Mẹ vừa mỉa mai "lễ ở nhà cho lành", ngày cuối cuống cuồng dắt con đi chơi

Hoài Nam

(Dân trí) - Không ít người mỉa mai những người đi chơi dịp lễ 30/4-15 là "tốn kém" và cho rằng bản thân "khôn" hơn người khi chọn "ở nhà chữa lành". Tuy vậy, kỷ nghỉ kéo dài 5 ngày đã khiến họ phải suy nghĩ lại.

Chị Trần Hoài Sương, ở Tân Phú, TPHCM lên kế hoạch kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài 5 ngày này sẽ ở nhà "nghỉ dưỡng", với các hoạt động: ngủ, đọc sách, ăn uống...

Ngày đầu tiên trước kỳ nghỉ lễ, chị Sương lên mạng đăng trạng thái: "Lễ ở nhà cho lành, tội gì mất tiền đi tắm… nước tè của nhau" kèm bức ảnh mọi người chen chúc tắm biển như khẳng định ở nhà là lựa chọn thông minh nhất.

Mẹ vừa mỉa mai lễ ở nhà cho lành, ngày cuối cuống cuồng dắt con đi chơi - 1

Phụ huynh ở TPHCM đưa con vào rừng chơi dịp lễ 30/4 (Ảnh: Hoài Phong).

Không ít người cùng lựa chọn, quan điểm như chị Sương vào thả like, bình luận như "Ở nhà rung đùi xem người khác đi chữa lành", "Ở nhà bật máy lạnh xem người giàu chen chúc, giành nhau từng chỗ tắm", "Đi chữa lành thành què"... 

Sang ngày thứ 3 kỳ nghỉ lễ, hai đứa con của chị Phương bắt đầu rơi vào trạng thái uể oải, chán nản khi cả ngày chỉ "quay ra, quay vào" căn nhà nhỏ, cùng lắm là lượn phố hoặc ra ngoài mua chút đồ ăn.

Ngoài giờ đọc sách, vui chơi tự do, bày biện nấu ăn, chị Sương thừa nhận, các con xem tivi, chơi game nhiều cũng... kêu chán. Chồng chị ở nhà nhiều cũng uể oải nên lượn lờ qua nhà bạn nhậu, đi câu cá. Lúc đầu anh là người phản đối việc ở nhà suốt 5 ngày lễ nhưng không cãi lại vợ nên anh tự tìm thú vui cho mình, để 3 mẹ con tự do.

Nhìn tâm trạng của các con, chị Sương nhận ra, có thể với người lớn không gì bằng ở nhà nhưng còn các con tuổi  đầy năng lượng, khám phá thì "nghỉ ở nhà 5 ngày là quá thê thảm, quá tội nghiệp".

Mẹ vừa mỉa mai lễ ở nhà cho lành, ngày cuối cuống cuồng dắt con đi chơi - 2
Mẹ vừa mỉa mai lễ ở nhà cho lành, ngày cuối cuống cuồng dắt con đi chơi - 3

Trẻ nhỏ bắt hến tại một con suối ở Bà Rịa-Vũng Tàu (Ảnh: Hoài Phong).

Để chuộc lỗi với các con, sáng sớm ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ, chị Sương nói với hai con: "Các con soạn đồ, mình lên đường đi chơi 2-3 ngày". Hai con chị hét toáng lên sung sướng, nhảy tưng bừng trên giường.

Hình ảnh đó làm chị Sương hiểu rằng, hóa ra mình đã lấy nhu cầu, suy nghĩ của bản thân áp lên các con, bỏ quên đi những nhu cầu tự nhiên của trẻ. Có thể không chỉ mỗi việc đi chơi mà còn nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, từ ăn, học, ngủ, giải trí… lâu nay con cũng phải theo nhu cầu của bố mẹ.

Chị Sương cho biết, chị đưa hai con đi tắm suối, lội rừng ở Suối Rao (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), một địa điểm tự nhiên không quá xa thành phố, cũng không quá đông đúc.

Ba mẹ con dự tính có thể sẽ ở lại đến hết ngày 2/5, chị Sương xin nghỉ làm, con xin nghỉ học thêm một ngày để chơi cho đã để tránh kẹt xe.

"Người lớn hay nói "sao trẻ con chơi không biết mệt", giờ tôi hiểu do trẻ con rất nhiều năng lượng tìm tòi, khám phá về thế giới. Ngược lại, người lớn thì lười vận động, lười suy nghĩ và hay tính toán thiệt hơn", chị Sương nói.

Không chỉ hiểu thêm một chút về con, chị cũng thú nhận, chị từng mỉa mai những người chen chúc đi chơi hay về quê dịp lễ là "dại", còn mình thì "khôn" hơn, chọn ở nhà cho khỏe.

Tuy vậy, giờ chị đã hiểu, nếu không phải dịp lễ con được nghỉ học, bố mẹ được nghỉ làm thì không dễ để có những chuyến đi cùng nhau, bên nhau.

Mẹ vừa mỉa mai lễ ở nhà cho lành, ngày cuối cuống cuồng dắt con đi chơi - 4

Trẻ em có nhiều nhu cầu, năng lượng trải nghiệm, khám phá về thế giới bên ngoài (Ảnh: Hoài Phong).

Ngày thường ai cũng bận rộn, còn ngày hè con được nghỉ thì bố mẹ vẫn phải đi làm. Kể cả kỳ nghỉ Tết, bố mẹ toàn quay cuồng lo chuyện tiền nong, quà cáp, mừng tuổi, đối nội đối thoại, nấu ăn, bày cỗ… chứ không thật sự dành thời gian cho con. 

"Tôi cũng rút ra được cho mình bài học là bớt chê bai, phê phán người khác. Khi đi đâu đó ai cũng mong chi phí phù hợp, nơi nghỉ ngơi thông thoáng. Tuy nhiên, đâu phải muốn là được, kể cả mọi người chen chúc đi chơi, tắm biển cũng không thể là lý do để mình chê bai", chị Sương chiêm nghiệm và âm thầm gỡ bài viết "ở nhà cho lành" trước đó.

Chị Lê Thị Phương Em, ở Củ Chi, TPHCM chia sẻ, nuôi con chị tập trung vào hai thứ là "đọc" và "đi". "Đọc" là đọc sách, đọc về cách ứng nhân xử thế, đọc để hiểu về mình về người. Còn "đi" là bước ra khỏi không gian mình ở để có thêm sự mở mang, hiểu biết, khám phá và đặc biệt là để tránh việc "ếch ngồi đáy giếng".

Đọc, các con có thể đọc tại nhà, đọc quanh năm, đọc hàng ngày. Còn đi, chị phải tận dụng những kỳ nghỉ lễ vì chỉ những ngày đó cả gia đình mới có lịch nghỉ cùng nhau. Với những gia đình chủ động được thời gian có thể đi lúc nào cũng được, còn số đông người lao động chỉ chờ vào những dịp nghỉ lễ. 

Mẹ vừa mỉa mai lễ ở nhà cho lành, ngày cuối cuống cuồng dắt con đi chơi - 5

Trẻ hòa mình trước biển ở Phan Thiết, Bình Thuận (Ảnh: Hoài Phong).

Theo chị Phương Em, đó cũng là lý do nhiều gia đình đành phải chi những khoản chi tiêu đắt đỏ, đi lại khó khăn, thậm chí chen chúc vào dịp nghỉ lễ.

Bản thân chị, có thể ở nhà cả tháng, cả năm không cần ra ngoài nhưng từ khi có con, chị nhắc mình phải chịu khó, phải chăm đi hơn. 

"Mỗi kỳ nghỉ, lên mạng tôi thường thấy rất nhiều người chê bai, mỉa mai, thậm chí bôi nhọ những người đi chơi dịp này. Mình có thể ở nhà nhưng không có nghĩa như vậy là mình khôn hơn người khác hay được phép chê bai người có lựa chọn khác mình.

Tôi luôn dạy con không được chê bai, mỉa mai người khác vì họ có nhu cầu không giống mình", chị Phương em cho hay.

Mẹ vừa mỉa mai lễ ở nhà cho lành, ngày cuối cuống cuồng dắt con đi chơi - 6

Bố mẹ chơi cùng các con ở bãi biển (Ảnh: Hoài Phong).

Không chỉ dịp lễ này, những ngày hè sắp tới, chị Phương Em cũng lên kế hoạch nghỉ phép vài ngày để đưa con trải nghiệm một chuyến từ Nam ra Bắc bằng tàu hỏa.

Người mẹ bày tỏ: "Con còn nhỏ, con còn chịu đi, muốn đi cùng bố mẹ, chứ con lớn hơn chút muốn đi cùng con đâu dễ. Rồi khi con lớn lên, có cuộc sống riêng, bố mẹ đã lớn tuổi sẽ lại càng khó hơn".