm nhạc như tôi và số đó không phải là ít. Thử nghĩ xem, ban đầu chúng ta nghe nhạc cổ điển, cổ truyền rồi lại làm quen và yêu thích Pop, rock..Với mỗi dòng nhạc, ban đầu có thể người ta tiếp cận vì tò mò nhưng có thể sau đó họ sẽ thích.

 

Cần bao lâu để công chúng tò mò, làm quen và yêu thích nhạc của anh?

 

Ngay cả với âm nhạc truyền thống, chúng ta cũng đang có những dự án hết lớn nhằm phổ biến âm nhạc cổ truyền Việt Nam cho người Việt Nam. Vậy  thì đương nhiên nhạc đương đại cũng cần có thời gian…

 

 Tự so sánh nhạc của mình với nhạc cổ truyền nhưng nhiều người lại cho rằng nhạc của anh “Tây quá”,  không có màu sắc dân tộc?

 

Tôi sinh ra ở Việt Nam, lớn lên và học tập ở đây.  Hiện nay tôi vẫn đang sống ở đây. Thế thì rõ ràng những gì mà tôi đang hấp thụ được hoàn toàn là những gì đang diễn ra của đất nước, con người xung quanh mình. Những gì tôi hấp thụ được thì tôi thể hiện nó ra bằng âm thanh. 

 

Nhưng rõ ràng với thị trường âm nhạc hiện nay  thì những thể loại âm nhạc như thế này  không thể nuôi sống tác giả?

 

Đương nhiên ! Tôi đang chơi "trò chơi" của mình. Tôi coi đó là cuộc chơi vì tôi làm nó hết sức nghiêm túc nhưng nó không thể nuôi sống tôi.  Chính vì thế ngoài sáng tác, ra CD, tôi còn viết nhạc cho các buổi triển lãm, cộng tác với đài truyền hình để sống.

 

Xin cảm ơn anh!

 

H.Nguyệt -  H. Trà