Nguyễn Đức Minh: Kẻ đắm đuối với đàn môi

(Dân trí) - Những chuyến đi băng rừng lội suối đến chai cả chân, toạc cả máu; những tháng ngày tìm tòi vất vả ở các bản làng xa xôi cũng không ngăn trở chàng trai Hà Thành 26 tuổi ngừng đắm đuối với đàn môi.

Để hôm nay, ngoài danh hiệu Nghệ sĩ trẻ chơi đàn môi xuất sắc nhât, anh còn là người duy nhất của Việt Nam nghiên cứu sâu về loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

Là một người nghệ sĩ Hà Nội còn rất trẻ và đã được đào tạo bài bản về sáo trúc sao anh lại rẽ sang…đàn môi?

Những ngày đầu tiên học tại Nhạc viện Hà Nội, tôi có cảm giác thật bất ngờ khi nghe được một âm thanh rất lạ. Âm thanh “nghoèo nghoèo” đó lôi cuốn tôi ngay lập tức, thôi thúc tôi tìm hiểu. Tôi đã rất thất vọng khi “bới tung” Viện Âm nhạc mới tìm thấy…vài trang giấy, vài hình vẽ thời nguyên thuỷ giới thiệu về đoàn môi kèm một đoạn nhạc trong CD. Tôi đang nản lòng thì một người bạn mang về cho tôi một chiếc đàn môi. Nhìn thấy chiếc đàn môi, tôi biết rằng mình đã tìm được niềm đam mê và con đường đi của mình.

Anh đã theo đuổi niềm đam mê đó như thế nào?

Thấy vốn kiến thức của mình về đàn môi còn quá ít ỏi, tôi tìm đến các bản làng dân tộc như Pú tỉn, Mù Khương, Cô Mạ, Chiềng Pốc…Những ngày tháng cùng ăn cùng ở với người bản, tôi tìm hiểu sâu hơn về đàn môi. Tiếng đàn môi rất gần với ngôn ngữ của từng dân tộc nên mỗi nơi có một phong cách chơi khác nhau. Tuy nhiên về ý nghĩa thì với dân tộc nào cũng vậy, giai điệu của đàn môi là lời giao duyên của các đôi trai gái. Qua tiếng đàn môi, họ bày tỏ tình cảm của mình đến người thương.

6 năm trời lặn lội đến những bản làng xa xôi, đôi chân đã chai sạn bởi đi rừng, môi có lần toạc máu vì …thử nghiệm đàn môi đã cho tôi một tài sản quí giá: 5 loại trong 10 loại đàn môi của Việt Nam.

85 triệu người Việt Nam nhưng chỉ có mình anh nghiên cứu sâu về đàn môi, anh có sợ mình là kẻ “đơn thương độc mã”?

Tôi đang cố gắng để mình không phải kẻ “đơn thương độc mã” nữa. Tôi và ban nhạc “Hồn Tre” tổ chức những chuyến đi xa, đem tiếng đàn môi đến mọi miền đất nước dù cho cát sê thấp…không chịu nổi. Chỉ cần có người nghe và yêu thích tiếng đàn là tôi cảm thấy an ủi rồi.

Được tham dự Festival đàn môi thế giới vừa qua tại Hà Lan đối với tôi là một phần thưởng vinh dự. Được đánh giá là một trong 4 nghệ sĩ trẻ chơi đàn môi xuất sắc nhất tôi lại càng tự hào hơn. Tôi đưa tiếng đàn môi Việt Nam đến với bạn bè thế giới để giới thiệu và chia sẻ.

Anh thấy cách chơi đàn môi của người Việt có khác với các nước?

Ở các nước khác, các nghệ sĩ chơi rất nhiều loại nhạc như hiphop, rock…bằng đàn môi. Ở Việt Nam không thể không phủ nhận những ca khúc dân gian hiện đại sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc đang quay trở lại. Việc sử dụng đàn môi trong các bài hát này sẽ bật lên một sức sống mới, vẻ đẹp mới qua sự tinh tế, đầy cảm xúc của đàn môi.

Hiện tại, anh đang làm những gì để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống đầy ý nghĩa này?

Công việc chính của tôi là nghiên cứu về các loại đàn môi cũng như phong cách chơi đàn môi tại Việt Nam. Tôi chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách về đàn môi, trong đó giới thiệu văn hoá đàn môi của từng vùng và kỹ thuật diễn tấu của đàn môi. Với cuốn sách này, tôi hi vọng sẽ tìm được người tri âm, cùng khát khao đưa nghệ thuật đàn môi đến với mọi người.

Xin cảm ơn và chúc anh thành công!

                                                                 Hàn Nguyệt