Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức của cán bộ trong giai đoạn mới

Hoài Thu

(Dân trí) - Cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới cần trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chủ động phòng ngừa suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, theo quy định của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định số 144 Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

Với quy định về "yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc", Bộ Chính trị nêu rõ cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cán bộ, đảng viên phải tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh.

Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức của cán bộ trong giai đoạn mới - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, cũng là yêu cầu được Bộ Chính trị đặt ra.

Quy định về bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, Bộ Chính trị nêu rõ cán bộ, đảng viên cần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.

Với quy định "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", Bộ Chính trị nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.

Đặc biệt, theo Bộ Chính trị, cán bộ, đảng viên cần trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Cán bộ, đảng viên cần trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.

Bên cạnh đó, theo Bộ Chính trị, cán bộ, đảng viên cần nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực.

"Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng; thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín", theo Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị cũng quy định cán bộ, đảng viên phải đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Cán bộ, Đảng viên cũng cần gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời, theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Cán bộ, đảng viên được quán triệt cần khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác; nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm.