Đồng phục học sinh: "Miếng bánh" thương mại béo bở cho nhà trường?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Cứ hiệu trưởng cũ luân chuyển đi, người mới về là đồng phục lại thay thế mới, có khi chỉ 1-2 năm hoặc 3 năm luân chuyển một lần. Nếu không phải lợi vì lợi nhuận kinh tế thì vì cái gì?".

Mới đây, mạng xã hội dậy sóng trước hình ảnh về cuộc hội thoại giữa giáo viên mầm non và một vị phụ huynh liên quan tới chuyện mặc đồng phục của con. Theo đó, trong chuyến đi tham quan, giáo viên chụp ảnh một nhóm học sinh ngồi trên và mặc áo đồng phục xanh, chỉ riêng một em mặc áo đỏ in hình sao vàng. 

"Cả lớp tươm tất đang chuẩn bị xuống đi trường tiểu học nhưng có một bạn lúc nào cũng mặc khác cả lớp", giáo viên nhắn. 

Lập tức, mẹ của học sinh hồi đáp tin nhắn và cho rằng cô "có những lời nói thiếu tôn trọng và khiếm nhã". Người mẹ cũng nhắc nhở giáo viên: "Làm nghề thì nên có chút tâm với nghề. Đừng thấy con có chút thiếu sót mà so sánh, mỉa mai. Không động viên các con thì thôi, đừng làm vậy cô nhé".

Từ câu chuyện trên, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đặt nghi ngại về nghi vấn "kinh doanh" đồng phục trong giáo dục, không chỉ tại ngôi trường này mà còn tại nhiều cơ sở giáo dục khác.

Ông Tú nêu quan điểm: "Nói nghi vấn kinh doanh thật sự chẳng phải là đổ tội bởi dẫu biên lai có rõ ràng đến mức nào, minh bạch ra sao thì phụ huynh vẫn là người thiệt thòi nhất. Chưa kể việc thầy cô giáo bỉ bai học sinh không mặc đồng phục thì càng là một hành động phản giáo dục. Một ngôi trường như vậy thật khó để nói đó là ngôi trường mà cha mẹ yên tâm cho con mình theo học". 

Đồng phục học sinh: Miếng bánh thương mại béo bở cho nhà trường? - 1

Hình ảnh tin nhắn của cô giáo được phụ huynh ghi lại và đăng lên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Đồng phục giá cao, chất lượng "như chiếc bao tải"

Bên dưới bài viết của nhà báo Hoàng Anh Tú, nhiều độc giả bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm trên. Họ tin rằng đồng phục học sinh đang là một "miếng bánh" béo bở, đem về lợi nhuận không nhỏ cho nhà trường từ túi tiền của các vị phụ huynh.

Anh Vũ Long đặt câu hỏi: "Vấn đề này tồn tại từ lâu nhưng không ai nói đến. Mặc đồng phục đẹp cho trường lớp, nhưng những bộ đồng phục của trường giờ đang bị đưa vào kiếm lời bất chấp. Giá bị đẩy cao, nhưng chất lượng lại rất kém. Không hiểu những người kiểm duyệt chất lượng sản phẩm họ nghĩ gì khi bắt trẻ em mặc những bộ quần áo như những chiếc bao tải như vậy, hay họ bị lợi nhuận che mờ mắt rồi?".

Chung nỗi niềm, độc giả Nguyen Van Vuong viết: "Mình cầm quần đồng phục của con, sờ chất vải tưởng cái bao tải. Áo trắng cũng chán chả buồn nói. 50.000 đồng một cái không đắt, vậy mà đóng tiền toàn 150.000 đồng một cái. Chỉ biết tặc lưỡi cho qua".

"Đồng phục may như hàng chợ, chất vải thì nóng, số lượng bắt buộc thì nhiều. Không là lợi ích thì không là như vậy. Cá nhân tôi thấy không ủng hộ đồng phục", chị Thanh Huong lên tiếng. 

"Không còn là nghi vấn kinh doanh mà thực sự là kinh doanh tận thu. Giá của một bộ đồng phục với chất liệu vải kém, thô nóng không hề rẻ so với giá một bộ quần áo chất liệu tốt hơn bên ngoài thị trường. Nhà trường khi đặt may số lượng lớn, hoàn toàn có thể chọn đấu thầu đơn vị may rẻ đẹp. Là người mẹ nuôi mấy đứa con đi học, tôi luôn ác cảm với những chiếc áo đồng phục mà con buộc phải mặc trong thời tiết nóng bức, mà mình mất tiền mua đắt", chị Van Pham nêu lên nỗi niềm của người mẹ. 

Còn với chị Hương Hồ, độc giả này có con theo học tại một trường tiểu học thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Chị cho biết đồng phục của trường con mặc vào vừa nóng, vừa ngứa nhưng vẫn phải chịu đựng vì không còn lựa chọn nào khác. "Tiền đóng để mua bộ quần áo cũng không thấp nhưng chất lượng thì tệ thật tệ", độc giả này bình luận. 

Đồng phục học sinh: Miếng bánh thương mại béo bở cho nhà trường? - 2

Học sinh trường tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội, tự tin và chỉn chu trong bộ đồng phục của nhà trường (Ảnh minh họa: Trường Lê Quý Đôn).

Không phải vì lợi nhuận kinh tế thì vì cái gì? 

Từ thực trạng và mối tương quan giữa giá tiền và chất lượng đồng phục học sinh, nhiều độc giả tin rằng việc kinh doanh đồng phục không còn là nghi vấn mà đã trở thành một hình thức kinh doanh ép buộc để các bậc phụ huynh phải tuân theo. 

"Đồng phục trường bây giờ đã thành "gà đẻ trứng vàng" cho "ai đó", chuyện ai cũng biết, chỉ không nói được thôi. Thời đi học tôi cũng mặc đồng phục, nhưng nó chưa bao giờ là gánh nặng của cha mẹ như bây giờ. Bộ đồng phục đơn giản nhà trường quy định màu áo, màu quần và cha mẹ tự may, thế là đủ", độc giả Ai Tranvan nêu quan điểm. 

Cũng đặt ra phép so sánh giữa quá khứ với hiện tại, độc giả có nickname Lusdas viết: "Cái này là tùy vị hiệu trưởng có tâm, có tầm hay kết hợp cả hai thôi. Giờ mà kiếm trường nào chỉ mua phù hiệu, còn áo trắng quần xanh gia đình tự may thì chỉ là dĩ vãng". 

Cũng đặt vấn đề liên quan tới hiệu trưởng, anh Trần Phúc nghi vấn: "Đồng phục thay theo năm đã có, còn đồng phục thay theo hiệu trưởng cũng có luôn. Cứ hiệu trưởng cũ luân chuyển đi, người mới về là đồng phục lại thay thế mới. Mà có phải 10 hay 20 năm luân chuyển hiệu trưởng đâu, có khi chỉ 1-2 năm hoặc 3 năm thay một lần. Nếu không phải vì lợi nhuận kinh tế thì vì cái gì?".

Tương tự, độc giả Hoàng Thanh viết: "Cháu tôi theo học một trường cấp 2 tại quận Ba Đình (Hà Nội), trường mới thay hiệu trưởng, hiệu trưởng mới về thay thế gần như toàn bộ những thứ được gây dựng bởi hiệu trưởng cũ, trong đó có đồng phục dù xét thấy đây là vấn đề không cần thiết. Vậy tại sao hiệu trưởng vẫn thực hiện, có gì bất thường ở phía sau hay không?. 

Nói không quá thì ngôi trường giờ như "hộp bút chì màu", mỗi cháu mỗi loại đồng phục khác nhau. Không biết 2-3 năm nữa, khi vị hiệu trưởng mới chuyển tới, điều gì sẽ còn xảy ra nữa đây". 

Với người dùng Hiep Do, anh đánh giá việc mỗi năm mua lại một bộ đồng phục là vô cùng lãng phí, không cần thiết, đặc biệt với trẻ mầm non. "Trường mầm non con tôi mỗi năm một màu, mà may kiểu công nghiệp nên kích thước không chuẩn, con mình nhỏ mặc cái áo cỡ nhỏ nhất vẫn thùng thình. Ở miền Bắc chỉ mặc mấy tháng nóng còn lại mùa đông không động đến, sang tháng 4, 5 mới mặc lại rồi nghỉ hè. Thành ra cái áo còn rất mới và chưa chật, nhưng qua năm sau đổi màu khác rồi nên lại phải mua lại. Chán!", người này phân tích. 

"Trong khi Chính phủ cố gắng làm việc để hỗ trợ hoàn toàn học phí cho học sinh thì các trường làm điều ngược lại. Môi trường giáo dục không đồng nghĩa với thương trường. Nếu như môi trường này cũng bị những người được gọi là thầy "thị trường hóa", trở thành tấm gương xấu cho học sinh thì những mầm non kia, liệu các em có thể là những con người không bon chen, ích kỷ, không lợi dụng cơ hội hay không? Mong rằng những cấp quản lý của các trường hiểu được ý của tôi", anh Bùi Ngọc Bảo bình luận. 

Gay gắt hơn, anh Dao Xuan Tinh viết: "Cảm ơn tác giả đã lên tiếng. Một hình thức kinh doanh ép buộc đã tồn tại rất lâu và có hệ thống".

Anh Pham Hai tiếp lời: "Đồng phục chỉ là một công cụ khác để móc túi phụ huynh, suy nghĩ chút là nhận ra thôi mà. Còn cô giáo mầm non cư xử thế là do chưa được đào tạo tốt, chỉ cần điều chỉnh hành vi là được vì đứng ở góc độ cô giáo, nhà trường thì phụ huynh làm sai quy định ban đầu. Cô giáo thấy khó chịu nên thể hiện ra thôi. Còn quy định sai nhưng ban đầu không ai phản biện nên mặc nhiên nó được áp dụng".