Nghĩ thêm về ca khúc của một số nhạc sĩ trẻ…

(Dân trí) - Khi nhạc Việt lên ngôi, phong trào tự sáng tác trở nên thịnh hành. Điều này đúng ra cũng chẳng có gì để nói vì biết đâu nhờ đó mà làng nghệ Việt Nam có thêm nhiều ca khúc để đời. Nhưng mọi chuyện dường như đi ngược lại với suy nghĩ đó…

Nhớ lại vài năm trước đây, thời hoàng kim của nhạc nhẹ Việt Nam, những cái tên Lê Quang, Võ Thiện Thanh Nguyễn Nhất Huy, Trường Huy, Quốc An, Minh Khang… từng “làm mưa làm gió” với các ca khúc có giai điệu dễ nghe, lời lẽ trong sáng, được khán giả yêu nhạc mến mộ thì nay, những cái tên đó phải nhường sân chơi lại cho một thế hệ nhạc sĩ mới ra đời.

 

Nhạc trẻ hôm nay mang nặng các giai điệu của nước ngoài, chủ yếu là Hoa, Thái, Hàn cùng những ca từ thô thiển, khóc lóc, chia tay ồ ạt được “đẻ non”. Ấy vậy nó lại lấy lòng được không ít khán giả, chính vì thế đã nhạc sĩ trẻ khi được hỏi vì sao vẫn có hiện tượng nhạc lai căng đó, đã trả lời một cách hồn nhiên: “Anh không thích nhưng người khác thích”. 

 

“Là người thích nghe nhạc, tôi thấy nền nhạc trẻ hiện nay có hướng phát triển rất tốt, mang nhiều màu sắc cho khán giả lựa chọn. Nhưng thật sự có vài bài lời lẽ ca từ nhảm nhí, đơn giản quá khiến tôi phát sợ. Có vẻ như người sáng tác ca khúc đó không còn ý gì để viết và phải viết một cách gấp gáp để tung ra thị trường vậy!”, anh Trung, một khán giả ở quận Gò Vấp nói.

 

Nhạc sĩ trẻ Nhật Minh thì tự nhận mình là một người còn mới, đang tập tành sáng tác. Anh cho rằng, các nhạc sĩ bây giờ thiên về nhạc thị trường nhiều vì họ bị thị trường chi phối cảm xúc. Thiết nghĩ bản thân thị trường không có tội nhưng sức mạnh của nó là nguyên nhân chính khiến cho suy nghĩ của các nhạc sĩ trẻ có phần lệch lạc. Họ dễ dãi với nguyên tắc làm việc của họ, họ muốn nhanh chóng được mọi người biết đến.

 

Tuy nhiên, hậu quả của sự dễ dãi lại chính ở chỗ người nghe phải tiếp nhận những ca từ “rẻ tiền” kiểu "sáng cà phê, tối tối cũng cà phê",  hay đại loại kiểu: Anh chàng đẹp trai, Cô nàng đẹp gái, Người đàn ông chân thật, Người phụ nữ tự tin, Tâm sự hai người đàn ông… và mới đây nghe đâu còn có ca khúc Kệ tôi, Sến… sắp sửa trình làng! Nhạc sĩ nhiều không phải xấu, nhưng liệu các nhạc sĩ này có đủ sức đưa nền nhạc trẻ Việt Nam vốn còn non yếu lên một tầm cao mới, hội nhập cùng nền âm nhạc các nước trong khu vực và thế giới? Đó mới là chuyện đáng phải bàn. 

 

Để khắc phục và hướng người nghe lẫn người sáng tác đi theo cái đẹp đó, hàng loạt chương trình ra đời, nhiều diễn đàn âm nhạc xuất hiện như muốn cách tân, thay đổi tình hình nhưng cuối cùng vẫn chỉ thu được con số không tròn chĩnh. Dù không phủ nhận sự nỗ lực của thế hệ nhạc sĩ trẻ này, song có mấy ai hiểu rõ tính nghệ thuật thật sự. Họ đang chạy theo cái gọi là trào lưu, xu hướng ngoại hoá. Biết sao được, thời buổi kinh tế thị trường và quan hệ cung - cầu mà!

 

Phương Anh