DNews

TPHCM cần phủ xanh thế nào khi hàng nghìn cây đã "hy sinh" cho dự án?

An Huy

(Dân trí) - "TPHCM cần bảo vệ lượng cây xanh trên đầu người, đừng để giảm nữa. Từ nay, khi phê duyệt bất kỳ dự án hạ tầng nào, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là có chặt cây hay không", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

TPHCM cần phủ xanh thế nào khi hàng nghìn cây đã "hy sinh" cho dự án?

Tháng 4, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết hơn 400 cây xanh dọc một số tuyến đường quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú sẽ bị chặt hạ để chuẩn bị mặt bằng thi công Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Ngoài Metro số 2, từ cuối 2022 đến nay, khoảng 2.000 cây xanh ở TPHCM đã bị di dời, bứng dưỡng để phục vụ cho việc xây dựng các công trình giao thông quan trọng của thành phố, gồm: Nút giao An Phú, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám kết nối nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.

Chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, TPHCM đang thiếu mật độ cây xanh nghiêm trọng và đang có xu hướng giảm mạnh hơn khi hàng nghìn cây tiếp tục bị đốn hạ.

Theo các chuyên gia, khi TPHCM xây dựng một công trình, phải đưa ra nhiều phương án tính toán để hạn chế chặt hạ cây. Trường hợp chặt cây xanh là bất khả kháng, chủ đầu tư phải trồng lại gấp 3-4 lần và chi phí trồng cây phải nằm trong gói xây dựng công trình.

Mảng xanh không đều

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS. Kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên (Phó viện trưởng Viện Thiết kế và Kinh doanh sáng tạo, trường Đại học Nguyễn Tất Thành) nhận định, cây xanh có nhiều vai trò, không chỉ điều hòa không khí mà còn giúp tăng mỹ quan đô thị.

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cây xanh có vai trò quan trọng trong việc giảm nắng nóng, cường độ ánh sáng. Các đô thị có lượng cây xanh lớn sẽ giúp người dân giảm căng thẳng (stress) và tạo được không gian yên tĩnh, giảm tiếng ồn. Đô thị nào dày đặc cây, nơi đó rất an yên, dễ chịu.

Bà Hạnh Nguyên cho biết, TPHCM phải có chiến dịch trồng cây cụ thể, phấn đấu đạt 0,65m2/đầu người (hiện nay là 0,55m2/đầu người). Chiến dịch này cần được xây dựng và hiện thực hóa đến từng người dân, để ai cũng biết việc phá hoại cây là vi phạm.

TPHCM cần phủ xanh thế nào khi hàng nghìn cây đã hy sinh cho dự án? - 1

Công viên Tao Đàn nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), là một trong số những công viên lớn và đẹp của TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám).

Theo PGS.TS. Kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên, một đơn vị muốn thi công dự án gì, bản vẽ thiết kế phải thể hiện "bồi hoàn" gấp đôi cây lúc đầu đốn hạ. Họ phải bứng dưỡng cây đó rồi quay lại trồng, chi phí bao nhiêu phải tự chịu. Nếu đơn vị không chấp nhận thì thành phố không duyệt dự án.

"TPHCM phải cố gắng tăng lượng cây xanh để giảm tỷ lệ bê tông hóa. Thay vì đổ bê tông toàn khối, thành phố nên lắp gạch có lỗ rỗng để nước thoát được xuống đất, cây mới phát triển bộ rễ. Nếu bịt kín vỉa hè bằng bê tông, rễ cây không phát triển được dẫn đến dễ ngã đổ vào mùa mưa", bà Hạnh Nguyên nói.

Ông Võ Kim Cương, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, nhìn nhận thành phố đang thiếu rất nhiều cây xanh và phân bố không đều. Khu vực trung tâm ở quận 1, 3 có rất nhiều mảng xanh như: Công viên Tao Đàn, Công viên 23 Tháng 9, Thảo cầm viên…

Trong khi đó, các vùng xung quanh như: Quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh, 10, 11… dày đặc nhà, ít cây xanh. Đây là tình trạng xấu của đô thị vì phát triển mảng xanh không đồng đều.

Theo ông Võ Kim Cương, cây xanh là yếu tố rất cơ bản đối với môi trường, hệ sinh thái, vì tạo ra oxy, cản bụi, tạo bóng mát, tăng vẻ đẹp đô thị. Con người không chỉ sống trong nhà mà cần cảnh quang xung quanh. Cây xanh chiếm 1/3 yếu tố cảnh quan đó, nếu thiếu cây xanh, đô thị sẽ mất cân đối.

TPHCM cần phủ xanh thế nào khi hàng nghìn cây đã hy sinh cho dự án? - 2

Công viên 30 Tháng 4 dẫn vào Dinh độc lập là một trong những khu vực nhiều cây xanh tại trung tâm TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Ông cho rằng, thành phố phải có tính toán, định giá, đánh giá cây xanh khi thực hiện công trình giao thông. Phải xem cây xanh có giá trị để khi chọn phương án kinh tế, lựa chọn cách tránh ảnh hưởng nhất.

Phải trồng lại gấp 3-4 lần

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, TPHCM đang thiếu cây xanh nghiêm trọng. Theo tiêu chí đô thị, cần tối thiểu 10m2 cây xanh/đầu người, nhưng TPHCM chỉ còn 0,55m2 cây xanh/đầu người.

Theo ông Sơn, đô thị bị thiếu cây xanh đồng nghĩa tăng ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ngập lụt và cảnh quan đô thị khô khan. Nhiều khu đô thị hiện nay chỉ thấy bê tông, vắng bóng cây xanh, thành phố chưa có định hướng nào giải quyết tình trạng này.

Vừa qua, TPHCM đốn hạ rất nhiều cây xanh. Theo ông Sơn, lượng cây tại thành phố sẽ tiếp tục giảm nếu không có biện pháp bảo vệ. 

Về giải pháp, chuyên gia cho rằng bước đầu tiên cần làm là bảo vệ lượng cây xanh trên đầu người, đừng để giảm thêm. Trước khi phê duyệt bất kỳ dự án hạ tầng, đô thị nào, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là có chặt cây hay không; không nên đợi dự án phê duyệt xong rồi mới tính đến chuyện chặt cây.

"Mỗi dự án đều có nhiều cách thực hiện. Ta cần xem xét phương án có chặt cây và không chặt cây. Xưa nay, chúng ta thường duyệt dự án làm đường, đấu thầu xong rồi mới nói là có chặt cây. Quy trình này cần thay đổi, nên nghiêng về phương án không chặt cây trước khi phê duyệt hồ sơ", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

TPHCM cần phủ xanh thế nào khi hàng nghìn cây đã hy sinh cho dự án? - 3
TPHCM cần phủ xanh thế nào khi hàng nghìn cây đã hy sinh cho dự án? - 4

Đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, trước và sau khi mở rộng đường, xây cầu Ba Son (Ảnh: An Huy, Nguyễn Quang).

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, không phải làm bất cứ công trình nào cũng buộc phải chặt cây. Và trong trường hợp không có phương án nào khác, buộc phải chặt cây, dự án đó đốn hạ bao nhiêu cây thì phải trồng lại gấp 3-4 lần. Việc trồng lại cây phải nằm trong kinh phí dự án, tránh trường hợp chủ đầu tư nói trồng cây nhưng trốn tránh trách nhiệm.

Đồng thời, tất cả quỹ đất ở bán đảo Thanh Đa, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận,… thành phố dự kiến khai thác cho việc phát triển, theo ông nên dành ít nhất một nửa để làm không gian xanh.

"Nhiều trường hợp chúng ta tôn trọng, bảo vệ cây xanh, dịch chuyển công trình xây dựng đi một chút, có thể tránh được việc đốn hạ. Nếu buộc đốn hạ, thành phố phải trồng bù lại gấp nhiều lần để giữ mảng xanh công cộng", ông Võ Kim Cương bày tỏ quan điểm.

Theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, chủ đầu tư dự án có cây xanh bị ảnh hưởng phải có trách nhiệm trồng lại; thời hạn thực hiện, chi phí bao nhiêu phải gộp vào công trình và thành phố phải quy định rõ.

Hài hòa phát triển đô thị và bảo tồn cây xanh

Bà Nguyên Hạnh Nguyên, Phó viện trưởng Viện Thiết kế và Kinh doanh sáng tạo dẫn chứng, các nước trên thế giới họ trồng cây rất nhiều, chẳng hạn ở Đức, Anh, Hà Lan. Người Đức rất khắt khe trong bảo vệ cây xanh. Các công trình xây dựng, nhà ở hiếm khi được xâm phạm cây xanh. Người nào xâm hại cây nằm trong danh mục bảo vệ hoặc cây có đường kính trên 1m phải chịu mức phạt đến 50.000 euro.

Chuyên gia cho rằng phải có luật quy định cụ thể mới bảo vệ được cây. Ở nước ta, luật chưa đủ sức răn đe hành vi phá hoại, xâm phạm cây xanh.

Bà Hạnh Nguyên nêu ví dụ ở Singapore, sau thế chiến thứ 2, ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng thời điểm đó) đưa ra chương trình trồng cây song song với phát triển đất nước. Nhờ đó, Singapore đã tạo ra được cảnh quan và môi trường xanh tuyệt vời như hiện nay.

Việc trồng cây trở thành chương trình dài hạn của Singapore. Những người kế thừa ông Lý Quang Diệu đã đưa việc trồng cây trở thành văn hóa, mô hình thành phố trong rừng. "Tôi từng nghe vụ một người dân ở Singapore khi làm nhà, họ không biết 3 cây xanh trong vườn nằm trong danh mục được bảo vệ. Họ vô tình đốn hạ và bị cơ quan chức năng phạt 6.000 đô la Singapore", bà Hạnh Nguyên kể.

TPHCM cần phủ xanh thế nào khi hàng nghìn cây đã hy sinh cho dự án? - 5

Dự án xây dựng nút giao thông An Phú có 1.500 cây xanh bị ảnh hưởng (Ảnh: An Huy).

Ông Võ Kim Cương cũng cho biết các nước trên thế giới đều rất quan tâm cây xanh, chẳng hạn như Australia, họ xây dựng thủ đô là một công viên cây xanh.

Những nước như Australia có luật riêng bảo vệ cây xanh. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, thậm chí ở tù. Họ nhìn nhận mảng xanh là yếu tố không thể tách rời trong phát triển kinh tế - đô thị.

Bên cạnh đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, nhiều nước trên thế giới ưu tiên 20-30m2 cây xanh/đầu người chứ không phải 0,55m2 như ở TPHCM. TPHCM giữ mức tối thiểu đó không được thì khó so được với các nước phương Tây.

"Đâu phải tự nhiên có được 20-30m2 cây xanh/đầu người, họ rất ưu tiên cho cây xanh, xâm hại cây xanh sẽ bị phạt tù. TPHCM giờ làm sao phấn đấu đạt 10m2 cây xanh/đầu người là tốt. Lâu nay chúng ta chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của cây xanh, giờ cần phải thay đổi, nhìn nhận lại", ông Ngô Viết Nam Sơn nói.

TPHCM đang và sắp triển khai 4 công trình giúp giảm ùn tắc giao thông tại nhiều quận, huyện trên địa bàn. Theo đó, có hàng nghìn cây xanh bị ảnh hưởng phải đốn hạ, bứng dưỡng đi nơi khác.

Cụ thể, dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) có khoảng 1.500 cây xanh nằm dọc trên đại lộ Mai Chí Thọ bị ảnh hưởng; dự án mở rộng Hoàng Hoa Thám kết nối nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) gần 100 cây xanh bị ảnh hưởng; dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa có hơn 300 cây xanh bị ảnh hưởng và dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có hơn 450 cây.

Dòng sự kiện: TPHCM "khát" cây xanh