DNews

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng

Hạnh Linh

(Dân trí) - Ông Vân không nhớ nổi đã bao lần trong lòng đất, dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, ông cùng các chiến sỹ áo trắng thực hiện những ca phẫu thuật, cứu chữa thương binh, hồi sinh sức mạnh chiến đấu.

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng

Bỏ học để đi đánh giặc

Ngày đầu tháng 5, tôi tìm về căn nhà của người lính quân y Đặng Hùng Vân (thôn Nam Thọ, xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Trong căn nhà nhỏ, cựu chiến binh tóc bạc trắng đang xem thông tin về lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên màn hình vô tuyến.

Ở tuổi 89, có nhiều ký ức đã rơi vào quên lãng nhưng với ông Vân những ngày tháng ở chiến trường Điện Biên Phủ vẫn được khắc ghi.

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng - 1

Thiếu tá Đặng Hùng Vân hồi ức của 70 năm về trước tại chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: Hạnh Linh).

Tháng 1/1953, 18 tuổi, chàng trai Đặng Hùng Vân cùng 6 thanh niên khác trong làng tham gia lực lượng thanh niên xung phong.

"Ngày ấy, tôi đang học lớp 6. Đến lớp tôi hay được nghe thầy cô kể về lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi các anh thanh niên trong làng nói, quân Pháp hung hăng, ngoan cố. Các anh bảo, đi thanh niên xung phong để đánh đuổi Pháp. Nghe đến vào thanh niên xung phong được đánh giặc, tôi rất hào hứng, bỏ học, lên đường", ông Vân nhớ lại.

Tham gia thanh niên xung phong, chàng trai Đặng Hùng Vân được phân về đội 40 của Đại đội 408 và được đơn vị cử đi học lớp y tá. Tháng 4/1953, đơn vị 408 nhận lệnh làm nghĩa vụ quốc tế, phục vụ chiến dịch Thượng Lào, giúp nước bạn Lào giải phóng hai tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng.

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng - 2

Có nhiều ký ức đã rời vào quên lãng, song ông Vân vẫn nhớ, ghi rành mạch từng diễn biến ở chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: Hạnh Linh).

Tháng 11/1953, đơn vị của ông Vân rút về nước để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ Lào, Đại đội 408 hành quân đến huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), nhận lệnh sửa, mở đường.

Theo ông Vân, Điện Biên Phủ năm ấy trời mưa, gió rét "cắt da, cắt thịt". Bom đạn của địch đánh phá ác liệt nhưng những người lính, thanh niên xung phong như ông vẫn hăng say khoét núi, mở đường.

"Trong một tuần, các đơn vị đã hoàn thành sửa xong đoạn đường dài 20km từ huyện Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ và mở một con đường mới dài 10km, rộng 3m xuyên qua đỉnh núi. Đường hoàn thành, chúng tôi tiếp tục cùng các đơn vị pháo binh, cao xạ, kéo pháo vào trận địa, triển khai lực lượng theo phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh", ông Vân hào hứng kể. 

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng - 3

Ông Đặng Hùng Vân cùng vợ ôn lại kỷ niệm của đời lính (Ảnh: Hạnh Linh).

Một ngày gần cuối tháng 1/1954, đơn vị của ông nhận lệnh hoãn tiến công để tác chiến theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Cùng thời điểm này, ông Đặng Hùng Vân được biên chế bổ sung vào Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308. Chàng lính trẻ trở thành y sĩ quân y của Đại đoàn.

Ông Đặng Hùng Vân cùng Đại đoàn 308 tiếp tục nhận lệnh sang Thượng Lào đánh vào phòng tuyến sông Nậm Hu nhằm tiêu hao sinh lực địch và đánh lạc hướng phán đoán của chúng. Hoàn thành nhiệm vụ, trung tuần tháng 2/1954, đơn vị hành quân trở về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Những ca phẫu thuật trong hầm đất

Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là y sĩ quân y, ông Đặng Hùng Vân đối mặt với nhiều căng thẳng.

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng - 4

Mỗi lúc nhớ đồng đội, nhớ tháng năm trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, người lính lại mang bộ quân phục ra gấp (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Vân kể, đêm 14 rạng sáng 15/3/1954, đơn vị của ông nổ súng đánh đồi Độc Lập. Địch phản kích dữ dội, sau 3 giờ, Đại đoàn 308 đã tiêu diệt xong cứ điểm đồi Độc Lập. Dù thắng lợi trong đợt này nhưng quân ta thương vong nhiều.

Nhiệm vụ của lực lượng quân y là phân loại thương binh thành nặng, nhẹ. Những người thương nhẹ cứu chữa tại chỗ, bồi dưỡng để nhanh chóng phục hồi. Bị thương nặng thì nhanh chóng dùng cáng chuyển tuyến để điều trị.

"Dưới hào, chúng tôi chạy đua với thời gian cứu chữa thương binh, bên trên máy bay địch điên cuồng quần thảo. Các chiến sỹ bị thương nhẹ, băng bó xong lại ôm súng, chiến đấu tiếp. Đau xót, nhiều lần tôi phải tự tay cưa chân, tay của đồng đội mình. Có những đồng chí hy sinh, trên tay tôi…", ông Vân bồi hồi nhớ lại, đôi mắt ngấn lệ.

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng - 5

Ông Vân vui khi ở tuổi "xưa nay hiếm" vẫn sống vui, khỏe bên người vợ và các con, cháu (Ảnh: Hạnh Linh).

Người lính tóc bạc trắng nhớ lại, đêm 30/3/1954, Trung đoàn 102, nhận lệnh đánh phía Đông Bắc đồi A1. Sau 3 ngày chiến đấu cam go, ác liệt, nhiều thương binh được đưa về các trạm quân y.

Lúc này, khu phòng mổ được đặt trong cùng của giao thông hào và chỉ có một con đường nhỏ vận chuyển. Lượng thương binh ngày một lớn, dồn về cùng một lúc, gây ách tắc. Nhận lệnh của cấp trên, đơn vị của ông Đặng Hùng Vân tiếp tục khoét núi thêm 10km giao thông hào.

"Khi giao thông hào được thông, các y, bác sĩ tiếp nhận thương binh, thay nhau mổ liên tục trong nhiều ngày, quên ăn, quên ngủ. Thời điểm đó, tôi là y sĩ, tham gia hỗ trợ cho kíp mổ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi mổ cứu thương binh trong hầm", ông Vân kể.

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng - 6

Ông Vân chia sẻ cùng con trai những tháng năm khó quên trong quân ngũ (Ảnh: Hạnh Linh).

Ở chiến trường, lực lượng quân y đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong căn hầm nhỏ dưới lòng đất, được bố trí khử trùng nghiêm ngặt. Phòng mổ chỉ le lói ánh sáng đèn pin và đèn dynamo xe đạp. Để có đủ ánh sáng thực hiện ca phẫu thuật, bộ đội ta đã gác xe đạp lên giá, một người ngồi lên xe đạp liên tục để đèn phát ra ánh sáng.

Các anh nuôi đun nước sôi sát trùng các dụng cụ phẫu thuật, luộc khăn, gạc bằng bếp Hoàng Cầm. Họ cũng nấu cháo phục vụ bộ đội, lực lượng quân y, giúp những chiến sỹ áo trắng đứng vững trong nhiều ngày mổ liên tục.

"Chiều 7/5/1954, quân ta đánh vào Sở Chỉ huy địch ở Mường Thanh. Quân Pháp còn sống sót kéo cờ trắng đầu hàng. Tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ bị bắt sống, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Lúc này, anh em chúng tôi ôm chặt lấy nhau vừa cười, vừa khóc. Niềm hạnh phúc không thể nói hết thành lời", ông Vân rưng rưng nhớ về thời khắc chiến thắng của 70 năm về trước.

Theo ông Vân, 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", ông cùng lực lượng quân y đã căng mình phục vụ cứu, chữa thương binh, hồi sinh sức chiến đấu cho hàng nghìn chiến sỹ.

Điện Biên Phủ được giải phóng, đơn vị của ông Đặng Hùng Vân hành quân về Phú Thọ, sau đó chuyển đến cục quân khí xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí ở Tuyên Quang. Năm 1957, ông Đặng Hùng Vân tiếp tục đi học ngành y rồi công tác tại Bệnh xá xã Hoằng Cát.

Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một lần nữa, ông Vân để lại sau lưng vợ trẻ, con thơ lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 320. Đơn vị của người lính trẻ Đặng Hùng Vân tiếp tục Nam tiến, "tất cả vì miền Nam ruột thịt".

Chuyện kể dưới hầm đất Điện Biên Phủ của người lính áo trắng - 7

Thiếu tá Đặng Hùng Vân vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhất (Ảnh: Hạnh Linh).

Vượt bao núi cao, vực sâu, "người lính áo trắng" Đặng Hùng Vân tham gia cứu chữa thương, bệnh binh cho đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối. Sau giải phóng, tháng 12/1976, Thiếu tá Đặng Hùng Vân chuyển ngành, về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa rồi nghỉ hưu năm 1985.

Với cống hiến suốt những tháng năm của hai cuộc kháng chiến, Thiếu tá Đặng Hùng Vân vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất, nhì, ba.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Hoằng Cát, cho biết, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Đặng Hùng Vân vẫn rất minh mẫn. Người lính ấy là nhân chứng sống trong chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; là đảng viên 60 năm tuổi Đảng, gương mẫu, sống có trách nhiệm.