Tâm điểm
Đặng Công Hoàn

Cuộc sống không cần tiền mặt

Trong những ngày nắng nóng, thay vì đi du lịch như thông lệ nhiều gia đình đã lựa chọn ở nhà tránh nóng và thư giãn. Các dịch vụ gọi đồ ăn, mua sắm... đều có thể thực hiện trên điện thoại với sự hỗ trợ ngay lập tức của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Có thể thấy rằng 2-3 năm trở lại đây, kinh tế xã hội nước ta có những bước chuyển dịch rất rõ ràng để tiệm cận "giai đoạn đầu" của nền kinh tế "gần như" không dùng tiền mặt, điều mà chỉ khoảng 10 năm trước không ai nghĩ tới. Tuy nhiên để có những bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy của TTKDTM thì các cơ quan quản lý nhà nước (chủ yếu là Ngân hàng Nhà nước) và các ngân hàng thương mại đã có một sự nỗ lực, kiên trì dù đôi lúc còn va vấp trong hơn 20 năm.

Cuộc sống không cần tiền mặt - 1

Thanh toán không tiền mặt đang ngày càng phổ biến hơn (Ảnh minh họa: Cnet).

Theo tôi, TTKDTM đã trải qua 3 bước ngoặt quan trọng sau:

Giai đoạn 1: Giai đoạn của thẻ ghi nợ nội địa (hay chúng ta quen gọi là thẻ ATM) và máy ATM. Đây là giai đoạn đánh dấu sự ra đời có tính chất lịch sử của thẻ ghi nợ nội địa, dần tạo thói quen của người dân khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Chu kỳ này kéo dài từ khoảng đầu những năm 2002 cho đến khi "bão hòa" khoảng 2012-2014.

Trong giai đoạn này nhờ tiện ích rút tiền mặt từ ATM, thẻ ghi nợ nội địa đã thu hút được hàng chục triệu người dân mở tài khoản Ngân hàng và gần 17.000 ATM, hàng trăm nghìn POS đầu tư chủ yếu  bởi 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hàng đầu và một số ngân hàng tư nhân.

Có thể nói giai đoạn này đã phổ cập dịch vụ tài khoản ngân hàng và thẻ thanh toán ở khắp các tỉnh, thành.

Giai đoạn 2: Giai đoạn giao dịch chuyển tiền không phí (Zero Fee) và chuyển tiền A2A (chuyển tiền tài khoản qua tài khoản - Account to Account).

Giai đoạn này thị trường TTKDTM được dẫn dắt ở mức phát triển cao hơn, trong đó chương trình Zero Fee do một ngân hàng tư nhân đưa ra vào tháng 9/2016. Zero Fee khi ra đời đã giúp đánh tan "định kiến" của người dân về sự đắt đỏ của dịch vụ ngân hàng mà báo chí thời điểm này hay mô tả là "ma trận phí thẻ", "rừng phí ", "bẫy phí"... khi mở tài khoản Ngân hàng.

Zero Fee cùng với sự phát triển đa dạng phổ cập của Mobile Banking đã giúp cho TTKDTM có sự đột phá mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Xu hướng này được dẫn dắt bởi một số ngân hàng tư nhân và người dân là chủ thể được hưởng lợi nhiều nhất khi sử dụng dịch vụ.

Xu hướng Zero Fee dần bão hòa và kết thúc vào khoảng đầu năm 2021 khi mà cả 4 ngân hàng thương mại lớn nhất đều công bố chính sách giao dịch chuyển tiền không phí.

Giai đoạn 3: Giai đoạn Covid-19 và những nhân tố khách quan tạo ra sự thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ TTKDTM. Khác với hai giai đoạn đầu có sự chủ động từ các ngân hàng thương mại, thì Covid-19 là nhân tố khách quan đã thúc đẩy "tích cực" cho TTKDTM bùng nổ.

Dịch bệnh cùng chủ trương giãn cách, phong tỏa địa bàn, hạn chế gặp mặt trực tiếp đã vô hình trung trở thành điều kiện "cần và đủ" tiếp theo, tháo hết những rào cản cho việc dùng TTKDTM trong giao dịch hàng hóa, dịch vụ. Điều đáng mừng là xu hướng này đã trở thành thói quen của khách hàng ngay cả khi dịch bệnh đã kết thúc.

Câu hỏi là sau 3 giai đoạn nêu trên, làn sóng tiếp theo sẽ như thế nào? Hiện xu hướng chưa định hình quá rõ ràng, tuy nhiên có vẻ như TTKDTM từ 2023-2024 trở đi đang gắn với yếu tố trải nghiệm thông qua sự an toàn và tiện lợi trong "xác thực" dịch vụ.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng tập trung sẽ tạo nhiều cơ hội cho các ngân hàng trong việc ứng dụng các mô hình dịch vụ mới cho TTKDTM, kết hợp với tài chính tiêu dùng, đầu tư. Thời gian qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay dựa trên dữ liệu dân cư nhằm hỗ trợ quá trình thẩm định và phê duyệt tín dụng.

Điểm khả tín của người dân khi vay vốn ngân hàng có thể được đánh giá dựa trên nhóm tiêu chí năng lực pháp lý, sử dụng vốn, tài chính, thực hiện bảo đảm tiền vay. Ứng dụng này sẽ giúp tối ưu hóa quá trình đánh giá khả năng trả nợ của người vay và hỗ trợ ngân hàng ra quyết định cho vay một cách nhanh chóng, đáng tin cậy; đồng thời góp phần đẩy lùi tín dụng đen, lành mạnh hóa hoạt động cho vay, tăng cường công tác an sinh xã hội.

Kinh nghiệm cho thấy, thanh toán (gồm TTKDTM) là trụ cột quan trọng trong kinh doanh ngân hàng. Tuy nhiên do tính chất phụ thuộc vào tiêu chí "trải nghiệm" và "tính phái sinh" đi sau giao dịch thương mại khác nên ngân hàng đi trước chưa chắc đã giành ưu thế trong cuộc đua sắp tới, và ngân hàng đi sau cũng không hẳn sẽ hết cơ hội và bị bỏ lại. Cơ hội phục vụ khách hàng trong TTKDTM vẫn là rộng mở với tất cả nhà băng.

Tác giả: Ông Đặng Công Hoàn là Tiến sĩ kinh tế, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải là quan điểm của các đơn vị tác giả đã và đang công tác.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!